Đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử

N.Khánh 11/03/2021 06:15

Tại phiên họp của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc phiên họp của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử. Ảnh: VGP.

Cùng ngày 10/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm cùng Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen và Thủ tướng CHDCND Lào Thongloun Sisoulith theo hình thức trực tuyến.

Nhận diện tồn tại, hạn chế để phấn đấu cao hơn

Theo các báo cáo tại phiên họp, nhiều văn bản quan trọng định hướng phát triển CPĐT được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành kịp thời trong suốt thời gian qua. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên quy mô toàn quốc đã được phát triển và hình thành theo Khung kiến trúc CPĐT Việt Nam, bao gồm: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia và các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh; Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đã kết nối với trên 200 hệ thống thông tin của 90 cơ quan, đơn vị để kết nối chia sẻ dữ liệu quy mô quốc gia).

Một số cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia đã được xây dựng và phát huy hiệu quả như các cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, y tế, giáo dục, hộ tịch. Trong đó, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được khai trương ngày 25/2/2021, đánh dấu mốc son đặt nền tảng hình thành công dân số trên cơ sở đổi mới tổ chức, quản lý, chia sẻ, khai thác thông tin dân cư chính xác, thống nhất hiện đại, là cú hích giảm giấy tờ thủ tục hành chính đáng kể. Trên 90% văn bản điện tử được trao đổi giữa các cơ quan nhà nước; trên 4,5 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia... là những con số biết nói trong lộ trình xây dựng CPĐT.

Tuy nhiên, vẫn còn các tồn tại, hạn chế lớn cần được đẩy mạnh khắc phục trong thời gian tới liên quan đến vấn đề này. Cụ thể, môi trường pháp lý cho CPĐT chưa hoàn thiện. Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vẫn thấp (mới đạt 31%). Hạ tầng công nghệ thông tin nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu đồng bộ... cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển CPĐT năm 2020 của Liên hợp quốc, xếp hạng chỉ số phát triển CPĐT của Việt Nam đứng thứ 86/193 quốc gia, tăng 2 bậc so với năm 2018. “Qua đó, cho thấy chúng ta có rất nhiều cố gắng trong xây dựng và phát triển CPĐT” - Thủ tướng nói. Tuy nhiên, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn giữ nguyên vị trí thứ 6. Năm nước có vị trí cao hơn Việt Nam là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Philippines.

Đặc biệt, sự thăng hạng của một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan từ 73 lên 57, Indonesia từ 107 lên 88, Campuchia từ 145 lên 124, Myanmar từ 157 lên 146, việc chỉ số CPĐT của các nước trong khu vực tăng mạnh đồng nghĩa với môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo của các nước này tiếp tục tăng, là đối tượng cạnh tranh với nước ta trên các lĩnh vực, đặc biệt là thu hút đầu tư, thương mại, dịch vụ. Đây là thách thức lớn đối với chúng ta. Cần thấy rõ vấn đề này để có phấn đấu cao hơn.

Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các thành viên Ủy ban: Thứ nhất, cần nhận diện tồn tại, hạn chế, vướng mắc làm cản trở việc xây dựng CPĐT ở nước ta, từ đó tìm đúng nguyên nhân căn bản cản trở thực hiện CPĐT. Thứ hai, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đẩy nhanh tiến trình xây dựng CPĐT trong thời gian tới. Thứ ba, thảo luận về các giải pháp để tăng cường chuyển đổi số quốc gia, giao dịch điện tử, phát triển nhiều sản phẩm chuyển đổi số “Make in Việt Nam”.

Việt Nam - Lào - Campuchia luôn sát cánh cùng nhau

Cũng trong ngày 10/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm cùng Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen và Thủ tướng CHDCND Lào Thongloun Sisoulith theo hình thức trực tuyến.

Các vị Thủ tướng đánh giá cao ý nghĩa của cuộc Hội đàm cấp cao trực tuyến lần này theo sáng kiến của Thủ tướng Campuchia Hun Sen; giúp duy trì, củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam - Lào - Campuchia nói chung và lãnh đạo cấp cao ba nước nói riêng.

Các Thủ tướng nhấn mạnh tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt giữa ba nước là tài sản vô giá của ba dân tộc, là động lực để ba nước luôn sát cánh cùng nhau trong công cuộc đấu tranh giành độc lập trước kia và xây dựng, phát triển đất nước ngày nay; bày tỏ tin tưởng các thế hệ tương lai sẽ tiếp tục vun đắp và phát huy truyền thống tốt đẹp này.

Thủ tướng ba nước nhất trí tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác; đẩy mạnh hợp tác, giao lưu giữa 13 địa phương giáp biên; triển khai hiệu quả các thỏa thuận về quản lý biên giới; tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh biên giới chung, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia; đẩy mạnh triển khai Kế hoạch kết nối ba nền kinh tế đến 2030, trong đó chú trọng hợp tác, tranh thủ nguồn lực từ các đối tác phát triển để phát triển các tuyến đường cao tốc Hà Nội - Vientiane, đường sắt Vientiane - Vũng Áng và đường sắt TP HCM - Phnom Penh; thúc đẩy xây dựng chợ biên giới và các trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa giữa ba nước.

Thủ tướng ba nước cũng nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ nhau trong phòng chống đại dịch Covid-19; tiếp tục tạo điều kiện thông quan thuận lợi cho người và hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, cũng như các hoạt động hợp tác đầu tư; nhất trí phối hợp thúc đẩy khả năng tiếp cận vaccine của các nước đang phát triển; triển khai hiệu quả các sáng kiến liên quan được thông qua trong khuôn khổ ASEAN 2020, trong đó có Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp của ASEAN và Hành lang đi lại ASEAN.

Trao đổi về các vấn đề khu vực cùng quan tâm, ba Thủ tướng chia sẻ mong muốn Myanmar sớm ổn định, giải quyết bất đồng thông qua đối thoại hòa bình, vì lợi ích của Myanmar, vì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực; đồng thời nhất trí tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm và các nỗ lực của ASEAN. Ba Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông; nhất trí phối hợp xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế. Ba Thủ tướng cũng nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, phối hợp xử lý thỏa đáng các vấn đề liên quan đến phát triển thủy điện trên dòng chính và tăng cường nghiên cứu hợp tác phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

N.Khánh