Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sẽ có 24 phiên họp thường kỳ, đột xuất
Tại phiên họp của Ban chấp hành đảng bộ Hà Nội bàn về 10 chương trình công tác lớn toàn khóa của Thành ủy Hà Nội diễn ra sáng 11/3, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy dự kiến có 24 phiên họp thường kỳ và đột xuất.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng cho biết, năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội sẽ tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với việc tổ chức phổ biến, quán triệt, học tập, nghiên cứu nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, toàn Đảng bộ sẽ triển khai thực hiện 10 Chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy khóa XVII, gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Ban Thường vụ Thành ủy dự kiến có 24 phiên họp thường kỳ và đột xuất.
Theo dự thảo Chương trình, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy cũng sẽ tập trung lãnh đạo việc chuẩn bị và tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp của TP nhiệm kỳ 2021-2026; triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về "Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội"; chỉ đạo đánh giá tình hình thi hành Luật Thủ đô.
Một trong số 10 chương trình công tác của Thành ủy nhận được sự quan tâm là Chương trình công tác số 08-CTr/TU về "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025".
Về chương trình này, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho biết, đây là Chương trình hoàn toàn mới so với các nhiệm kỳ trước. Chương trình nhằm hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chỉ số hạnh phúc của Nhân dân trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP và coi Nhân dân là mục tiêu, trung tâm của mọi chủ trương, đường lối của Đảng.
Dự thảo Chương trình số 08-CTr/TU đề ra 3 mục tiêu, trong đó, giải quyết hài hòa, hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội và quản trị xã hội. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng sống Nhân dân Thủ đô, giảm chênh lệch mức sống giữa thành thị - nông thôn...
Dự thảo Chương trình cũng đề ra 15 chỉ tiêu trong phát triển hệ thống an sinh xã hội và 12 chỉ tiêu trong nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống Nhân dân. Đáng chú ý, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đạt 50%, tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 40%, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95%, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn TP, tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe đạt 100%, tuổi thọ trung bình đạt 76,5 tuổi...
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “10 Chương trình công tác nói trên phản ánh toàn diện các mặt công tác của TP trong thời gian tới trên những phương diện cụ thể về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, quy hoạch, chỉnh trang đô thị, nông thôn mới. Các Chương trình công tác này phản ánh mục tiêu, quan điểm, 5 định hướng lớn, 3 đột phá chiến lược và 14 nhóm giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII. Vì vậy, các đồng chí cần cho ý kiến các chương trình này đã bám sát các chủ trương chính sách lớn, tinh thần và lời văn của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chưa, bám sát Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ TP cũng như kế thừa các chương trình của khóa trước như thế nào và quan trọng là có tính khả thi, bám sát thực tiễn phát triển của Thủ đô chưa. Trong đó đề nghị tập trung cho ý kiến về mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, các nhóm giải pháp chủ yếu, phụ lục danh mục các đề án, kế hoạch, thậm chí các công trình đầu tư cụ thể, có phân công đơn vị, thời gian thực hiện để nhanh chóng đưa Nghị quyết của vào cuộc sống…” .
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng chỉ rõ, điều quan trọng là 5 năm sau, 10 chương trình công tác phải thực sự khẳng định được giá trị trong cuộc sống, khi đó mới là thành công trọn vẹn của Đại hội Đảng bộ TP.