Hiểu đúng hơn về chính sách hỗ trợ gia đình sinh 2 con một bề
Theo thông tư 01/2021/TT-BYT của Bộ Y tế, sinh 2 con một bề được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí... Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế cho biết, để được hưởng hỗ trợ sinh 2 con một bề, người dân cần đáp ứng đủ điều kiện và hoàn thiện các thủ tục đúng quy định.
Điều kiện hưởng hỗ trợ
TS Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế) cho biết, một số người dân hiện đang hiểu chưa chính xác, chưa đầy đủ về nội dung của Thông tư. Theo đó, nội dung này nằm trong Điều 4 của Thông tư liên quan đến việc hướng dẫn một số nội dung khuyến khích kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Điều 4 - Một số nội dung khuyến khích kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của Thông tư 01/2021/TT-BYT
Tập thể: Xã đạt 100% thôn đã có nội dung về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trong hương ước, quy ước được đề xuất Ủy ban nhân dân cấp huyện khen thưởng một lần kèm theo hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật.
Cá nhân: Căn cứ mục tiêu chính sách dân số và thực tiễn, để kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, địa phương lựa chọn, quyết định một số nội dung cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ cho cặp vợ chồng sinh 2 (hai) con một bề cam kết không sinh thêm con như: tôn vinh, biểu dương việc nuôi con khỏe, dạy con ngoan, con học giỏi, thành đạt; miễn, giảm học phí, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế học sinh; hỗ trợ sữa học đường và các nội dung, hình thức phù hợp khác.
Theo nội dung Thông tư, đối tượng được khuyến khích, hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật là các tập thể và cá nhân thực hiện tốt công tác dân số. Cụ thể, về tập thể bao gồm: Thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu và tương đương (gọi chung là thôn); xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã). Về cá nhân là các cá nhân là công dân Việt Nam cư trú trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện tốt công tác dân số.
Như vậy, việc các cặp vợ chồng sinh con một bề (có ký cam kết không sinh thêm con) có thuộc diện được khuyến khích, hỗ trợ hay không còn tùy thuộc vào tình hình thực tế tại từng địa phương, do địa phương quyết định. Không đồng nghĩa với việc, người dân trên cả nước, cứ sinh hai con một bề là được hưởng các khuyến khích, hỗ trợ như tiêu đề bài báo đã nêu, ông Dương nhấn mạnh.
Thông tư khuyến khích duy trì vững chắc mức sinh thay thế:
Tại Điều 3 của Thông tư này, Bộ Y tế đưa ra một số nội dung khuyến khích liên quan đến việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế. Trong đó, tùy theo từng vùng, khu vực (vùng mức sinh cao, mức sinh thấp và vùng mức sinh thay thế) sẽ có những hướng dẫn khác nhau.
Cụ thể, tại các tỉnh thuộc vùng mức sinh cao theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (33 tỉnh), nếu thôn đạt ba năm liên tục không có người sinh con thứ ba trở lên được đề xuất UBND cấp xã khen thưởng kèm theo hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật.
Thôn đạt năm năm liên tục không có người sinh con thứ 3 trở lên được đề xuất UBND cấp huyện khen thưởng kèm theo mức khuyến khích, hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật. Với xã đạt 3 năm liên tục không có người sinh con thứ 3 trở lên được đề xuất UBND cấp huyện khen thưởng kèm theo hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật.
Xã thuộc vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, xã có mức sinh cao đạt một năm không có người sinh con thứ 3 trở lên được đề xuất UBND cấp huyện khen thưởng kèm theo hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật. Với xã đạt năm năm liên tục không có người sinh con thứ 3 trở lên được đề xuất UBND cấp tỉnh khen thưởng kèm theo hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật.
Với cá nhân, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã có đủ hai con và tự nguyện sử dụng biện pháp tránh thai dài hạn (triệt sản, đặt dụng cụ tử cung, cấy thuốc tránh thai) được khuyến khích, hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật.
Tại các tỉnh thuộc vùng mức sinh thấp (21 tỉnh), Thông tư cũng nêu rõ, nếu xã ba năm liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con được đề xuất UBND cấp huyện khen thưởng kèm theo hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật; xã năm năm liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con được đề xuất UBND cấp tỉnh khen thưởng kèm theo hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật.
Với cá nhân, căn cứ vào thực tiễn, địa phương lựa chọn, quyết định khen thưởng, hỗ trợ tiền hoặc hiện vật cho phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi.
Còn tại các tỉnh thuộc vùng mức sinh thay thế (9 tỉnh), căn cứ vào mục tiêu chính sách dân số và thực tiễn, để duy trì vững chắc mức sinh thay thế, địa phương lựa chọn, quyết định một số nội dung cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân như đã nêu ở trên.
Đối với phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh:
Tại Điều 5 của Thông tư, Bộ Y tế hướng dẫn một số nội dung khuyến khích góp phần nâng cao chất lượng dân số, trong đó phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh đáp ứng đủ điều kiện sẽ được tầm soát trước sinh và tầm soát sơ sinh.
Cụ thể, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; sống tại vùng nhiễm chất độc dioxin, vùng núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn được hỗ trợ thực hiện tầm soát trước sinh (sàng lọc trước sinh), tầm soát sơ sinh (sàng lọc sơ sinh) và hỗ trợ bằng tiền (nếu có).
Kinh phí để thực hiện các nội dung khuyến khích, khen thưởng, hỗ trợ tiền hoặc hiện vật đối với các tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số được lấy từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định.
Ông Dương cho biết: “Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế để các địa phương làm căn cứ xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ sao cho phù hợp với thực tiễn tại địa phương mình. Bước đi, lộ trình thực hiện ra sao và khuyến khích, hỗ trợ như thế nào phụ thuộc ở mỗi địa phương. Bộ Y tế chỉ đưa ra hướng dẫn. Trong quá trình các địa phương triển khai thực hiện, nếu có bất kỳ vướng mắc nào, địa phương cần phản ánh kịp thời về Tổng cục Dân số, Bộ Y tế để xem xét, giải quyết”.