Nghệ sĩ Phó An My: Nghệ thuật không có cuối con đường

Nguyễn Quỳnh Trang (thực hiện) 11/03/2021 19:30

Năm 2006, trong khi tham gia Festival Huế, nghệ sĩ Phó An My - còn được công chúng gọi là “Tiếng dương cầm bão tố” - quyết định dùng khí nhạc phương Tây để thể hiện âm nhạc truyền thống của Việt Nam.

Nghệ sĩ Phó An My biểu diễn trên sân khấu.

Năm 2011, với chương trình biểu diễn “Bóng”, chị đã gây kinh ngạc trong công chúng và giới chuyên môn, tạo nên một hướng khai phá âm nhạc Việt Nam mới. Sau “Bóng”, chị làm “đối thoại” với nghệ thuật tuồng qua “Lửa”, chèo qua “Gió”. Năm 2017, chị bước sang một giai đoạn mới là “Độc thoại” - cuốn nhật ký nơi chị từng đi qua, viết lại, lấy hơi thở văn hóa người Tày vào tác phẩm “Độc hành” và cuối năm 2019 là tác phẩm “Tỉnh” với chất liệu từ ca trù.

Là một nghệ sĩ piano nổi danh tài năng và chọn cách đi riêng hoàn toàn độc lập, thoát ra khỏi trào lưu, đám đông, hội hè với tâm thái tràn đầy kiêu hãnh, thế nhưng đến ngày, công chúng và bạn hữu thấy Phó An My ngồi chặt cá, vun bếp làm những nồi kho bán, nấu bún ốc, quẩn quanh với nhà cửa nội trợ chăm con… cứ như âm nhạc đang ở một góc nào đó rất xa vời không liên quan đến đời sống chị. Cách đây nửa năm, không hiểu vì lý do gì, thấy Phó An My bỏ phố về núi ở. Trên ngọn đồi trọc tại bản Chiềng Đi, xã Vân Hồ, Sơn La, Phó An My tự dựng lên một khu riêng với cổng, nhà… từ đá, đất… mái lợp kết bằng lá, chan hòa thiên nhiên. Trên lối đi từ chân lên đỉnh đồi được rải đá và xây bậc thang xếp chồng gạch đỏ, chị trồng những luống rau bắp cải, xu hào, súp lơ, xà lách ngát xanh, xen kẽ là hoa cải vàng, hoa xuyến chi, tán cây bụi, nhiều gốc đào đỏ, mai trắng đang rộ hoa, những cây hồng đang bắt đầu trổ mầm lá non.

Buổi tối, bên bếp lửa, trên chiếc bàn con đặt một bát hương trầm, trong phòng khách của nhà triển lãm, với bàn gỗ dài chục người có thể ngồi quanh, nghệ sĩ Phó An My nói về tuổi thơ và âm nhạc.

PV:Chị đã đi qua một tuổi thơ khác biệt để âm nhạc luôn tràn đầy năng lượng mạnh mẽ?

Nghệ sĩ Phó An My: Tôi sinh ra trong khu nhà Quán Thánh. Trong khu có mấy đứa trẻ con chơi cùng nhau. Tôi là đứa ít chịu ngồi yên được một chỗ, rất chăm giao du với hàng xóm. Ước mơ của mẹ tôi là đẻ ra một công chúa. Sáng nào mẹ cũng dậy sớm, tết tóc hai bên cho tôi, mặc cho tôi váy vải bông trắng, tháo từ những áo len cũ ra đan cho tôi đôi tất trắng để đi. Nhưng kiểu gì tối đến, tôi cũng về nhà với bộ dạng xộc xệch, nhếch nhác. Từ bé tôi đã rất thích lê la, thích sự mới mẻ và luôn hớn hở. Như mỗi năm vào dịp khai giảng thì tôi vô cùng hào hứng, nhất là được có quần áo mới, được nhìn thấy sách vở mới với vỏ bọc đẹp đẽ, có cặp sách mới… nhưng khai giảng hát múa tưng bừng xong, khi phải đến trường để học, thì tôi lại thấy nhạt nhẽo quá, rồi tự hỏi tại sao lại phải đi học, khi viết thì không hiểu sao phải viết thẳng hàng, còn mỗi lúc học toán thì tôi hoảng loạn hét cả lên không hiểu gì cả. Tôi rất thích đời sống xung quanh, nhất là liên quan đến hàng xóm láng giềng. Nhà người ta có đám ma, tôi chạy ngay đến, khóc to hơn cả gia chủ, còn đám cưới thì cũng nhiệt tình tới luôn. Bố mẹ bảo thức dậy để học thì khó khăn lắm, nhưng nếu nói nhà hàng xóm có việc kìa thì tôi choàng tỉnh, bật dậy và chạy đi lập tức. Khi xem phim, tôi cũng bị hút vào nội dung phim, rồi dễ bị nhập vào vai và khóc nức nở khi có cảnh bi thương. Lúc tôi còn bé, mẹ tôi là người rất lãng mạn, bà vốn là con nhà tư sản. Nhà tôi ở Quán Thánh, mẹ chở chúng tôi lên Bách Thảo, mang theo khăn trải, trà, hoa quả, bánh kẹo đi dã ngoại. Mẹ còn làm cho tôi cái vợt bắt bướm. Ông ngoại tôi có một cái nhà sàn, ông đến đón chúng tôi, chở cả bọn bằng xe đạp. Buổi đêm cùng ông bắt đom đóm, rồi ông kể những chuyện ngày xưa. Những câu chuyện lãng mạn trẻ thơ ấy từ ông và bố mẹ mang tới, dần thấm đẫm trong tôi, trở thành một phần con người tôi, tôi rất thích được ngắm thiên nhiên và sống giữa thiên nhiên.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống về âm nhạc, những người thân, người bạn đã ảnh hưởng tới tinh thần chị như thế nào?

- Nhà tôi khi ở Quán Thánh, nhiều người nổi tiếng đã đến đó chơi. Tôi được quan sát nhiều thứ hay, khi các cô chú lớn tuổi luôn trân trọng yêu kính, phục tài nhau. Qua đó, tôi học được cách cư xử trân trọng người khác, học được sự tử tế của những người đi trước. Tất cả đều ngấm trong tôi một cách tự nhiên vô cùng đẹp đẽ. Như bạn của ông ngoại tôi, từ cụ Hoàng Đạo Thúy, Văn Cao. Với bác Dương Tường, tôi còn đinh ninh đó là bác ruột. Còn chú Nguyễn Quân, tôi cũng tưởng họ hàng ruột thịt vì luôn có mặt ở nhà tôi.

Vậy làm thế nào mà một cô nhóc ưa chạy nhảy và mê những việc bao đồng bên nhà hàng xóm, lúc nào cũng trở về với bộ dạng xộc xệch lại chịu ngồi tập đàn?

- Từ bé nhà tôi ai cũng phải học đàn. Tôi nghe mọi người tập đàn nhiều và việc tập đàn trở thành nếp quen. Trẻ con nhà tôi đều đọc được nốt nhạc. Hồi bé, khi ngồi trước đàn, tôi thấy âm thanh có thể tạo ra câu chuyện và tôi muốn kể một câu chuyện nào đó bằng âm thanh. Khi tôi bắt đầu đi trên con đường âm nhạc chuyên nghiệp thì cảm thấy thực sự khủng khiếp. Vì tập đàn là đối đầu với chính mình. Phải phát điên phát rồ. Những điều ấy, tất cả những đứa trẻ học nhạc cụ đều trải qua. Nếu không có môi trường riêng với bạn bè và những người thầy thì không ai có tiếp tục được. Người thầy giỏi là luôn biết cách làm cho học trò hiểu được. Nhưng trong âm nhạc còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố khác.

Khi còn bé, lúc học đàn, tôi trốn được lúc nào thì trốn. Còn mẹ tôi thì cần mẫn ngồi bên cạnh, trông nom khi tôi tập đàn. Trời tối mịt rồi mà mẹ bảo không vấp ba lần thì tôi được nghỉ. Mà kiểu gì đến lần thứ ba tôi cũng sẽ đánh vấp. Khi gặp bác Hoàng My, tôi đến nhà bác ở ngõ Văn Hương học đàn. Tôi tập trên một cái đàn tịt hết nốt, trong một ngôi nhà mái lá. Tập từng nốt một. Có những hôm muỗi nhiều quá, bác Hoàng My cho tôi mượn đôi tất dài đến bắp chân để chống muỗi đốt. Tôi nhớ những hôm mưa lụt, nước dâng cao trong ngõ Văn Hương, chúng tôi phải kê đàn cao lên. Khi thấy tôi chán nản, bác sẽ giải thích vì sao phải làm như thế. Rồi nhớ mãi những hôm mười một giờ đêm, hai bác cháu đạp xe đi từ Văn Hương về đến Quán Thánh trò chuyện mãi không dứt, rồi lại đạp xe quay trở lại từ Quán Thánh đến Văn Hương để nói nốt câu chuyện. Bác Hoàng My tôi coi như người bố thứ hai và cũng là người thầy tôi không bao giờ quên. Rất tiếc bác đã mất…

13 tuổi, chị đã xa nhà và sang Đức học nhạc?

- Sau khi bác Hoàng My mất hai năm, tôi đi học ở Đức và bắt đầu thời gian xa bố mẹ, người thân. Tôi sống ở một nước rất kỷ luật. May mắn là tôi có một người thầy tạo cho tôi hứng khởi việc tập đàn. Khi đến với môi trường âm nhạc đúng nghĩa thì tôi bị trầm cảm. Tôi thấy mình quá bé nhỏ khi người giỏi quá nhiều. Vì thế, tôi cần chọn con đường làm nghệ thuật cho chính mình. Nghệ thuật là sự đau khổ. Không thể dùng lý trí chiến đấu, tôi mất nhiều thời gian để ngồi ngẫm lại mà tự thương mình. Tôi nhiều khi thấy bản thân chưa làm được như tôi mong muốn nhưng tài năng chỉ đến thế, dù sao thì tôi đã nỗ lực hết sức. Âm nhạc là sáng tạo riêng mang tính cá nhân, và mình không thể học ai được.

Tôi học âm nhạc tại Đức. Mong ngóng thầy cho đánh cận đại hay hiện đại nhưng tôi vẫn phải học cổ điển. Đến khi tôi bùng nổ, đòi thầy cho chơi các bản thuộc thể loại lãng mạn, thì thầy nói, do tôi quá điên, trong âm nhạc hay làm nghệ thuật mà không điều tiết được để quá điên thì mọi thứ đều bị phá nát. Khi tôi học điềm tĩnh để có thể lắng nghe hơi thở của mình, thì tôi mới đủ an định để quyết định xử lý việc xảy ra hay chơi một bản nhạc. Có hàng triệu người đánh một bản nhạc mà chỉ một người chơi thành công, do bản nhạc ấy được chơi từ tư duy, cảm xúc bên trong họ. Với tôi, nghệ sỹ là người kể chuyện, và cần có duyên của người kể. Cần diễn giải ra sao là khả năng, đó cũng là sức hút của người biểu diễn.

Khi nghe, hiểu lời thầy nói, tôi thấy lúc tập Bach, âm nhạc trở thành chúa trời. An tĩnh hơn, tôi có thể nghe bốn bè như bốn dòng chảy, mỗi ngón tay phải đánh một bè với bốn bè cùng lúc. Có lúc bè chính đẩy lên, bè phụ chìm xuống rồi bè trung… Tập trung kỹ năng tập Bach, tôi bắt đầu biết lắng nghe. Rồi tôi nghe được nhịp thở ngay chính trong mình. Cổ điển rất khắt khe, nhất là với người Đức, cần chuẩn từng giây, nhấc tay lên không được chậm. Âm nhạc của Đức chính là tính cách Đức, văn hóa Đức. Âm nhạc sinh ra từ chính văn hóa. Cổ điển, lãng mạn, cận đại, hiện đại, đương đại cũng thế, không có điểm dừng. Khi không nắm bắt được cổ điển thì làm sao đi đến cận đại hay đương đại? Đương đại là thứ đương thời của mình, cũng làm mình chưa hiểu được.

Nghệ sĩ Phó An My biểu diễn trên sân khấu.

Khi về nước sau thời gian dài sống ở Đức, chị có cảm giác về nhiều thứ đang khác đi không? Chị tiếp xúc với nghệ thuật trong nước thời điểm ấy và hòa nhập như thế nào?

- Khi tôi học cổ điển, cách nhìn nhận dần đổi khác và khi về Việt Nam, tôi đi tới các triển lãm, đến mọi buổi hòa nhạc và nghe, nhìn, ngắm. Tôi cứ lang thang cho đến năm 2006, khi cô Minh Hạnh xem đêm diễn solo của tôi ở L’Epace (Trung tâm Văn hóa Pháp Hà Nội), có lời mời tôi vào Huế nhân Festival được tổ chức tại đây. Tôi đi vào Huế, tìm cảm xúc theo lời cô Minh Hạnh. Huế rất nóng, tôi đi cả ngày không nghĩ được gì. Cho đến khi mệt quá ngồi phịch xuống, thấy luồng gió mát thổi qua, tôi bỗng nhiên nghĩ sẽ biểu diễn ở đây. Những đêm làm việc với sinh viên, thấy các bạn hát tuồng chèo cải lương rất hay, làm tôi nảy ra ý nghĩ mong muốn khai thác một cách nào đó chất liệu âm nhạc của dân tộc vào khí nhạc. Mình là người Việt Nam, cũng đầy lòng tự hào dân tộc, nhất là khi nghệ sĩ nước ngoài hỏi âm nhạc Việt Nam có gì. Tôi bắt đầu khai thác chất liệu âm nhạc truyền thống, quyết định làm “Đối thoại”. Hình thức đầu tiên là nói chuyện - đối thoại, tôi đưa ra kỳ vọng mười năm làm gì. Khi người ta nghe một tác phẩm, họ sẽ hiểu đây là nhạc Việt Nam. Mặc dù làm được điều ấy thì rất khó. Sau đó là bước biến chuyển tiếp theo khi tôi hiểu nên sử dụng nhạc cụ phương Tây để xử lý, khai thác sao cho tốt âm điệu nhạc truyền thống. Muốn quốc tế hóa âm nhạc Việt Nam thì phải dùng âm nhạc bằng nhạc cụ như “ngôn ngữ” quốc tế nhưng đồng thời người nghe cũng phải biết đó là âm nhạc của nước Việt mình.

Yêu âm nhạc như vậy, nhưng thời gian này lại thấy chị bận rộn với đủ mọi việc khác, như đang ngừng việc biểu diễn lại?

- Tôi vẫn tiếp tục chứ, vì tôi cho rằng âm nhạc của tôi đã có ảnh hưởng và tôi sẽ cần khai thác thêm. Tôi thấy, câu chuyện ý tưởng tôi đưa ra là hợp lý.

Đêm nhạc gần đây nhất là cách đây hơn một năm, “Tỉnh” diễn ra cuối năm 2019 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tôi không muốn nhắc lại. “Tỉnh” mà chẳng thấy tỉnh táo gì cả, nhưng tôi vẫn làm, vì tôi chẳng thấy có gì sai. Sau đêm nhạc, tôi thấy không có gì để bàn, cũng không làm tôi tỉnh hơn dù tôi đặt tên là “Tỉnh”.

Tôi thường khó khăn khi đặt tên tác phẩm. Cho đến giờ phút này tôi luôn làm nhạc dù không thể sống bằng nghệ thuật. Mục tiêu sống của tôi thì đơn giản nên tôi cũng chẳng cần lệ thuộc vào kinh tế. Với tôi, tiền là phương tiện nhưng không nhất thiết phải có nó. Nếu mỗi người đủ sức mạnh thì có thể lôi kéo bạn bè để họ có lòng tin giúp mình. Tôi cần thỏa mãn nghề, được biểu diễn là mừng lắm rồi. Được bước chân vào Nhà hát Lớn biểu diễn, tôi thấy mình quá may mắn. Khi bé, bố tôi đã gieo trong tôi giấc mơ. Bố đèo tôi đạp xe xung quanh bùng binh Nhà hát Lớn, bố bảo, My, rồi con sẽ biểu diễn bên trong nhà hát này. Từ đó tôi có giấc mơ biểu diễn tại đây. Bố là người tạo cho tôi tinh thần rất lớn, lúc nào cũng động viên tôi cố lên, cố lên, khi tôi học cổ điển rồi biểu diễn đương đại, nhiều người bảo tôi điên, bố tôi vẫn rất động viên.

Nhờ có bố, tôi hiểu thấu, cứ ngồi đó mà than thân trách phận thì cả đời không làm được gì. Có lẽ tôi là người chỉ cần một đêm diễn để cổ vũ chính tôi và các nghệ sĩ khác hãy làm nghệ thuật đi dù không có kinh phí. Cứ sáng tạo, cứ thoải mái biểu diễn âm nhạc, sao phải để mình khổ vì tài chính.
Lúc này lên núi mà tôi vẫn diễn, không diễn là nhớ.

Vì sao chị quyết định rời phố nên núi sống?

- Một ngày đi diễn liên tỉnh, tôi nghĩ tôi sẽ quay lại Đức sống hoặc lên núi. Tôi tâm sự với bố. Bố tôi nói: “Con đi giật lùi đi”! Thế là tôi lên núi. Khi tôi mua mảnh đất cũng là “tay không bắt giặc”. Bố tôi đến với tôi, bố tôi là nguồn sống của tôi, bố tôi ngắm không gian rồi bảo đây là tiên cảnh. Nửa năm qua lên đây, rất nhanh, tôi tạo ra cuộc sống riêng mình. Cả chiều nay tôi đi bổ củi, tôi muốn sống giống như người dân ở đây để chan hòa với thiên nhiên nơi này. Tôi ở đây lúc nào cũng có hàng xóm sang chơi, nói những câu chuyện ngô nghê không liên quan cuộc đời. Mệt thì lăn ra ngủ, thích thì đón khách bạn bè lên, mời người thân tới nghe tôi đánh đàn, để biết là tôi vẫn đang chơi nhạc. Khi gây dựng nơi này, tôi kì vọng tạo ra không gian lãng mạn, mời những nghệ sĩ hay lên sáng tác biểu diễn và tôi hỗ trợ được gì thì hỗ trợ. Tôi mong hết dịch, bạn bè nghệ sĩ khắp nơi tới và nhất là bạn bè quốc tế, tôi sẽ được học hỏi. Còn lúc này thì tôi thích được yên, tôi không muốn làm gì cả. Mặc dù còn nhiều thứ để làm, nhưng tôi muốn được thở một thời gian, được thư giãn.

Khi biết tôi lên núi, mọi người ngạc nhiên hỏi tôi lên đây thì sống thế nào? sống bằng gì? liệu tôi có chịu được không gian mới mẻ này không? Nhưng với tôi, tôi thực sự được trở về sống trong quá khứ mộng mơ thơ bé của mình, lòng rất bình an, không nghĩ gì. Tôi vốn là người sống đơn giản, không đua đòi cái gì vượt quá khả năng mình, nên sống trên núi tôi thích nghi được và cũng ở đây được nửa năm rồi.

Tôi lên núi trồng rau để ăn, lôi kéo người dân ở đây nuôi lợn, gà… để có thể tự cung tự cấp. Đồ ăn ở đây rất ngon và sạch. Ăn uống không phải là thứ lo nghĩ đối với người dân. Tôi mở thêm cái chợ phiên để mọi người sống theo bản sắc của họ. Ở đây người dân không bị dịch bệnh làm ảnh hưởng. Họ vẫn vô tư hồn nhiên.

Đây là một bản rất đáng yêu, nhiều hoa mận, hoa đào, tôi ở trên một quả đồi, vừa rồi bứng rất nhiều đào mận về trồng. Người dân rất tử tế, gần gũi. Họ bình dị hồn nhiên. Mình đối xử với họ sao họ cũng đối với mình như thế, cuộc sống đơn giản, tôi nhờ gì thì họ giúp. Tôi ở đây rất thư giãn.

Trong không gian đẹp đẽ như vậy, chị sẽ sớm tái tạo năng lượng mới để ra mắt tác phẩm hay mới, tôi tin thế!

- Với tôi, nghệ sĩ phải làm việc rất chuyên nghiệp và có kế hoạch rõ ràng cụ thể. Càng nổi tiếng càng phải chuyên nghiệp. Vì vậy tôi cần phải có kế hoạch cụ thể rõ ràng cũng như mục đích đến.

Tôi là người nghĩ ý tưởng, Tuệ Nguyên là người viết. Cũng là may mắn và cái duyên gặp Tuệ Nguyên. Hai chị em đi cùng nhau từ năm 2007 đến giờ, trải qua 15 năm làm việc với nhau rất ăn ý. Tuệ Nguyên khai thác sáng tác. Tác phẩm Nguyên viết xong thì tôi đưa tinh thần mình vào, và mỗi một lần làm tác phẩm, chúng tôi đi đến vùng đất ấy, trò chuyện với nghệ nhân và sống trong không khí văn hóa của họ nên khi biểu diễn tác phẩm, tôi được sống lại trong không gian ấy. Cùng Tuệ Nguyên, chúng tôi đã làm được 10 tác phẩm lớn và vô cùng nhiều tác phẩm nhỏ. Mỗi thời điểm nghe lại tác phẩm đã chơi, tôi vẫn thấy có sự mới mẻ. Tôi vẫn mong chơi một đêm diễn hoàn toàn cổ điển. Nghệ thuật không bao giờ có cuối con đường, đến khi mình chết thì cũng không phải điểm kết thúc. Sinh ra đã chọn con đường này thì sẽ làm mãi mãi. Có lúc nào đó chán có thể ngừng nghỉ, rồi lại tiếp tục đổi thay cho một không gian khác. Như không cần phải ra nhà hát nữa, mình có thể biểu diễn rồi đưa lên Youtube. Tuổi trẻ đi qua, đến lúc hết sốc nổi, đến lúc thấy mệt, tôi vẫn làm việc nhưng theo một dạng thức khác. Nhiều khán giả đến với tôi qua các đêm diễn một phần ủng hộ, một phần tò mò, đấy cũng là sự may mắn của một nghệ sĩ biểu diễn.

Giờ tôi đã lên núi và không muốn xuống nữa. Tôi đã quen với nhịp sống ở đây, mỗi khi rời xa tôi thấy mệt. Công việc của tôi còn nhiều thứ để làm ở đây. Niềm vui là do mình tự tạo ra, mình thử sống như những người dân vùng này cũng mệt phết, như là tôi dành hai buổi chiều để bổ củi. Lúc mệt thì đi quanh nhà ngắm cây, ngắm chó mèo. Tôi đã tính cuối năm nay làm một solo khai thác chất liệu tinh thần văn hóa người Mông vào tác phẩm.

Xin cảm ơn và mong sớm được thưởng thức tác phẩm âm nhạc mới từ chị.

Nghệ sĩ Phó An My sinh năm 1977 tại Hà Nội. Chị bắt đầu học piano từ 5 tuổi. Năm 13 tuổi, Phó An My sang Berlin - Đức, thi đỗ vào Trường E.M. Phillips Bach - một trong những trường đào tạo âm nhạc tốt ở Đức. Nghệ sĩ Phó An My từng đoạt giải nhất cuộc thi song tấu piano - clarinette của Thành phố Berlin năm 1996. Năm 1998, chị tốt nghiệp loại xuất sắc và trở về nước.

Nguyễn Quỳnh Trang (thực hiện)