Nhà thơ Đoàn Vị Thượng: Khi bụi phấn đã bay về trời
Tôi bắt đầu quen biết nhà thơ, nhà báo Đoàn Vị Thượng khoảng hơn 10 năm trước cũng như có nhiều thời gian làm việc chung cùng ông. Với vai trò làm biên tập cho ấn phẩm Tài hoa Trẻ cũng như số cuối tuần của báo Giáo dục và Thời đại, hàng trăm bài viết của tôi đã được ông chỉnh sửa, lên khuôn. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy rằng “tay nghề” của mình chắc chắn lên có lẽ cũng một phần nhờ sự giúp đỡ ấy.

Hơn một năm trước, tôi bất ngờ khi bạn bè nhắn tin nói ông đang bị ung thư phổi, chỉ ít tháng sau khi nghỉ hưu. Nhiều bạn bè nói ông giấu không cho ai biết. Thời gian đó, tôi có tìm tới nhà riêng của ông, nơi trước kia tôi từng tới chơi khi ông sống cùng vợ và người con trai thì được biết, những ngày tháng bệnh tật ông không ở đó mà chuyển về gia đình cha mẹ, sống cùng gia đình người anh trai. Càng bất ngờ hơn khi ngày mùng 5 Tết Tân Sửu vừa rôi, ông đã rời bỏ gia đình bè bạn, phiêu du về cõi vĩnh hằng ở tuổi 63. Dù đã mường tượng trước nhưng nhiều bạn bè là nhà văn, nhà thơ đều không khỏi tiếc thương một con người tài hoa, lặng lẽ với những câu thơ nhẹ nhàng nhưng lay động nhiều độc giả văn chương. Trong đó có bài thơ “Bụi phấn” từng làm lay động nhiều người, được bà Nguyễn Thị Bình khi đó đang là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi thư khen ngợi.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhà thơ Đoàn Vị Thượng viết không nhiều nhưng có một số tác phẩm đáng chú ý như “Ngôi trường, hoa phượng và tôi” (thơ, in năm 1987); “Thơ Đoàn Vị Thượng” (thơ, 1988) và 3 tập truyện dài, in rải rác từ năm 1989 tới năm 1991. Đặc biệt cuối năm 2020, trong khi ông đang chống chọi với bệnh nan y thì người thân, bạn bè văn chương đã gom những tác phẩm in báo của ông để xuất bản tạp thơ mang tên “Đoàn Vị Thượng-Thơ”, gồm 63 bài thơ ông viết nhiều năm qua. Đây là cuốn sách đặc biệt khi gom góp gần như đầy đủ những sáng tác đáng chú ý của ông. Rất nhiều bạn bè thân thiết như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Trần Nhã Thụy, nhà thơ Lê Minh Quốc, Phan Hoàng, nhà báo Trần Quốc Toàn... đã giới thiệu, quảng bá cuốn sách này tới độc giả. Ngoài ra, nhiều người còn mua sách ủng hộ nhà thơ Đoàn Vị Thượng chống chọi với bệnh tật. Nhưng những tình cảm ấy không níu kéo được ông ở lại với nhân gian lâu hơn. Theo những bụi phấn rơi rơi trên giảng đường ngày nào, nhà thơ Đoàn Vị Thượng đã trở về với cát bụi cuộc đời. Nhẹ nhàng và thanh thản trong vòng tay bè bạn, trong những câu thơ lãng đãng đâu đó dọc đường đời của ông.
Với nhiều độc giả, thơ Đoàn Vị Thượng mang một nét khá riêng là nhẹ nhàng, lặng lẽ nhưng cũng ẩn ức những thăng trầm của cuộc đời. Những câu thơ dường như cố ẩn mình đi, xa lánh những bon chen phố thị.
Nhà thơ Đoàn Vị Thượng tên thật là Trần Quang Đoàn, sinh năm 1959 ở Huế nhưng ngay từ nhỏ ông đã theo gia đình vào sống ở Quảng Ngãi. Trong nhiều cuộc vui với bè bạn, ông vẫn luôn tự nhận mình là người “xứ Quảng”. Nhiều buổi chiều tối ngồi vỉa hè đường Văn Cao, con đường chạy mé qua phía nhà ông nhậu với bè bạn, tôi thấy ông vẫn tìm tới những món ăn xứ Quảng. Dường như, cái chất xứ Quảng đã thấm đẫm vào ông, cả đời lẫn thơ. Dù gặp gỡ ông rất nhiều, thậm chí có thời gian là hàng ngày nhưng ít khi tôi thấy ông nói về mình, giới thiệu về mình.
“Như khi lăn ngón tay tròn trên chứng minh thư. Tự hào với xứ sở, đất đai mình là người công dân trung thực. Làm sao nhớ rõ viên phấn nào đã hằn dấu tay tôi lần thứ nhất. Trước các em, cho đến sáng thu này? Viên phấn ơi, sao chỉ nhỏ và gầy. Như một ngón tay trong bàn tay tôi đấy. Nào ai nỡ đánh rơi giữa chừng hay tính toan bẻ gãy. Sợ năm ngón tay kia thôi sẽ hết hồng”. Đây là những câu trong bài thơ “Bụi phấn” mà khi vừa xuất hiện, đã nhận được sự đồng cảm sâu sắc của nhiều thế hệ gắn bó với mái trường. Bài thơ ra đời khi đất nước vẫn còn khó khăn và bản thân tác giả cũng đang là người đứng trên bục giảng.
Trước khi chuyển qua làm báo, nhà thơ Đoàn Vị Thượng đã nhiều năm làm giáo viên dạy học ở quận 11, TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, Đoàn Vị Thượng không chỉ có bài thơ “Bụi phấn”. Ông vẫn lặng lẽ viết những vần điệu tha thiết giữa nhọc nhằn áo cơm, mưu sinh. Chẳng hạn như những câu thơ: “Xin lỗi em, vì một lý do nào. Em sẽ chẳng dừng chân nơi tôi đang đứng đợi. Thì lúc ấy - Vẫn xôn xao lá mới. Hàng cây kia đang hồi hộp ngóng chờ. Cây thẳng thắn chưa tin điều phản bội. Tôi có gì em mang tội với em đây”. Những vần thơ này ông viết từ khi còn rất trẻ, từng được nhiều độc giả chép vào sổ tay như một thói quen của những người ở thế hệ trước, khi mà những vần thơ tình rung động vẫn là thói quen giải trí của nhiều người.
Ngoài làm thơ, công việc chính của ông là biên tập và viết báo. Ông công tác tại cơ quan phía Nam của báo Giáo dục và Thời đại cho tới khi nghỉ hưu. Thời gian này, hàng tuần ông đều nhắn tin nhờ tôi viết bài, là những phóng sự ghi chép về cuộc sống cho các ấn phẩm cuối tuần. Đó cũng là dịp để tôi tiếp xúc, gặp gỡ và trao đổi nhiều với ông.
Không ai biết hết những nhọc nhằn trong đời thường của nhà thơ Đoàn Vị Thượng. Ngay cả bản thân tôi, dù từng tới nhà ông nhiều lần nhưng ông chỉ kể chuyện vui, những bài thơ vừa in báo. Không phải vì ông giấu giếm bạn bè mà dường như, ông sợ những nhọc nhằn của mình sẽ làm phiền tới người khác.
Người con trai ông tôi ít gặp nhưng vẫn thường nghe ông kể với nhiều sự tự hào. Nhớ có bận ngồi uống cà phê ông khoe con trai mới đi làm, mới lãnh tháng lương đầu tiên. Rồi có đợt ông mua chiếc xe gắn máy Wave mới, thay chiếc xe rất cũ ông vẫn thường đi thì ông nhắn tôi hẹn cuối ghé vỉa hè đường Văn Cao uống vài chai bia. Nhưng cuộc sống mưu sinh cuốn tôi nhanh đến nỗi khi nhớ ra cuộc hẹn thì nó đã trôi qua quá lâu rồi.
Tôi không hiểu những chuyện gia đình ông nhưng có lẽ thật khó khăn vào những ngày tháng cuối đời mắc bệnh hiểm nghèo. Nhưng cũng thật may mắn khi bè bạn, những nhà thơ nhà văn dường như đã luôn ở bên ông mỗi ngày trong thời khắc cuối đời khó khăn. Có lẽ, với một người làm thơ như ông, điều đó cũng mang đến phần nào sự an ủi bởi rồi ai cũng trở về với cát bụi. Chỉ những câu thơ đâu đó còn vương vấn với cuộc đời này.