Bao giờ tôi gặp em lần nữa?
Những phiên chợ xuân bao giờ cũng đem lại bao điều thú vị. Nó dẫn dụ những ký ức không bao giờ phai nhòa. Tôi đi như mơ ngủ trên con để sông Nhuệ với những rặng hoa đào thắm đỏ. Phía trước là cầu Cống Thần (làng Thần xã Minh Đức, Ứng Hòa, Hà Nội). Cây cầu như cột mốc của một “Hà Nội chiến khu” xưa; và cũng là đầu con chợ của vùng tự do kháng chiến gắn bao kỷ niệm…
“Chợ trời” bên sông Đáy
Tôi đoan chắc đây là một “Chợ trời” được hình thành sớm nhất ở Hà Nội (từ 1947, sau lệnh “Toàn quốc kháng chiến” 12/1946). Chợ kéo dài hơn 5 cây số, từ chợ Đại (làng Nhật Tựu) tới cầu Cống Thần (làng Thần). Những sạp hàng được kê rải rác chạy dọc trên đê phụ lưu sông Đáy dẫn nước về Cống Thần. Chính vì lẽ đó mà chợ trời này có tên là Chợ Đại-Cồng Thần. Chợ được coi là ranh giới của vùng tự do với vùng tề (do giặc Pháp chiếm đóng). Cách quốc lộ 1 không bao xa nên chợ chỉ họp từ đầu giờ chiều tới nửa đêm về sáng. Họ cốt tránh pháo cối giặc Pháp thường câu đạn vào các buổi sáng. Phía sau chợ là hơn mười xã của Ứng Hòa và Phú Xuyên thuộc vùng tự do (ATK). Đó chính là vùng Khu Cháy luôn bị giặc Pháp càn quét đốt phá trơ trụi. Có lần giặc Pháp đã tràn qua Chợ Đại-Cống Thần tấn công vào xã Đông Lỗ (27/5/1951). Nhưng chúng đã bị quân và dân địa phương đánh cho tơi tả sau nửa tháng đôi bên quần thảo. Sau trận đánh chợ bên sông Đáy lại họp nhộn nhịp như thường. Tàu thuyền chở hàng ra vào đậu kín hai bờ sông.
Chợ Đại là đầu mối giao hàng. Nhất là vào lúc nhập nhoạng tối nhiều tiểu thương từ vùng tề cũng gánh hàng vào chợ bán suốt đêm. Trong đó có cả những gánh hàng phở rong nổi tiếng trong phố. Nào bún chả, bún vịt măng cùng những nồi sáo xương thơm phức một vùng quê. Nói là chợ trời vì có hàng trăm mặt hàng được bày bán trên mặt đê. Không thiếu thứ gì. Nhất là nước hoa Pháp cùng những đồ ví đầm quần áo tây cũ. Rồi những đồ kính bút giầy da mũ sắt… Nghĩa là trăm thứ bà rằn. Cánh lính Pháp cũng lén lút gửi đồ cũ vào bán. Ấy là chưa kể có những tên mật thám thường mò vào thăm dò tin tức vùng kháng chiến. Đã mấy phen đụng độ xảy ra giữa các trinh sát của ta và bọn việt gian. Dần dần chợ mọc lên những cửa hàng khá đẹp. Đó là những quán hàng ăn và cà phê giải khát.
Vùng tự do Khu Cháy được coi là chốn dừng chân của mọi tầng lớp xã hội đi theo kháng chiến. Cho dù nơi đây luôn khét mùi khói đạn. Hiểm họa rập rình. Nhưng không khí phảng phất nét hoa lệ Hà thành nơi đây đã thu hút những danh nhân tài tử hội ngộ bên sông. Đặc biệt những quán giải khát có ban nhạc sống biểu diễn những lúc nhàn rỗi. Mọi sinh hoạt chủ yếu về ban đêm với những ánh đèn dầu và nến chập chờn le lói. Hiếm lắm mới có đèn măng sông thắp lên. Dòng sông trong những đêm trăng thật mơ mộng trong tiếng nhạc du dương từ quán kèn Thủy Tiên. Quán giải khát này còn có cả người chơi đàn phong cầm. Nghe dạt dào lắm. Nhất là khi con nước lên, đôi bờ sông Đáy được ví như dòng Vonga trong tưởng tượng. Thỉnh thoảng có những nhóm nhảy đầm tìm tới vào cuối tuần nên Chợ Đại-Cống Thần náo nức cho đến tinh mơ sáng. Ít lâu sau Chợ Đại-Cống Thần xuất hiện quán ăn Thăng Long. Tuy bán phở và cà phê nhưng đặc biệt quán Thăng Long có một anh tây lai chơi ghi ta gỗ. Anh chàng này ngồi biểu diễn say mê không còn biết trời đất gì nữa. Có tiếng súng nổ từ xa vọng về nhưng tiếng đàn của anh vẫn rộn ràng bên sông.
“Em ở thành Sơn chạy giặc về”
Chỉ trong vài năm Chợ Đại-Cống Thần trở thành một địa chỉ nóng bỏng thông tin giữa vùng tự do và tề. Những làng tự do quanh chợ là nơi hội ngộ và sinh sống của nhiều anh em văn nghệ sĩ hoạt động kháng chiến (Liên khu III). Họ đều về đây mỗi khi có điều kiện. Đi công tác hay nghỉ phép hầu như ai cũng tìm về Chợ Đại-Cống Thần. Có những họa sĩ đã đem những tác phẩm của mình từ trên Việt Bắc về chợ Đại mở triển lãm. Đó là sự kết hợp giữa truyên truyền cách mạng và trưng bày nghệ thuật. “Thủ đô kháng chiến” là một trung tâm hoạt động văn hóa văn nghệ khá đa dạng. Văn nghệ sĩ vừa phải cầm súng chiến đấu chống giặc càn vừa sáng tác. Dần dần lực lượng quân đội triển khai các trận đánh chiếm đồn giặc và mở rộng vùng tự do. Không khí vùng Khu Cháy luôn luôn hừng hực khí thế chống giặc.
Theo lời kể của những người có thời làm việc ở đây cho biết, nhạc sĩ Văn Cao đã từng ở chiến khu này một thời gian. Một lần được nhận lệnh từ cấp trên ở Việt Bắc chỉ đạo nhạc sĩ Văn Cao sáng tác một ca khúc để hát trong ngày chiến thắng trở về thủ đô. Đó là những ngày gấp rút chuẩn bị mở chiến dịch Điên Biên Phủ. Cần phải chuẩn bị ca khúc khải hoàn khi đoàn quân trở về giải phóng thủ đô. Đó chính là bài “Tiến về Hà Nội” (viết năm 1949) mà nhạc sĩ đã sáng tác kịp thời tại vùng chợ Đại. Giai điệu hào hùng rạo rực khí thế chiến thắng đã được vang lên trên sân chùa Viên Đình (xã Đông Lỗ) ngày đó. Bài hát nhanh chóng được truyền bá trong vùng tự do. Từ đó những phiên chợ trên sông Đáy luôn vang lên nhịp hành khúc chiến thắng. Lời ca rạo rực: “Trùng trùng quân đi như sóng… Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về. Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…”
Ngoài những ký ức về chiến đấu chống giặc Pháp sôi nổi, Chợ Đại-Cống Thần cũng chứng kiến bao chuyện tình diễm lệ đã diễn ra nơi đây. Nào chuyện về cô Hiếu người tình của nhạc sĩ Phạm Duy; Hay chuyện mơ mộng của họa sĩ Bùi Xuân Phái thường đến ngồi uống cà phê để ngắm nhìn cô Phạm Thị Thái ở quán Thăng Long… Nhưng có lẽ bóng giai nhân mà thi sĩ Quang Dũng tơ tưởng là thi vị nhất. Nhà thơ đã quen biết cô gái thành Sơn Tây từ trước. Trái tim ông đã rung động trước đôi mắt của người đẹp. Nhan sắc mà thi sĩ miêu tả: “Tóc như mây cuốn, mắt như thuyền” đã ám ảnh ông. Trong một lần đi phép Quang Dũng đã về chợ Đại tìm gặp lại người đẹp Sơn Tây. Người ta nói cô đã theo mẹ tản cư về đây. Gia đình cô đã mở quán bán hàng. Họ đã gặp nhau. Mối tình thêm mơ mộng tràn đầy. Hình ảnh một chiến binh Tây Tiến lãng mạn ngồi trên yên ngựa phóng trên đèo cao đã làm xao xuyến bao cô gái. Thế rồi chiến sự mỗi lúc một dữ dội hơn. Đôi mắt người Sơn Tây đã rời bỏ vùng tự do để vào thành. Một lần thi sĩ trở lại bến sông tìm người thương nhưng bóng chim tăm cá. Nỗi trống vắng và nhớ thương bâng khuâng da diết. Đó chính là nguồn cảm xúc của thi sĩ Quang Dũng viết bài thơ “Đôi mắt người Sơn Tây” (1949) tại đây.
Vẫn còn đó ký ức hẹn hò
Chợ trời vùng tự do hình thành trong suốt những năm kháng chiến. Sau ngày Giải phóng Thủ đô dân tản cư chia tay. Đồng thời các đơn vị cơ quan kháng chiến và quân đội đều về thành. Chợ Đại-Cống Thần cũng vì thế mà tan. Tuy vậy chợ Đại có từ lâu đời trước đó vẫn sầm uất như xưa. Dân quanh vùng huyện Đồng Văn (Hà Nam) và Ứng Hòa (Hà Nội) ngày ngày bán mua vui như trẩy hội. Chợ Đại được mở rộng bên chi lưu sông Đáy và là phần nối dài của con đê sông Nhuệ. Mỗi mùa xuân về. Những đường hoa nở rộ hai bên đê dẫn vào khu chợ luôn luôn tươi thắm. Từ khắp nơi phía bắc hoa đào rừng tràn về ngập cả phố chợ. Hoa cúc hoa hồng từ những cánh đồng làng Trầm Lộng, Minh Đức, Đông Lỗ, Hòa Lâm cũng được gánh về chợ Đại.
Con đường cao tốc bốn làn xe trên cao như những cánh chim khổng lồ bay lên bầu trời xanh. Chợ Đại ghi dấu một thời chiến chinh nóng bỏng những ký ức của vùng cách mạng Khu Cháy. Dòng sông Đáy luôn ngân vang tiếng kèn xung trận ngày nào. Chợ Đại vẫn vào phiên các ngày ba, ngày tám. Nhưng phiên chợ hoa vào mùa xuân lại không kể ngày đêm. Bởi đồng làng Khu Cháy luôn bốn mùa hoa quả xum xuê. Đứng trên đường cao nhìn về Cống Thần lòng tôi nôn nao khác lạ. Cho dù con chợ kháng chiến đã lui vào dĩ vãng nhưng “Đôi mắt người Sơn Tây” vẫn ám ảnh lòng người. Những câu thơ Quang Dũng dịu dàng vang lên trong tôi: “Bao giờ tôi gặp em lần nữa. Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa”…