Cô gái đến từ hôm qua
Ông quyết định nhờ cô y tá chuyển cho bà Tuệ Lan cuốn nhật ký ngày xưa ông viết về bà, về mối tình ngây ngất mà ông chỉ cất giữ cho riêng mình.
Ông Truyền vào trung tâm dưỡng lão này đã được gần 1 năm. Gia cảnh ông khá giả, chỉ có điều con cái đều không ở Việt Nam, vào đây là lựa chọn của ông. Với chi phí hơn chục triệu một tháng, ông có phòng riêng. Trong phòng có cả bàn thờ của bà vợ đã khuất núi đến gần hai chục năm. Tiếng là sống riêng nhưng bác sĩ chăm sóc theo giờ, bạn bè các phòng kéo đến giao lưu cũng nhiều, ông cảm thấy cuộc sống vui hơn là cứ thui thủi ở nhà một mình. Tính ông thích trò chuyện, ưa kể lại những chuyện “ngày xưa” bởi thế cả hai cậu con trai đều ngỏ ý đón bố ra nước ngoài sống nhưng ông từ chối. Ông biết cuộc sống của người già ở nước ngoài nó cô đơn lắm, điều này thì ông không chấp nhận được.
Buổi chiều hôm đó, ông Truyền đang đi dạo trong khuôn viên viện dưỡng lão thì nhìn thấy một gương mặt thân quen. Đó là một bà già bé nhỏ nhưng lưng vẫn còn rất thẳng thành ra dáng đi có vẻ trẻ hơn những người già khác. Ông nhìn một hồi thì nhớ ra đó là Tuệ Lan, thần tượng một thời của ông ở trường đại học. Khi đó ông là bộ đội đi học còn bà là cô giáo trẻ mới ra trường. Ông đã ôm ấp một mối tình si dại nhưng câm nín bởi biết cô giáo đã có người yêu, lại còn là con gái Hà Nội gốc. Ông nghĩ không đời nào cô chấp nhận tình cảm của mình kể cả không vướng bận. Nhưng cũng chính vì mối tình đơn phương đó mà ông học rất giỏi, như một sự kiêu hãnh ngầm với nàng. Sở dĩ ông vẫn nhận ra người trong mộng là vì cô rất hay lên ti vi trong các chương trình giáo dục qua màn ảnh nhỏ. Ông chứng kiến cô già đi, vẻ nhung tuyết thời tuổi trẻ không còn nhưng nét đài các, tinh tế của cô gái Hà Nội thì không bao giờ mất đi. Gặp cô trong môi trường khá đặc biệt này ông mừng rỡ. Đã gần chục năm ông không còn thấy cô trên ti vi nữa, đôi khi thấy thoáng trong lòng một nỗi bâng khuâng buồn vô cớ.
Ông Truyền tiến lại gần, khẽ gọi: Tuệ Lan. “Cô gái” hơi giật mình nhìn ông, nhưng không đáp lại. Ông gọi lần hai to hơn, cô vẫn không có vẻ gì là nhận ra ông. Lúc này ông mới nhận ra sự vô lý của mình. Bao nhiêu năm ông theo đuổi hình bóng ấy nên mới lập tức nhận ra chứ với cô, ông chắc hẳn là một ký ức xa thẳm, làm sao cô có thể nhận ra.
Đến chiều hôm sau ông Truyền đã có được đầy đủ thông tin về Tuệ Lan. Phải, ông đã nhận ra cố nhân chính xác. Bà Tuệ Lan có chồng nhưng không có con. Khi chồng mất, bà đã xin vào ở trại dưỡng lão này. Đã gần 70 tuổi nhưng bà còn khỏe, chỉ có căn bệnh huyết áp là phải lưu tâm. Bà thích làm thơ, giọng vẫn còn hát được tuy hơi yếu… nên nhanh chóng trở thành “ngôi sao” ở nơi này, dù mới gia nhập thời gian ngắn.
Không hiểu sao sau khi gặp lại bà Tuệ Lan ông Truyền lại thấy trong lòng rạo rực cứ như thời trai trẻ. Ông nhớ lại hết những cảm giác si mê mình từng có với người phụ nữ này. Ông nhớ đến những buổi trưa hè nóng oi ả nhưng vì biết cô giáo sẽ đi qua con đường đó nên ông vẫn cố gắng ngồi ở quán nước ven đường, chỉ là để được nhìn cô thong thả đạp xe đi qua. Ông nhớ cả một bông hoa cô cài lên mái tóc trong đêm hội diễn văn nghệ, xong bị rơi và ông nhặt về, để trân trọng trong một góc tủ, đến vợ ông cũng không được biết xuất xứ bông hoa đó. Từ khi biết đến sự có mặt của “cô gái năm nào”, ông Truyền cảm thấy vui hẳn lên, chăm tập luyện hơn trước, sức khỏe của ông cải thiện rõ rệt.
Ông quyết định nhờ cô y tá chuyển cho bà Tuệ Lan cuốn nhật ký ngày xưa ông viết về bà, về mối tình ngây ngất mà ông chỉ cất giữ cho riêng mình. 3 ngày sau, đang nghỉ ngơi sau bữa cơm chiều thì phòng ông có tiếng gõ cửa. Ra mở, ông Truyền suýt reo lên bởi vì đằng sau cánh cửa mở rộng là… cô ấy.
Hóa ra là bà Tuệ Lan không hề vô cảm với tình cảm của ông năm xưa. Bà nói hồi đó nhiều người theo đuổi quá nên bà phải dựng “hiện trường giả” là đã có người yêu. Bà cũng có ý đợi ông Truyền tỏ tình nhưng vô vọng, mà con gái thời đó mấy ai chủ động nói về tình cảm của mình. Bà cũng có làm mấy bài thơ tặng ông, dĩ nhiên là không bao giờ gửi.
Kể từ đó, bà Tuệ Lan chăm đến căn phòng riêng của ông Truyền. Hai người giờ đây có tình tri kỉ, có thể sẻ chia cả ngày không hết những chuyện tâm tình. Tuy tuổi đã cao nhưng mái tóc bà còn đen, có rất ít sợi bạc. Khi rảnh rỗi, ông lại tình nguyện nhổ tóc bạc cho bà. Vừa nhổ ông vừa thủ thỉ : Ai mà nhìn thấy “bọn mình” nhổ tóc bạc cho nhau thế này chắc là họ thương lắm nhỉ. Bà cười, nụ cười thật hiền hậu. Cũng nhờ nụ cười đó mà ông Truyền dễ dàng nhận ra “cô gái đến từ hôm qua”.