Nhiều di tích ở Hội An bị mối mọt xâm hại nghiêm trọng
Thời gian qua, nhiều di tích ở phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam, nơi được UNESCO công nhận là di tích văn hóa thế giới (năm 1999) liên tục bị mối mọt xâm hại nghiêm trọng. Tình trạng này đã và đang đe dọa đến kiến trúc của các công trình.
Ông Lê Huyễn (85 tuổi), người quản lý Thủ từ Chùa Ông ở đường Trần Phú, TP Hội An kể, trải qua thời gian chịu nhiều thiên tai mưa bão và chiến tranh, nhiều thanh gỗ trên nóc Chùa Ông đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đến năm 1995, người dân góp tiền trùng tu lại ngôi chùa này và ngôi chùa vẫn còn giữ nguyên trạng cho đến ngày nay, nhưng do Chùa Ông được làm bằng gỗ nên nhiều hạng mục công trình đang bị mối mọt ăn dẫn đến dần xuống cấp.
Cũng theo ông Huyễn, mối mọt chủ yếu nằm dưới lòng đất xâm nhập vào bên trong các cột gỗ, cánh cửa rồi đục khoét ăn sâu bên trong nên rất khó phát hiện. Đến khi phát hiện ra thì mối đã tấn công gây hậu quả nghiêm trọng rồi.
Anh Trần Nam Hưng - chuyên viên Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa (BTDSVH) Hội An cho hay, qua khảo sát đầu năm 2021, có đến hơn 260 di tích ở phố cổ Hội An bị mối mọt xâm hại ở mức độ rất nặng. Mối ăn sâu vào công trình tạo thành các đường mũi đất trên các cấu kiện, tường gây mất mỹ quan di tích. Đa phần các di tích ở phố cổ Hội An đều là của tư nhân, trong khi đó người dân không có thiết bị cũng như cách xử lý mối triệt để. Tình trạng này kéo dài đe dọa nghiêm trọng đến các công trình cổ của thành phố.
“Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, tình trạng mối xâm hại đến các di tích ở phố cổ Hội An sẽ gây ra nguy cơ sập đổ một phần của công trình. Nguyên nhân xuất hiện nhiều mối là vì thời gian qua trên địa bàn mưa nhiều dẫn đến môi trường bị ẩm mốc, tạo thuận lợi cho mối sinh trưởng dưới lòng đất”- anh Hưng chia sẻ.
Trước tình trạng này, ông Phạm Phú Ngọc- Giám đốc Trung tâm BTDSVH Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua, Trung tâm đã nhận được nhiều đơn của các chủ nhà di tích ở Hội An báo cáo về hiện tượng mối mọt và yêu cầu hỗ trợ để giải quyết vấn đề. “Nếu để tình trạng mối mọt tấn công các công trình lâu dài hay xử lý mối mọt không đúng cách có thể gây ảnh hưởng đến di tích. Nhưng mỗi lần chống mối thì kinh phí bỏ ra phải mất vài chục triệu đồng. Dù thế nào đi nữa cũng phải triệt tiêu mối mọt để bảo vệ những di sản vô giá này”- ông Ngọc nói.
Được biết, trong năm 2021, chính quyền TP Hội An đã chi kinh phí khoảng 5 tỷ đồng để xử lý côn trùng gây hại gỗ ở các di tích khu vực phố cổ Hội An, chủ yếu tập trung các di tích bị mối mọt xâm hại nghiêm trọng. Nhưng bấy nhiêu cũng chẳng thấm vào đâu khi có đến hàng trăm công trình bị mối mọt tấn công.
Về biện pháp xử lý, ông Ngọc nói: “Để xử lý mối mọt chúng tôi chủ yếu sử dụng thuốc diệt mối sinh học kết hợp với đặt hộp nhử mối rồi phun thuốc tiêu diệt. Qua đó có thể tiêu diệt triệt để mối mọt và hạn chế ô nhiễm môi trường. Mục tiêu đặt ra là phải xử lý triệt để toàn bộ các tổ mối đang gây hại gỗ của các di tích, góp phần bảo vệ, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa Hội An”.
Việc chống mối mọt và bảo tồn phát huy giá trị của phố cổ Hội An là hết sức quan trọng, bởi nói như ông Tống Quốc Hưng- Trưởng phòng văn hóa và thông tin TP Hội An: “Các công trình nhà cổ ở TP Hội An là vô cùng giá trị, bởi vì nó gắn liền với bản sắc văn hóa, giá trị lịch sử lâu đời ở địa phương. Qua đó tạo thành nếp sống, lối sống của con người phố cổ Hội An. Ngoài ra, đây là nơi lưu giữ những kiến trúc xây dựng từ thời thế kỷ XVI, XVII, không dễ gì nơi khác có được. Phố cổ đã thật sự khẳng định được giá trị của mình trong nước và thế giới. Đồng thời đây cũng là điểm đến tham quan du lịch nổi tiếng được đông đảo người dân trong cả nước và khách du lịch quốc tế quan tâm..”.
Thật khó có thể nói hết giá trị của phố cổ Hội An, bởi nơi đây nhiều di tích có niên đại đến hàng trăm năm. Những giá trị về nhà cổ từ kết cấu kiểu nhà khung gỗ kết nối với nhau đến từng hoa văn được chạm trổ chi tiết và các công năng như nơi ở, nơi thờ phụng, đến sân trong, hiên, nhà sau ba gian, vườn sau…vô cùng độc đáo. Đặc biệt hơn là ở cách gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh nét đẹp cổ xưa của những con người sống thời hiện đại.
Với những giá trị vô giá, ngày 4/12/1999, tổ chức UNESCO đã ra quyết định công nhận phố cổ Hội An là Di tích Văn hóa thế giới. Điều đáng mừng, qua năm tháng biến thiên của lịch sử những ngôi nhà cổ được bảo tồn khá nguyên trạng về kiểu dáng kiến trúc và các bài trí nội thất.
Có điều hiện tại mối mọt đang tấn công nhiều công trình kiến trúc thành phố cổ này, do đó việc triệt tiêu mối mọt là vấn đề cấp bách mà các cơ quan liên quan cần phải thật sự khẩn trương.