Rau màu rớt giá, nông dân Quảng Nam khó khăn
Những ngày này chúng tôi tìm về các cánh đồng trồng rau chuyên canh ở các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Những vựa rau như cải, khổ qua (mướp đắng), dưa leo, đậu cô-ve, ớt, mướp… năm nay rất được mùa. Thế nhưng người trồng rau lại mang tâm trạng não nề, buồn bã.
Một người dân thôn Vân Quật (xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên) cho hay, từ sau Tết Nguyên đán thời tiết rất thuận lợi nên rau màu sinh trưởng phát triển tốt dẫn đến cho năng suất cao, tuy nhiên giá bán lại xuống rất thấp, khiến người dân trồng rau màu buồn rầu không muốn thu hoạch bỏ hư hỏng ngoài cánh đồng.
Còn tại làng rau Bàu Tròn (xã Đại An, huyện Đại Lộc), đậu cô-ve, khổ qua, ớt, dưa leo… đến kỳ thu hoạch nhưng nhiều hộ nông dân bỏ ngoài đồng. Bà Bùi Thị Hai (57 tuổi, trú thôn Phú Mỹ, xã Đại An) cho biết: “Gia đình tôi năm nay trồng được 7 sào rau gồm: khổ qua, đậu cô-ve, mướp… với tổng chi gần 50 triệu đồng. Từ sau Tết Nguyên đán giá rau liên tục rớt, tôi chỉ mong sao tiền bán rau đủ tiền chi phí làm giàn với tiền mua phân bón. Thế nhưng tình hình này xem ra quá khó khăn”.
Được biết, trước Tết Nguyên đán, giá khổ qua 15.000 đồng/kg/, rau xà lách 20.000 đồng/kg, dưa leo 15.000 đồng/kg và mướp hơn 15.000 đồng/kg… Thế nhưng tới nay giá khổ qua chỉ còn 2.000 đồng/kg, mướp 3.000 đồng/kg, ớt 5.000 đồng/kg, dưa leo 2.000 đồng/kg, rau xà lách 5.000 đồng/kg, đậu cô-ve 2.000 đồng/kg.
“Một số rau màu như khổ qua, mướp hoặc dưa leo không bán được, tôi đành bỏ ngoài đồng hoặc phá giàn chuyển đổi trồng cây khác. Dịch dã đã khổ, rau trồng không bán được thì càng khổ” - bà Hai nói.
Còn bà Võ Thị Hà (50 tuổi, trú thôn Phú Phước, xã Đại An), cho biết, vụ mùa này gia đình bà đã đầu tư trồng 6 sào rau màu với chi phí hàng chục triệu đồng, thế nhưng đến nay chưa thu hồi lại được nữa số vốn đã bỏ ra, đó chưa kể tiền công chăm sóc.
“Tôi vừa mới phá bỏ 3 sào giàn khổ qua, mướp để chuyển đổi qua trồng bắp. Lý do tôi phá rau màu vì giá bán quá thấp, tôi hái một bao khổ qua, nặng 60kg mà thương lái đưa cho tôi có 100.000 đồng, với giá bán rau không đủ tiền vốn tôi đã bỏ ra chi phí làm giàn, bón phân, mua hạt giống và nhiều thứ khác. Buồn lắm”, bà Hà nói.
Chia sẻ khó khăn rau màu ở địa phương, ông Đỗ Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Đại An cho biết: Toàn xã Đại An có hơn 200 ha diện tích trồng hoa màu, trong đó tại làng rau Bàu Tròn có khoảng 200 hộ dân chuyên trồng rau màu, trên diện tích khoảng 47 ha. Cho dù rau được mùa, thế nhưng từ sau Tết Nguyên đán do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên sức mua giảm xuống dẫn đến rau màu rớt giá quá thấp. Dự kiến thời gian tới, chính quyền xã giao cho Hợp tác nông nghiệp Đại An tìm phương án hoặc liên kết với các siêu thị để tìm đầu ra cho thị trường nông sản của người dân ổn định.
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cho biết: Ngành nông nghiệp đã hướng dẫn cho bà con ở các hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp để tìm thị trường tiêu thụ nông sản ổn định, đồng thời cũng đã đề nghị các địa phương xây dựng mô hình liên kết, trong đó liên kết giữa nông dân với hợp tác xã, giữa hợp tác với doanh nghiệp để tạo một khâu đầu vào cho tới đầu ra thì mới ổn định.