Ứng xử trên mạng xã hội: SOS!
Các trang mạng xã hội là “không gian mở” cho tất cả mọi người, kể cả những đứa trẻ chưa biết đọc, biết viết. Nhưng việc thiếu kiểm soát nội dung cũng như sự “lộng hành” của không ít cá nhân đã gây nên những ảnh hưởng rất xấu trong văn hoá ứng xử, đặc biệt với người trẻ.
Theo số liệu thống kê, ở Việt Nam hiện nay 2 trang mạng xã hội được người dân sử dụng nhiều nhất là Facebook và Youtube với hàng chục triệu tài khoản. Thông qua các sản phẩm công nghệ (điện thoại, tivi, máy tính…) người dùng có thể tham gia các trang mạng xã hội ở mọi lúc, mọi nơi.
Thậm chí thông qua công cụ tìm kiếm bằng lời nói ngay cả những đứa trẻ chưa biết đọc, biết viết cũng có thể dễ dàng tiếp cận. Tuy nhiên, chính không gian mở này đã tạo ra một môi trường đầy những nguy cơ tiềm ẩn. Đơn cử như trang Youtube với những nguồn lợi thu được thông qua lượng view rất nhiều kênh thông tin đã được ra đời và không thiếu những clip có nội dung xấu.
Mới đấy, dư luận xã hội đã vô cùng bất bình với Youtuber Thơ Nguyễn sau khi người này đăng tải một clip về việc xin “vía” học giỏi cho các em học sinh từ búp bê ma (búp bê “bùa ngải” Kumanthong ở Thái Lan). Nhưng đây cũng chỉ là một trong vô số những clip có nội dung độc hại đang được đăng tải trên Youtube.
Trước đó, rất nhiều phụ huynh đã bất bình khi con em họ xem clip gắn mác dành cho thiếu nhi những nội dung dễ gây tổn hại đến trẻ nhỏ. Như kênh Toy Planet với hàng loạt các clip thử thách “quái đản” như ăn bột giặt, ăn xương rồng, uống sữa tắm hay nước rửa bát…
Đặc biệt, trong đoạn video có tên “Làm giả xà bông từ socola troll Xanh lanh chanh hay ghen tị”, hai Youtuber của kênh đã hướng dẫn làm giả xà bông và sữa tắm bằng sữa và chocolate trắng. Sau đó, nhân vật này đã ăn xà bông và sữa tắm (được làm từ sữa và chocolate) trước mặt bạn mình, trong khi nhân vật còn lại ăn xà bông và sữa tắm thật.
Không chỉ là những thử thách, các clip hoạt hình máu me, bạo lực và chết chóc núp bóng dưới những bộ phim hoạt hình gắn với những hình tượng nổi tiếng như Peppa Pig, Elsa hoặc Spider-Man cũng ngày xuất hiện môt nhiều. Cho dù đây đều là những nhân vật hoạt hình được rất nhiều em nhỏ yêu mến và luôn đòi bắt chước theo hành động hoặc trang phục.
Tuy nhiên, lợi dụng điều đó, các đối tượng xấu đã lập ra những kênh Youtube có những video chứa đầy các khung cảnh đâm chém, máu me, hoặc hướng dẫn làm các trò nguy hiểm tới tính mạng. Đáng báo động hơn là các video chứa nội dung lệch lạc ấy đều thu hút số lượt xem không hề nhỏ, lên tới hàng triệu, thậm chí chục triệu lượt xem và chủ yếu là các em nhỏ.
Không chỉ các em thiếu nhi đang đối mặt với những nguy cơ khi xem các clip “đen”, đối tượng thanh thiếu niên cũng có những ảnh hưởng tiêu cực. Hiện nay trên Youtube hiện không ít dạng phim giang hồ, bạo lực lấy đề tài chính là về học sinh, sinh viên.
Các clip này đều là sản phẩm của những người làm, người đóng (tạm gọi diễn viên) không chuyên, kịch bản chưa được trau chuốt kỹ càng nên dễ dàng nhận thấy phim mang tính cảm tính, thiếu sáng tạo nghệ thuật, thông điệp hướng tới cái tốt mờ nhạt...
Ở đó, nội dung clip không chỉ bó gọn ở các vấn đề cũ như xích mích về chuyện học hành, mâu thuẫn tình yêu lứa tuổi học trò mà không ít phim còn khai thác chuyện phe nhóm, những màn đánh đấm, trả thù, thể hiện sự ngông nghênh của tuổi trẻ...
Đặc biệt, một số tác phẩm còn biến học sinh thành những “giang hồ áo trắng” như nhuộm tóc, mặt mũi tỏ ra hung tợn và đặc biệt đi kèm với hành động bạo lực là những câu chửi thề, hỗn hào với giáo viên… cùng những hành động trấn lột tiền, sỉ nhục bạn cùng lớp trước đám đông. Nghiêm trọng hơn nhiều clip còn là những màn trả thù máu me, bạo lực khiến người xem không khỏi giật mình.
Điều đáng nói là một số tác phẩm khai thác đề tài học đường còn khai thác hình ảnh nữ sinh với những màn xô xát, chửi thề, từ ngữ thô tục… Ngoài những tình tiết bạo lực lồng ghép yếu tố giang hồ trong học sinh thì không ít clip còn bóp méo hình ảnh người đứng lớp như hình ảnh cô giáo lại ăn mặc hở hang với những lời thoại thiếu chuẩn mực.
Nhìn nhận về vấn đề này, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn- Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam cho rằng, hiện nay các clip với hàng loạt những hành động phản cảm trên mạng vẫn nhận được sự hưởng ứng của không ít cư dân mạng chính là những cảnh báo về văn hóa ứng xử của người Việt hiện nay. Mạng xã hội bây giờ đã khiến thế giới ảo thành thế giới thực.
Nguy hiểm hơn, thế giới ảo mà thực này quá lộn xộn, ít chế tài, khiến cho người ta có cảm giác ai thích làm gì ở trên mạng cũng được. Đây là thực trạng hết sức đáng báo động để chúng ta cần có những biện pháp bảo vệ những người tham gia mạng xã hội, để những ứng xử thiếu văn minh trên mạng xã hội không hiện thực hóa trong đời thực.
Để hình thành nên ứng xử văn minh trên môi trường mạng, PGS Bùi Hoài Sơn nhìn nhận, chúng ta nên bắt đầu từ người sử dụng. Khi chúng ta trang bị cho người sử dụng một nhận thức đúng, một phông kiến thức căn bản tốt trong việc sử dụng mạng xã hội, chúng ta sẽ không quá lo lắng về tác động tiêu cực của mạng xã hội.
Để làm được điều đó, chúng ta cần có những chính sách phù hợp, công tác truyền thông tích cực. Bên cạnh đó, những giải pháp kỹ thuật cũng là những biện pháp không thể tránh được trong quản lý mạng xã hội. Chúng ta cũng cần kiểm soát những gì là tốt, bổ ích đối với người Việt Nam, những gì cần phải hạn chế.
Có thể nói, việc tiếp xúc với mạng xã hội đang là nhu cầu thiết yếu của mỗi người dân trong thời đại công nghệ phát triển. Nhưng để kiểm soát các nội dung theo đúng “quỹ đạo” là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Ở đó cùng các giải pháp vẫn là sự sát sao, khéo léo của người lớn trong việc kiểm tra việc sử dụng máy tính, điện thoại của con trẻ.
Bên cạnh là tuyên truyền, giáo dục giúp cho trẻ hiểu được mặt trái của mạng xã hội, hướng trẻ đến các môi trường giáo dục lành mạnh, bổ ích, rèn luyện thể chất, thẩm mỹ, năng khiếu thay vì chơi và xem các trò chơi trực tuyến, các chương trình nhảm nhí.