Trẻ em là đối tượng dễ bị xâm hại trên mạng
Trao đổi với báo chí, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM) cho rằng hiện nay trẻ em là đối tượng dễ bị xâm hại. Không những về thể chất mà trẻ còn bị xâm hại bởi tinh thần, suy nghĩ trong môi trường mạng xã hội.
Đó là một dạng xâm hại khó nhận biết nhất với trẻ em và giới trẻ. Thực tế cho thấy đối tượng trẻ vị thành niên thường bắt chước, thực hành những điều trên mạng mách bảo hoặc các trào lưu biến tướng khác. Đầu tiên để bảo vệ trẻ em không ai khác chính là cha mẹ. Bởi cha mẹ là người chăm sóc, tiếp xúc với con cái nhiều nhất. Do đó, việc quản lý con phải chặt chẽ hơn nữa. Cha mẹ phải quan tâm, sát sao con cái khi sử dụng mạng xã hội.
Theo luật sư Nữ, về vấn đề bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội hiện nay còn khá lỏng lẻo. Pháp luật chưa thật sự sâu sát về vấn đề trên. Tuy vậy, khi phát hiện vụ việc các nhà quản lý phải thực thi, buộc bên cung cấp nền tảng phải tháo bỏ nội dung và chế tài những người vi phạm. Yêu cầu người đăng tải nội dung phải xin lỗi công khai trên không gian mạng. Luật sư Nữ cũng cho biết, việc tuyên truyền mê tín dị đoan cũng cần được pháp luật quy định.
Liên quan đến vấn đề này, nghiên cứu sinh, thạc sĩ Tâm lý học Mai Mỹ Hạnh, Phó Trưởng Bộ môn Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP HCM chia sẻ: Trẻ em chưa đạt được sự thống nhất về cách ứng xử và dễ bị ảnh hưởng, chịu tác động bởi yếu tố môi trường sống. Khi xem những chương trình có nội dung thiếu lành mạnh, các em có thể làm theo mà không ý thức rõ điều mình thực hiện là đúng hay sai.
Làm theo các hành vi thiếu lành mạnh lặp đi lặp lại sẽ hình thành nên thói quen xấu, dần trở thành bản chất, thuộc tính nhân cách. Lúc này, việc uốn nắn và điều chỉnh lại hành vi trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, những hình ảnh thiếu lành mạnh có thể đem lại trạng thái bất an, căng thẳng về tâm lý cho trẻ thơ, có thể dẫn đến sự thiếu tự tin trong ứng xử, thậm chí là các triệu chứng về rối loạn lo âu, tự hủy hoại bản thân, trầm cảm...
“Nhà trường cần phối hợp với phụ huynh nâng cao nhận thức cho học sinh về tác hại của những kênh giải trí thiếu lành mạnh, những chương trình không phù hợp với lứa tuổi và định hướng học sinh vào những hoạt động trải nghiệm có giá trị giáo dục trong thực tiễn. Về mặt xã hội, cơ quan ban ngành liên quan cần có biện pháp kiểm soát và xử lý nghiêm minh những thông tin, hình ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục, tránh lan truyền ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em” - thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh nhấn mạnh.
Theo thạc sĩ Hạnh, việc lên án những hành vi như trên là cần thiết về mặt phản biện xã hội nhưng quan trọng vẫn là các chiến lược kiểm soát lâu dài các hiện tượng Youtuber vì muốn thu lợi nhuận bằng sự nổi tiếng đã bất chấp chỉ cốt xây dựng nội dung gây chú ý, đi ngược lại với các yêu cầu về tính hợp pháp, tính nhân văn.