Hồ sơ sức khỏe điện tử: Không thể chậm trễ hơn
Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình. Từ đó, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe…Vậy làm hồ sơ sức khỏe điện tử có gây phiền hà gì cho người dân không? Tốc độ triển khai tại các bệnh viện ra sao? PV Đại Đoàn kết đã có cuộc trao đổi nhanh với PGS. TS Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế.
PV:Hiện người dân rất băn khoăn về 2 khái niệm hồ sơ sức khỏe điện tử và hồ sơ bệnh án điện tử, ông có thể nói rõ hơn?
PGS.TS Trần Quý Tường: Hồ sơ bệnh án điện tử là hồ sơ bệnh án được lập, cập nhật, hiển thị, ký số, lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Theo quy định, hồ sơ bệnh án điện tử bao gồm hồ sơ bệnh án nội trú, hồ sơ bệnh án ngoại trú và các loại hồ sơ bệnh án khác theo quy định của Bộ Y tế. Còn hồ sơ sức khỏe điện tử của từng người dân là phiên bản số của hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân được quy định tại Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Hiện nay, hồ sơ sức khỏe điện tử được lập dựa trên cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế của người dân. Theo đó, mỗi người dân Việt Nam có một hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân điện tử, hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử này sẽ được cập nhật dữ liệu khi người dân đến khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh chữa bệnh.
Việc xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử có ý nghĩa như thế nào đối với người dân, cũng như ngành Y tế, thưa ông?
-Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình. Từ đó, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe. Khi đi khám bệnh, thông qua hồ sơ sức khỏe, người bệnh cung cấp cho bác sĩ tiền sử bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị hiệu quả.
Đối với người thầy thuốc, hồ sơ sức khỏe điện tử cung cấp đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó kết hợp với thăm khám hiện tại, các bác sĩ có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác hơn, phát hiện bệnh sớm hơn, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm, mang lại hiệu quả điều trị cao hơn.
Đối với công tác quản lý, thì đây là cơ sở dữ liệu về sức khỏe rất lớn giúp ngành Y tế có các chỉ đạo kịp thời về phòng chống dịch bệnh nói riêng và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn.
Vậy thưa ông, việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử có gây phiền hà gì cho người dân không?
-Triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) sử dụng nguồn dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để tạo lập mã số định danh (ID) và hồ sơ sức khỏe điện tử cho từng cá nhân. Điều này, không gây phiền hà cho người dân và thông tin dữ liệu này được bảo mật tuyệt đối.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, mọi người có thể tự mình tìm kiếm và xem hồ sơ sức khỏe của mình trên mạng và tự tạo mã khóa để bảo mật hồ sơ của riêng mình. Người dân không phải đi khám để lập hồ sơ sức khỏe và không mất chi phí về hồ sơ sức khỏe điện tử.
Nhưng thưa ông, sau hơn 2 năm Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định hồ sơ bệnh án điện tử, tốc độ thực hiện tại các bệnh viện khá chậm. Ông có đề xuất giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ này?
-Theo tôi, cần nâng cao nhận thức của lãnh đạo bệnh viện về xu thế chuyển đổi số trên toàn thế giới, tầm quan trọng và những lợi ích thiết thực khi triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Rà soát thực trạng ứng dụng CNTT tại bệnh viện, lập kế hoạch đầu tư, nâng cấp hệ thống CNTT bệnh viện đáp ứng các tiêu chí quy định tại các Thông tư của bộ Y tế.
Đồng thời xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin y tế và kết cấu chi phí CNTT vào giá dịch vụ y tế. Tổ chức các hội nghị, hội thảo và các lớp tập huấn về ứng dụng CNTT y tế và hồ sơ bệnh án điện tử
Song song đó, thường xuyên có văn bản đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá mức ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh định kỳ hoặc đột xuất hàng năm.
Nhiều người dân khi được hỏi cho rằng, việc bỏ sổ khám chữa bệnh giấy và thay bằng sổ điện tử là cần thiết. Cá nhân ông nhìn nhận sao về việc này?
-Tôi hoàn toàn đồng tình. Sổ khám bệnh điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân hơn như truy cập được mọi lúc, mọi nơi. Việc bảo quản, lưu trữ sổ khám bệnh điện tử dễ dàng hơn. Việc cập nhật, chia sẻ thông tin khám bệnh, chữa bệnh của người dân được thuận tiện, nhanh chóng và chính xác.
Trân trọng cảm ơn ông!