Bộ Y tế yêu cầu điều tra 12 ca phản ứng nặng sau tiêm vaccine Covid-19
Các trường hợp có phản ứng sau tiêm như nổi mày đay, ngứa, phù mạch tại chỗ tiêm, khó thở (có tiền sử hen phế quản), hiện sức khỏe đã ổn định.
Cục Y tế Dự phòng vừa yêu cầu Sở Y tế TP HCM, Gia Lai và Hải Phòng yêu cầu điều tra nguyên nhân các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vaccine Covid-19. Các trường hợp này hiện sức khỏe ổn định.
Theo đó, trong ngày 11/3, Bộ Y tế cho biết nhận được thông tin về một số trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vaccine phòng Covid-19 tại TP HCM, Hải Phòng và Gia Lai.
Theo quy định, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế 3 địa phương trên chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương xác minh thông tin, tổ chức họp Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến sau tiêm chủng để đánh giá, kết luận nguyên nhân các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm và triển khai các hoạt động theo quy định.
Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết trong số gần 1.600 người được tiêm (trong 4 ngày) có 410 người phản ứng thông thường (chiếm 26%); 11 trường hợp có phản ứng sau tiêm ở mức độ 2-3 như nổi mày đay, ngứa, phù mạch tại chỗ tiêm, khó thở (có tiền sử hen phế quản) (chiếm 0,7%). Cụ thể, tại điểm tiêm của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM (6 người), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Phòng (4 người), Bệnh viện dã chiến Gia Lai (1 người)… Tất cả các trường này đều được xử trí kịp thời, có sức khỏe ổn định trong vòng 1 ngày.
Trong ngày 12/3, trong số 3.663 người được tiêm Dự án Tiêm chủng mở rộng ghi nhận một trường hợp phản ứng chẩn đoán phản vệ độ 2 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2. Trường hợp này xuất hiện triệu chứng 30 phút sau tiêm vaccine, đã được phát hiện và xử trí kịp thời theo đúng quy định, hiện tại đã ổn định.
Như vậy, tính từ ngày 8/3 đến nay, Việt Nam đã tiêm vaccine Covid-19 cho 5.248 người tại 12 tỉnh, thành phố. Những người được tiêm thuộc diện ưu tiên, bao gồm cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên tổ Covid-19 cộng đồng.
Trong đó, Hải Dương đã tiêm 2.862 người, Hà Nội 163 người, Hưng Yên 138 người, Bắc Ninh, 312 người, Bắc Giang 319 người, Hải Phòng 147 người, TP HCM 704 người; Gia Lai 200 người; Long An 159 người; Đà Nẵng 117 người; Hòa Bình 32 người; Khánh Hòa 95 người.
Các tỉnh còn lại trong kế hoạch tiêm đợt một đang tổ chức tập huấn, chuẩn bị triển khai.
Giống tất cả các vaccine khác, vaccine Covid-19 cũng như là một loại thuốc khi đưa vào cơ thể có thể xảy ra phản ứng nghiêm trọng như phản ứng sốc. Ngoài phản ứng sốc tại chỗ trong vòng 30 phút sau tiêm thì người tiêm có thể có phản ứng chậm hay phản ứng quá mẫn muộn có thể xảy ra trong 1-2 ngày đầu sau tiêm.
Vaccine Covid-19 đang được tiêm cho nhóm ưu tiên tại Việt Nam do hãng dược AstraZeneca phối hợp Đại học Oxford, Anh, nghiên cứu phát triển, sản xuất. Lô đầu tiên gồm 117.600 liều về Việt Nam hôm 24/2. Dự kiến trong tháng 3, 4 khoảng hơn 5 triệu liều nữa được Việt Nam tiếp nhận thành nhiều đợt, từ nguồn viện trợ của Covax, UNICEF và hợp đồng mua thông qua Công ty Cổ phần vacxin Việt Nam (VNVC).
Vaccine của AstraZeneca đang được sử dụng ở hơn 50 quốc gia. Những ngày qua một số nước ngưng triển khai vaccine AstraZeneca do các ca phản ứng nghiêm trọng sau tiêm như đông máu, "vì lý do thận trọng" trong khi điều tra mối liên quan giữa vaccine và nguyên nhân phản ứng. Việt Nam chưa ghi nhận các trường hợp đông máu sau tiêm, nên vẫn tiếp tục triển khai.