Phim Việt 2021: Kẻ cười, người khóc
Đại dịch Covid-19 tiếp tục là lực cản đặt những nhà sản xuất phim Việt vào thế khó. Đặc biệt, trong năm 2021, khi mà nhiều dự án phim đã được khởi động từ giữa năm trước và có lịch ra rạp trong năm nay. Tuy vậy, khi sóng gió Covid-19 vừa tạm lắng, thì thị trường phim chiếu rạp bắt đầu trở lại và cho thấy những tín hiệu trái chiều.
1. Những ngày này, nhiều người rủ nhau đến rạp xem bộ phim “Bố già” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và Trấn Thành. Phải nói ngay, ê kíp làm phim đã chọn một cái tựa phim không mấy hấp dẫn, nếu không muốn nói là khiến người ta liên tưởng tới tựa đề cuốn sách rất nổi tiếng của nhà văn Mario Puzo được dịch sang tiếng Việt. Tất nhiên, nhà sản xuất, các biên kịch và đạo diễn có lý do của họ. Bởi năm 2020 họ thành công với loạt phim chiếu mạng cũng mang tựa đề “Bố già”, với hàng triệu lượt xem mỗi tập, khiến họ quyết định thực hiện bản điện ảnh cùng tên.
Song, dù lý do gì, thì cái tựa đề tên phim “Bố già”, cũng như trước đó, có nhà sản xuất dự kiến làm một bộ phim mang tựa đề “Bóng đè”, khiến nhiều ý kiến cho rằng “ăn theo”, “thiếu sáng tạo”. Gạt qua điều này, hiện “Bố già” đang làm mưa làm gió tại các rạp phim trên toàn quốc. Mặc dù lịch chiếu chính thức là ngày 12/3, nhưng nhà sản xuất đã tiến hành các xuất chiếu sớm (sneakshow). Và trong ngày chiếu đầu tiên (từ 18h ngày 5/3), bộ phim thu về 10,6 tỷ đồng chỉ sau 6 tiếng, gặt ngay danh hiệu đầu tiên “Phim Việt có doanh thu sneakshow cao nhất mọi thời đại”. Thừa thắng xông lên, trong ngày chiếu sớm thứ hai 6/3, bộ phim thu về 22 tỷ chỉ trong một ngày, rồi tiếp tục tự phá kỷ lục của chính mình ở ngày sneakshow tiếp theo với thành tích 30 tỷ, trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất trong một ngày. Tính đến hết ngày 7/3, tức là sau 54 tiếng chiếu sớm, “Bố già” thu về hơn 62 tỷ đồng. Đến ngày 9/3, theo thông tin từ nhà sản xuất, “Bố già” đã chính thức cán mốc doanh thu 100 tỷ đồng, trở thành phim Việt đạt doanh thu 100 tỷ nhanh nhất mọi thời đại.
Cũng xin nhắc lại, “Bố già” là phim dự định ra mắt vào dịp Tết vừa qua, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên nhà sản xuất đã phải lùi lịch và quyết định chiếu vào tháng 3 năm nay, khi hầu hết hệ thống rạp trên toàn quốc đã mở cửa trở lại. Phim lấy bối cảnh là con hẻm nghèo, chật chội, ngập nước ở TP HCM. Tuy khai thác vấn đề không mới đó là những xung đột, mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình, nhưng “Bố già” thành công khi hội tụ đủ các yếu tố của điện ảnh thương mại. Và đạo diễn cố gắng dùng nhiều chiêu trò để “lấy nước mắt khán giả”.
Đến thời điểm này, các suất chiếu của “Bố già” tại hệ thống rạp đang tăng nhanh, nhất là các ngày cuối tuần. Riêng tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia (Hà Nội) đã có hơn 30 suất chiếu/ngày. Nhiều người dự đoán, phim sẽ sớm vượt mốc doanh thu phòng vé 300 tỷ đồng.
2. Những thông tin về doanh thu phòng vé của “Bố già” khi vừa ra rạp sau khi đại dịch Covid-19 tạm lắng khiến nhiều người bất ngờ. Điều này cũng là dễ hiểu, bởi trong bối cảnh hiện nay, con số 100 tỷ đồng ở các suất chiếu sớm là con số không hề nhỏ. Trước đó, nhiều chuyên gia am tường thị trường điện ảnh nhận định “Bố già” thu về 100 tỷ đồng trong tháng đầu tiên ra rạp đã là một thành công!
Trong khi đó, nếu nhìn sang các phim khác có cùng “số phận” phải hoãn chiều dịp Tết vừa rồi như “Trạng Tí phiêu lưu ký”, “Lật mặt 48h”, “Gái già lắm chiêu V”… thì xem ra “Bố già” quá hên!
Cùng ra rạp vào 12/3, “Gái già lắm chiêu V - Những cuộc đời vương giả” của đạo diễn Nam Cito và Bảo Nhân. Phim là câu chuyện xoay quanh mâu thuẫn của ba chị em nhà họ Lý với bối cảnh là biệt thự cổ cùng vườn bạch trà tốn kinh phí khá lớn. Phim có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như NSND Lê Khanh, NSND Hồng Vân, diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc, Katy Nguyễn... Bên cạnh đó, phim còn được quay ở nhiều thắng cảnh nổi tiếng ở đất cố đô Huế như Tử Cấm Thành, Nhật Thành Lâu, cung An Định… Mặc dù nhà sản xuất bộ phim này cũng thực hiện nhiều “chiêu trò” để thu hút khán giả, nhưng vẫn chưa thấy “cơn sốt phòng vé” cho bộ phim này.
Một phim khác cũng từng xuất hiện trong đường đua phim Tết là “Lật mặt 48h” thì lại lùi lịch hẳn tới giữa tháng 4. Riêng phim “Trạng Tí phiêu lưu ký” của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh vốn thu hút sự quan tâm của dư luận thì vẫn chưa có lịch ra rạp. Đây là bộ phim hứa hẹn với nội dung hấp dẫn, song lại vướng vào lùm xùm chuyện bản quyền với họa sĩ Lý Linh nên lâm vào làn sóng đòi “tẩy chay” của một bộ phận công chúng, trước thời điểm phim dự kiến ra mắt vào dịp Tết vừa qua. Cụ thể, phim có dựa vào bộ truyện tranh “Thần đồng Đất Việt” - bộ sách có kiện tụng, tranh chấp bản quyền suốt 12 năm. Trong thời gian tòa án chưa đưa ra phán quyết, Ngô Thanh Vân đã liên hệ với công ty Phan Thị để mua bản quyền chuyển thể. Tháng 12/2019, tòa phán xử họa sĩ Lê Linh thắng kiện trong vụ tranh chấp bản quyền với công ty Phan Thị. Theo phán quyết từ tòa án, Lê Linh là tác giả hình thức thể hiện gốc, còn công ty Phan Thị là chủ sở hữu tác phẩm, được sử dụng 4 hình tượng nhân vật này vào sản xuất kinh doanh nhưng phải tôn trọng quyền nhân thân của tác giả.
Thay vì cầu thị và có chiến lược quảng bá mềm mỏng, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh lại dùng Facebook để bày tỏ quan điểm và có những câu chữ được cho là có ý công kích tác giả Lê Linh, đồng thời có thái độ “ăn miếng trả miếng” với khán giả. Trong lúc nóng giận, Phan Gia Nhật Linh còn chỉ trích ngược lại nhân vật Tí trong nguyên tác tiểu thuyết là khôn lỏi, khôn vặt… Chính điều này đã làm “tăng xông” nhiều fan hâm mộ bộ sách và họ đã lập những nhóm anti fan để đòi tẩy chay phim.
Những lùm xùm ấy khiến nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đầy lo lắng, từng phải lên tiếng xoa dịu dư luận và tiết lộ đây là bộ phim chị rất tâm huyết, đầu tư nhiều tiền của. Thế nhưng, đến thời điểm này, khi làn sóng Covid-19 tạm yên ắng, phim “Trạng Tí phiêu lưu ký” vẫn chưa có lịch ra rạp. Và phim “Bố già” vẫn đang giải nhiệt cho công chúng sau một thời gian ở nhà tránh dịch. Theo đó, nhà sản xuất phim này cũng “hút bộn tiền” từ công chúng.
Một bộ phim khác “đón lõng” được thời điểm và ra mắt khá sớm, trước cả “Bố gà”, là phim “Kiều @”. Phim có những buổi ra mắt khá hoành tráng tại TP HCM và Hà Nội nhưng ngay sau những suất chiếu đầu tiên đã nhận được nhiều ý kiến phân tích, đóng góp của các chuyên gia và khán giả. Có ý kiến còn bày tỏ, đây là một bộ phim “thảm họa”, người ta đã mượn danh “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du để quảng bá cho “Kiều @” khi tác phẩm gốc thực sự là vở cải lương “Nửa đời hương phấn”.
Có thể nói, mùa phim mở màn cho năm 2021 thời “hậu Covid-19” của điện ảnh Việt khá xôn xao. Tuy nhiên, câu chuyện “người cười, kẻ khóc” cũng khiến người ta suy ngẫm. Khán giả sẽ hết sức ủng hộ phim Việt, dù có thể mỗi bộ phim đều còn có những điều bất như ý, hoặc nói cách khác, là còn có sạn. Thế nhưng, sự khuất tất, nhập nhằng, không tôn trọng bản quyền là điều khó chấp nhận. Bên cạnh đó, nếu đưa ra một bộ phim mà không hướng đến những đối tượng công chúng nhất định, không đáp ứng được thị hiếu của họ, cũng khó trụ rạp, khó khiến khán giả “móc hầu bao”…