Nguy hiểm lướt sóng vàng
Giai đoạn này đầu tư vào vàng được cho là khá nguy hiểm khi giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới 8 triệu đồng/lượng. Giá vàng nội một mình một chợ và dự đoán nằm trong nguy cơ giảm tiếp.
Biến động khôn lường
Nhìn chung giá vàng trong tuần thứ 2 của tháng 3 tiếp tục biến động, các phiên tăng giá, giảm giá đan xen nhau. Song nếu phân tích ở lực cầu, đã không còn đủ sức để giữ giá vàng tăng mạnh.
Cụ thể ngày 12/3, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC tại 55,40 -55,80 đồng/lượng (mua vào - bán ra). Chênh lệch giá bán với giá mua lại được nới lên 400.000 đồng/lượng.
Các phiên giao dịch trong tuần , giá vàng xoay quanh mốc 55,5 triệu đồng/ lượng.
Trên thị trường thế giới, có thời điểm giá vàng rớt về 1.682 USD/ounce. Đến ngày 12/3, giá vàng quốc tế đã tăng lên mức cao nhất một tuần qua sau những đợt giảm mạnh trước đó. Giá vàng giao ngay trên sàn Kitco giao dịch tại 1.723,8 - 1.724,8 USD/ounce. Quy đổi theo giá USD tại Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương 48,5 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán ra khoảng 7 triệu đồng/lượng ở thời điểm hiện tại.
Giá vàng giảm xuống đáy trong 9 tháng vì đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, khiến các nhà đầu tư từ bỏ tài sản không sinh lời là vàng. Hơn nữa, Quốc hội Mỹ đã thông qua gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng gây áp lực lên giá vàng.
Tổng hợp dữ liệu cho biết, từ tháng 2 vừa qua, giá vàng thế giới đã sụt giảm mạnh, vàng có lực bán ra mạnh mẽ. Trong khi đó, giá vàng trong nước dù có giảm nhưng vẫn duy trì ở mức cao, nên những phiên giao dịch gần đây, giá vàng trong nước đang rất khập khiễng so với giá vàng thế giới.
Theo chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh, giá vàng quá cao so với giá thế giới và đang trong xu hướng giảm do dòng tiền bị đổ vào các kênh đầu tư như chứng khoán, tiền kỹ thuật số..., khiến đầu tư vàng thời điểm này không phải là lựa chọn tốt. Lợi suất trái phiếu Mỹ và USD tăng, cộng với các quỹ ETF đang đẩy mạnh bán vàng càng làm tương lai của vàng thêm mịt mờ.
Có phải thực sự là nhu cầu?
Vậy có phải nhu cầu vàng trong nước cao đã khiến cho giá vàng trong nước không thể giảm sâu như giá vàng thế giới? Thực ra để tìm câu trả lời đích xác là quá khó , rất nhiều quan điểm đang xoay quanh mặt hàng kim loại quý này.
Một số ý kiến nói rằng hiện tượng chênh lệch giá vàng giữa hai thị trường đang phản ánh nhu cầu vàng vật chất gia tăng, trong khi nguồn cung vàng nguyên liệu đang thiếu hụt.
Kể từ khi nghị định 24/ NĐ-CP về quản lý vàng có hiệu lực (năm 2012) thị trường vàng trong nước và thế giới không có sự liên thông khiến giá vàng tại hai thị trường này luôn có sự chênh lệch. Khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đơn vị duy nhất được phép nhập khẩu vàng, các doanh nghiệp buộc phải mua lại vàng từ NHNN. Thời gian đầu, của Nghị định 24, NHNN cũng đã liên tiếp tổ chức những đợt đấu thầu vàng để bình ổn thị trường vàng. Giá vàng trong nước thời gian này chỉ chênh lệch với giá vàng thế giới 2-3 triệu đồng. Và nay sau 8 năm ra đời, giá vàng đã bớt nhảy múa hơn, người dân cũng đã không cuồng quay, xếp hàng rồng rắn vì vàng. Song khoảng cách giá vàng nội địa và giá vàng thế giới ngày càng được giãn rộng hơn. Quan điểm của NHNN cũng đã khẳng định trong nhiều lần vàng nguyên liệu không phải là hàng hóa bình thường như những loại hàng hóa khác, mà vẫn là đối tượng được quản lý ngoại hối một cách chặt chẽ.
Và khi cái van vàng nguyên liệu chỉ do một cơ quan quản lý chưa được mở thông rộng với thị trường thế giới, khiến giá vàng trong nước có giảm hay tăng cũng không thể bì kịp với đà của thế giới. Dẫn đến sự chênh lệnh lớn.
Trả lời trên báo chí, ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nói có sự chênh lệch giá vàng là do bất cân xứng cung - cầu trong nước. Nhu cầu vàng trong nước tăng mạnh những tháng đầu năm 2021, nhất là trong ngày vía Thần Tài, nhiều nhà kinh doanh vàng đã bán ra với số lượng lớn. Trong khi đó, nguồn cung vàng trong nước tiếp tục được kiểm soát. Chưa kể, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam kiểm soát nghiêm ngặt đường biên, hạn chế vàng lậu chảy mạnh vào thị trường nội địa, khiến cung vàng trong nước càng khan hiếm hơn.
Lệch pha cung - cầu đã đẩy cho giá vàng nội - ngoại cách nhau cả một khoảng trời.
Vậy, cơ quan quản lý có thể kéo giá vàng nội ngoại lại gần nhau? Trả lời câu hỏi này, cácchuyên gia về thị trường vàng cho rằng điều quan trọng nhất mà NHNN theo đuổi là ổn định vĩ mô. Hiện nay giá vàng chênh lệch nhưng hơn cả là chặn được tình trạng vàng hoá trong dân. Chẳng ai muốn mua vàng khi giá vàng chênh quá cao như vậy.
Thật vậy, chính chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu thẳng thắn nói, khi hiện tượng chênh lệch giá duy trì ở mức cao, các nhà đầu tư và người dân nếu có ý định đầu tư vào kênh này cần hết sức thận trọng. Bởi lẽ, giá vàng trong ngắn hạn sẽ không thể duy trì ở mức cao, chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh giảm cho phù hợp với thị trường chung.
Hơn nữa trong bối cảnh thị trường vàng Việt Nam đang được thả nổi về giá như hiện nay, có nghĩa là hiện chưa có quy định nào về biên độ giá vàng, thì các doanh nghiệp cũng sẽ neo giá vàng cao để kiếm lợi nhuận.
Có nên lập sàn vàng?
Đó là câu hỏi đang tranh luận trong giai đoạn hiện nay. Một số chuyên gia cho rằng, về lâu dài cần để vàng liên thông với vàng thế giới. NHNN cần cho phép thêm nhiều đơn vị nhập khẩu vàng để giữ ổn định cung cầu, tránh khan hiếm vàng nguyên liệu. Và đặc biệt để huy động vàng trong dân, cần thiết phải lập sàn vàng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cần thành lập sàn vàng quốc gia. Vì lượng vàng trong dân đang còn rất lớn. Chỉ có NHNN mới được phép huy động vàng. Người dân được huy động vàng hoặc những nhà đầu tư khi gửi vàng cho NHNN sẽ được cấp Chứng chỉ vàng. Huy động vàng, gửi vàng đương nhiên phải được trả lãi, có như vậy NHNN mới có thể huy động được lượng vàng rất lớn từ người dân - theo ông Hiếu.
Chưa kể các quan điểm cho rằng, đã có sàn chứng khoán, sàn bất động sản, vậy tại sao lại không thể thành lập sàn vàng dưới sự quản lý và điều hành của NHNN?
Khi có sàn vàng ai thích mua bán vàng vào chơi, như chơi chứng khoán, nhà đầu tư biết ngay lãi hay lỗ khi giá vàng lên hay xuống. Và quan trọng hơn có sàn vàng đẩy lùi tình trạng buôn lậu vàng, mà còn góp phần huy động vàng trong dân.
Trong lần trả lời gần nhất về việc thành lập sàn vàng hay không, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, câu chuyện đề xuất thành lập sàn vàng này đã từng có ý kiến và NHNN cũng ghi nhận và phải nghiên cứu kỹ nhưng trước hết phải mang lại lợi ích chung cho sự ổn định vĩ mô, mang lại lợi ích chung cho cộng đồng, mọi người dân và sau đó mới tính đến lợi ích của đối tượng, thành phần tham gia kinh doanh vàng. Chúng ta phải vì lợi ích chung trước.
Việc thành lập sàn vàng cũng như sở giao dịch vàng cũng từng thấy rủi ro cũng như tính phức tạp của nó bởi vì đó là việc kinh doanh rất tự do trên sàn, liên quan rất nhiều đến vấn đề ngoại tệ, cơ chế quản lý ngoại tệ…