Chíp gắn trên thẻ căn cước công dân có chức năng định vị?

PV 14/03/2021 17:05

Việc cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) có gắn chíp điện tử đã được triển khai từ cuối tháng 1/2021. Hiện nay, công an các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ cấp thẻ CCCD. Tuy nhiên, một số người dân tỏ ra lo ngại về việc chíp điện tử gắn trên thẻ CCCD có thể kiểm soát các hoạt động của từng cá nhân không?

Về vấn đề này, Bộ Công an trả lời như sau:

Chíp được gắn trên thẻ CCCD là để lưu trữ các thông tin của công dân trên thẻ CCCD với mục tiêu là tạo điều kiện thuận tiện cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, đi lại, nâng cao hiệu quả của Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Chíp gắn trên thẻ CCCD không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân.

Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chíp tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Việc sử dụng thẻ CCCD có gắn chíp điện tử sẽ thuận lợi hơn trong các giao dịch hành chính của công dân cũng như phục vụ công tác quản lý Nhà nước; nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, hướng tới nền Chính phủ số, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử, đây là xu hướng tất yếu trong việc phát triển xã hội hiện nay.

Ưu việt của CCCD gắn chíp điện tử

So với CCCD sử dụng mã vạch, Chứng minh nhân dân 9 số và 12 số, CCCD gắn chíp điện tử có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như: Ứng dụng chữ ký số, hạ tầng khóa bảo mật công khai, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần… có thể được sử dụng và kết nối rộng rãi cho các dịch vụ công cộng và tư nhân.

Đáng chú ý, khi thẻ CCCD gắn chíp điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin, lúc đó người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ mà chỉ cần dùng thẻ CCCD gắn chíp thì sẽ thực hiện được các giao dịch.

Ngoài ra, việc tích hợp chíp trên CCCD đem lại tính linh hoạt khi cần bổ sung hoặc sửa đổi thông tin trên thẻ sau khi phát hành bởi cơ quan Công an. Dữ liệu trên chíp có thể được truy cập ngay lập tức mà không bị phụ thuộc vào kết nối mạng thông qua các thiết bị cho phép đọc thông tin trên chíp giúp cho việc xác thực danh tính được thực hiện ngay, hạn chế tối đa việc giả mạo danh tính.

Chíp sử dụng trên thẻ CCCD tuân thủ quy định bảo mật của thế giới và Việt Nam đồng thời không có chức năng định vị, theo dõi xác định vị trí của công dân.

Chíp có khả năng lưu trữ thông tin sinh trắc học (như dấu vân tay), cho phép xác thực đảm bảo chính xác con người. Qua đó, thông tin chủ thẻ được định danh một cách chính xác, giảm thiểu mọi nguy cơ về giả mạo thẻ, đảm bảo an toàn bảo mật nhất là trong các giao dịch tài chính.

Khi đề xuất sử dụng CCCD có gắn chíp điện tử, Bộ Công an đã xây dựng phương án đảm bảo tính bảo mật thông tin được lưu trữ trên chíp; phương án này được các đơn vị chuyên môn đánh giá, nghiệm thu, đảm bảo bảo mật trước khi đưa vào phát hành sử dụng rộng rãi trong xã hội.

Với những lý do trên đây, người dân nên nhanh chóng đi làm CCCD để tiết kiệm chi phí, an toàn, tiện lợi.

Tuy vậy, với những người chưa có điều kiện, thời gian đi làm CCCD gắn chip, thẻ Chứng minh nhân dân, thẻ CCCD mã vạch đã cấp trước đây vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định.

Dự kiến đến ngày 1/7/2021 sẽ hoàn thành cấp thẻ cho 50 triệu công dân trên toàn quốc. Trong đó, 10 tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,... phải hoàn thành trước ngày 30/4/2021.

Khi hoàn thành cấp 50 triệu thẻ căn cước, công dân có mã số định danh cá nhân, khi đi làm các thủ tục hành chính, người dân không cần phải trình sổ hộ khẩu giấy, không phải nộp một số giấy tờ công chứng…

PV