Không chủ quan với bệnh ho gà

Mai Anh 15/03/2021 09:00

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 30-50 triệu người mắc bệnh ho gà, trong đó có khoảng 300.000 người bị tử vong, đa số là trẻ em dưới 1 tuổi và ở các nước chậm phát triển.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tại Việt Nam, trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Từ khi vaccine phòng bệnh ho gà được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận rải rác các trường hợp mắc bệnh do không tiêm vaccine phòng bệnh; thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp.

Cũng theo Cục Y tế dự phòng, mặc dù dịch bệnh ho gà đã được khống chế, nhưng căn bệnh này vẫn chưa được thanh toán hoặc loại trừ trên thế giới cũng như ở Việt Nam, nên nguy cơ có thể có những ổ dịch nếu không làm tốt công tác phòng ngừa như duy trì tiêm vaccine đạt tỉ lệ cao (đặc biệt vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ...), không thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.

Theo các chuyên gia y tế, ho gà là một bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, bệnh gây nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra. Bệnh rất dễ lây lan qua đường hô hấp. Ho gà ở trẻ sơ sinh thường diễn biến nặng, tỷ lệ tử vong cao.

Thời kỳ nung bệnh của bệnh ho gà là từ 2-30 ngày (trung bình 5-12 ngày). Thời kỳ khởi phát thường từ 3-14 ngày với các biểu hiện: Sốt nhẹ, từ từ tăng dần, kèm theo đó là các triệu chứng viêm long đường hô hấp như ho khan, hắt hơi, chảy nước mũi, đau rát họng, dần dần chuyển thành ho cơn. Thời kỳ toàn phát thường kéo dài 1-2 tuần: Xuất hiện những cơn ho gà điển hình, xảy ra bất chợt, vô cớ, cả ngày và đêm, ho nhiều về đêm. Cơn ho diễn biến qua 3 giai đoạn: Ho, thở rít vào và khạc đờm.

Khi đó bệnh nhân thường ho rũ rượi, thành cơn, mỗi cơn từ 15-20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần. Kèm theo đó là thở rít vào, thường xuất hiện cuối cơn ho hoặc xen kẽ sau mỗi tiếng ho, trẻ thở rít vào nghe như tiếng gà rít. Khi trẻ khạc đờm trắng, màu trong, dính như lòng trắng trứng là lúc kết thúc một cơn ho. Trong đờm có trực khuẩn ho gà.

Sau mỗi cơn ho trẻ bơ phờ mệt mỏi, có thể nôn, vã mồ hôi, mạch nhanh, thở nhanh. Kèm theo có thể thấy một số triệu chứng sau: Sốt nhẹ hoặc hoặc không sốt, mặt và mi mắt nặng, loét hãm lưỡi, nghe phổi trong cơn ho có thể thấy một số ran phế quản (ran rít, ngáy).

Bệnh ho gà thường gây ra các biến chứng như viêm phế quản, dãn phế quản, viêm phổi-phế quản; biến chứng thần kinh, trong đó viêm não là một biến chứng nặng của bệnh ho gà, tỷ lệ tử vong cao...

Để chủ động phòng chống căn bệnh này, Bộ Y tế khuyến cáo: Người dân cần chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch. Lịch tiêm chủng ho gà cho trẻ theo Chương trình tiêm chủng mở rộng như sau: Trẻ sơ sinh tiêm vaccine ho gà vào 3 thời điểm 2, 4 và 6 tháng tuổi. Tiêm nhắc lại sau 1 năm, 3 năm và 5 năm.

Bên cạnh việc tiêm vaccine phòng bệnh, người dân cần bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng. Đồng thời thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân cho trẻ như che mũi, miệng khi hắt hơi.

Cho trẻ ăn uống đủ chất, dinh dưỡng hợp lý. Khi có dấu hiệu mắc bệnh, hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, cách ly và điều trị.

Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn gây nên, bệnh lây qua đường hô hấp. Bệnh thường gặp chủ yếu ở trẻ em 1-6 tuổi. Trẻ càng nhỏ tuổi bệnh càng nặng. Biểu hiện của bệnh: Sốt, ho dữ dội thành cơn kéo dài và có tiếng thở rít, chảy nước mắt, nước mũi, kèm theo nôn có đờm dãi trắng và rất dính.

Mai Anh