Thêm 2 ngoại ngữ trong nhà trường: Có cần thiết? - Bài 1: Điểm thi là thước đo chất lượng
Thông tin về việc tiếng Hàn, tiếng Đức sẽ trở thành môn ngoại ngữ 1 trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) đã thu hút sự quan tâm của người học và dư luận.
Trước thực trạng dạy và học ngoại ngữ lâu nay, nhiều câu hỏi đã được đặt ra: Căn cứ nào để Bộ GDĐT đưa tiếng Hàn, tiếng Đức vào giảng dạy trong nhà trường; tại sao lại là tiếng Hàn, tiếng Đức mà không phải thứ ngôn ngữ nào khác; chúng ta kỳ vọng gì ở việc có thêm 2 ngoại ngữ nói trên dạy thí điểm trong chương trình GDPT?
Hiện có 5 ngoại ngữ đang được triển khai dạy trong các trường phổ thông, gồm: Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga. Từ năm 2016 tới nay, Bộ GDĐT tiếp tục thực hiện Đề án thí điểm dạy tiếng Nhật như ngoại ngữ 1 bắt đầu từ bậc tiểu học. Tuy nhiên thực tế cho thấy việc học ngoại ngữ ở nhà trường phổ thông chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là việc phục vụ các kỳ thi. Bằng chứng là hiện nay, đa số các gia đình đều cho con em mình đi học thêm ngoại ngữ ở các trung tâm bên ngoài nhà trường.
Những con số biết nói
Thống kê điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia nhiều năm trở lại đây, tiếng Anh luôn là môn thi có điểm thấp nhất. Đơn cử như đề thi thi tốt nghiệp THPT tiếng Anh 2020 được đánh giá là dễ hơn những năm trước, tuy nhiên số thí sinh đạt điểm dưới trung bình lại chiếm tỉ lệ lớn.
Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh của cả nước năm 2020 cho thấy: Có 74.9285 thí sinh tham gia thi môn tiếng Anh. Trong đó điểm trung bình là 4,58 điểm, điểm trung vị là 4,2 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,4 điểm (37.335 thí sinh). So với năm 2019, điểm trung bình môn tiếng Anh có nhỉnh hơn - tăng từ 4,36 năm 2019 lên 4,58 điểm. Tuy nhiên, so với các môn còn lại trong kỳ thi năm 2020, điểm tiếng Anh vẫn thấp nhất. Đáng chú ý, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, môn tiếng Anh cũng có 543 bị điểm liệt - dưới 1 điểm (chiếm tỉ lệ 0,07%) - tăng 1,3 lần so với năm 2019 (395 em có điểm liệt môn tiếng Anh trong năm 2019).
Có thể khẳng định, so với các môn học khác, tiếng Anh đang được đầu tư khá lớn cho điều kiện dạy học, nhất là ở các thành phố lớn. Song điểm thi tiếng Anh ở các kỳ thi nói chung (tuyển sinh vào lớp 10 THPT, thi tốt nghiệp THPT) cũng luôn ở mức thấp. Tại sao vậy? Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo ĐH và sau ĐH (ĐH Quốc gia Hà Nội): Kết quả này phản ánh trung thực năng lực ngoại ngữ của các em học sinh THPT hiện nay.
Điều đáng nói, Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” (gọi chung là Đề án) đã được triển khai từ nhiều năm với kinh phí lên đến hơn 9.000 tỉ đồng nhưng có vẻ như không về đích, chứ chưa nói tới việc làm đổi thay thực tế yếu kém của tình trạng dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường phổ thông. Trong quá trình thực hiện Đề án này cũng có nhiều hạn chế, bất cập dẫn đến hiệu quả mang lại rất thấp.
Những yếu kém và hạn chế ấy cũng đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra từ năm 2017. Cụ thể, kết quả kiểm toán việc thực hiện Đề án giai đoạn 2015-2016 cho thấy, tính đến năm 2016, cả 4 mục tiêu của Đề án đặt ra theo từng giai đoạn đều đạt kết quả thấp về số lượng, chất lượng và ở tất cả các bậc học. Cá biệt có mục tiêu không thực hiện được (mục tiêu “Đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ trong chương trình giáo dục thường xuyên với nội dung, chương trình đào tạo phù hợp với các cấp học, trình độ đào tạo, góp phần tích cực vào công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, viên chức”); hoặc mục tiêu “Triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ đối với giáo dục nghề nghiệp” chỉ đạt 1% so với yêu cầu đề ra là 60%...
Chưa tìm ra nguyên nhân?
Nguyên nhân nào dẫn tới việc dạy/học và kết quả thi tiếng Anh chưa đạt được như kỳ vọng? Với các chuyên gia, nhiều năm qua, môn tiếng Anh luôn có phổ điểm lệch hẳn sang trái, nhiều điểm trung bình hoặc dưới trung bình đã không còn là điều bất ngờ. Bởi nếu không chọn tổ hợp xét tuyển ĐH có tiếng Anh, học sinh sẽ có tâm lý học lệch, chỉ tập trung những môn cần xét tuyển. Một nguyên nhân nữa là điểm môn tiếng Anh thường phân hóa rất rõ rệt theo vùng miền, tỉnh thành.
TS Vũ Thị Thanh Nhã - Trưởng Khoa Tiếng Anh (ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, do chương trình môn tiếng Anh hệ 10 năm chưa được triển khai đại trà trên cả nước, nhiều địa phương chưa đủ điều kiện triển khai chương trình này. Bên cạnh đó, so với mặt bằng chung học sinh cả nước đặc biệt với học sinh khu vực nông thôn và miền núi, yêu cầu của các câu hỏi đó còn cao. Điều đáng nói là tâm lý của phần lớn thí sinh là tập trung cho các môn xét tuyển ĐH, tiếng Anh chỉ là môn bắt buộc để xét tốt nghiệp THPT nên việc học chỉ dừng ở đạt mục tiêu, đối phó để không bị điểm liệt.
Trước đó, năm 2019 ngay sau kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GDĐT đã tổ chức tọa đàm tìm giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh. Các chuyên gia cho rằng một trong những lý do lớn là việc tồn tại hai hệ chương trình đào tạo ngoại ngữ bậc phổ thông, hệ 7 năm (từ lớp 6) và 10 năm (từ lớp 3).
Bên cạnh đó, chất lượng giáo viên không đồng đều, có xu hướng giáo viên dạy tiếng Anh giỏi ở vùng khó khăn sau một thời gian công tác sẽ chuyển về thành phố lớn. Đây cũng là lý do khiến “vùng trũng” môn tiếng Anh khó vượt lên được. Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) đã nêu thực trạng, nhiều giáo viên chưa thực sự hướng vào việc giảng dạy mà vẫn đặt nặng thành tích thi cử. Thời gian đầu, sau khi tham gia bồi dưỡng, họ dạy rất tốt, chú trọng phương pháp mới, nhưng qua một thời gian, không ít giáo viên lại quay về phương pháp cũ. Thông tư số 26/2012/TT-BGDĐT về quy chế bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên đã quy định, hằng năm, giáo viên phải tự đăng ký nội dung bồi dưỡng. Tuy nhiên, không ít giáo viên lựa chọn nội dung không xuất phát từ nhu cầu, việc đánh giá kết quả bồi dưỡng chưa đạt hiệu quả, việc giám sát bồi dưỡng còn hạn chế...
Còn một nguyên nhân khác được các giáo viên dạy tiếng Anh chỉ ra, đó là nhiều năm qua, người Việt vẫn sử dụng giáo trình du nhập do người bản địa biên soạn. Giáo trình tiếng Anh hiện nặng về học vẹt khô khan dẫn đến người học không cảm nhận được cái hay, không hiểu thấu đáo tận cùng vấn đề của ngôn ngữ. Người học bị lệ thuộc vào người dạy, không có khả năng tự học, trong khi tự học chiếm tới 90% thành công trong học ngôn ngữ mới.
Không nên rải mành mành
Ở thời điểm hiện tại, chỉ còn vài tháng nữa là học sinh bắt tay vào học SGK mới lớp 2 và lớp 6, nhưng câu chuyện thiếu giáo viên dạy ngoại ngữ vẫn là mối lo của nhiều địa phương. Các Sở GDĐT cho biết, một trong những bất cập hiện nay là có chỉ tiêu tuyển giáo viên nhưng không có nguồn tuyển. Do đó, đề nghị Bộ GDĐT có cơ chế để tuyển đủ giáo viên thực hiện chương trình GDPT mới.
Chương trình, SGK mới ở lớp 3 bắt đầu được thực hiện từ năm 2022, song theo thống kê của Bộ GDĐT, hiện các địa phương cần khoảng 13.600 giáo viên Tin học và hơn 27.000 giáo viên Ngoại ngữ. So với số lượng giáo viên hiện có, cấp tiểu học thiếu khoảng hơn 6.000 giáo viên Tin học và hơn 5.000 giáo viên Ngoại ngữ.
Câu chuyện thiếu giáo viên dạy tiếng Anh đang đặt ra những lo lắng với đội ngũ giáo viên dạy tiếng Hàn, tiếng Đức tới đây, khi mà hai ngôn ngữ này được thí điểm thành ngoại ngữ 1 trong các nhà trường. Trước đó, từ năm 2016 Bộ GDĐT thí điểm đưa tiếng Nhật vào dạy trong các nhà trường, đến năm 2018 trên toàn quốc đã có 25 ngàn học sinh THCS và THPT học tiếng Nhật. Từ năm học 2020-2021, khi chương trình GDPT mới được thực hiện, việc học tiếng Nhật từ bậc THCS (chương trình 7 năm) sẽ được tính là môn ngoại ngữ 2. Dẫu thế, câu chuyện dạy và học tiếng Nhật cũng là một bài toán nan giải. Bởi ngay tại Hà Nội, học sinh lựa chọn ngoại ngữ này không nhiều, các em lựa chọn tiếng Nhật đều do sự ham thích nhất định đối với ngôn ngữ này thì mới đăng ký chứ không như những ngoại ngữ phổ thông khác.
Hiệu trưởng một trường THPT tại Hà Nội đang thực hiện chương trình này cho biết, có năm nhà trường tuyển không đủ học sinh cho 1 lớp nên phải ghép học chung với học sinh lớp khác. Trường cũng không tuyển được giáo viên cơ hữu mà phải sử dụng giáo viên hợp đồng thỉnh giảng. Các phụ huynh khi đi họp thì kiến nghị với nhà trường, ngành giáo dục thí điểm dạy tiếng Nhật, Hàn… để làm gì? Trong khi tại nhiều địa phương giáo viên tiếng Anh còn chưa đạt chuẩn thì làm sao mà thí điểm các ngoại ngữ khác? Trong khi các trường ĐH tuyển học sinh thì điều kiện cũng là các chứng chỉ bằng tiếng Anh, rồi hồ sơ du học cũng yêu cầu văn bằng tiếng Anh…
Khi chúng tôi thực hiện loạt bài này, ý kiến phụ huynh đều cho rằng, từ thực tế đã nêu, nên chăng ngành giáo dục hãy tập trung dạy và học thật tốt những ngôn ngữ đã và đang giảng dạy trong các nhà trường. Rải mành mành tới 6, 7 thứ ngôn ngữ mà kết quả thu được không hề như kỳ vọng, thì rõ ràng Đề án dạy ngoại ngữ trong trường học khó hoàn thành mục tiêu.
(Còn nữa)