Hiểu về người đại diện cho mình để bỏ phiếu
Hiện việc chọn người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang được tiến hành.
Làm sao để việc vận động bầu cử được dân chủ, công khai, bình đẳng, đặc biệt đúng người đúng việc là rất cần thiết. Về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên ĐBQH đã chia sẻ với phóng viên báo Đại Đoàn kết.
PV: Từng là ĐBQH cũng như đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, theo bà làm sao để đảm bảo bình đẳng trong vận động bầu cử, tránh việc vận động bầu cử không trong sáng?
Bà Bùi Thị An: Thứ nhất là có tiêu chí rõ ràng cụ thể, minh bạch, làm sao đảm bảo cơ cấu. Cơ cấu là đại diện cho các thành phần, nhưng phải là người xuất sắc trong cơ cấu đó. Nếu chỉ căn cứ vào hồ sơ là chưa đủ, cho nên cần minh bạch các tiêu chuẩn, tiêu chí để giám sát. Thứ hai, thông tin của người ứng cử phải đến được với cử tri để cử tri còn xem xét, lựa chọn bầu.
Người ứng cử hay tự ứng cử cũng phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí. Nếu người ứng cử là do cơ quan, tổ chức giới thiệu thì trách nhiệm thuộc về người đứng đầu nơi giới thiệu. Nếu giới thiệu không đảm bảo chất lượng, anh phải chịu trách nhiệm đến cùng. Bởi lựa chọn người không xứng đáng thì Đảng thiệt, dân thiệt, đất nước thiệt. Vì vậy, trước bầu cử, phải làm sao để người dân hiểu và chọn được người xứng đáng. Theo quy định của luật, người được giới thiệu hay người tự ứng cử khi đã qua được các vòng hiệp thương đều được vận động bầu cử và có quyền bình đẳng như nhau trong vận động bầu cử; tránh việc người này được ưu ái, còn người kia thì không.
Vậy, theo bà, với người tái cử thì sao?
-Tôi cho rằng đã là đại biểu tái cử thì lại cần đánh giá sâu sắc hơn. Bởi có người cả nhiệm kỳ đi họp nhưng không phát biểu. Cơ cấu là quan trọng, nhưng theo tôi tiêu chuẩn phải được đặt lên hàng đầu, như chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Như vậy, cũng cần có đánh giá những đại biểu này trước khi bầu cử. Việc đó sẽ giúp cho cử tri hiểu hơn về mỗi cá nhân để bầu, lựa chọn.
Còn về việc vận động bầu cử thì sao, thưa bà?
-Cũng phải nói rằng, thực tế có những cử tri không quan tâm đúng mức đến việc bầu ra người xứng đáng đại diện cho mình, đi bầu cho xong nghĩa vụ. Cho nên vấn đề này cũng phải đánh giá trên hai mặt. Cử tri cũng cần tìm hiểu chính xác về người mà mình sẽ bầu khi người mình bầu là doanh nhân hay công chức. Tức là cử tri phải có trách nhiệm tìm hiểu về người mà mình sẽ bầu để đại diện cho mình. Dù người ứng cử được tổ chức giới thiệu song người dân cảm thấy không xứng đáng, họ có quyền không bầu. Cho nên đây là trách nhiệm của hai bên và chúng ta cần tuyên truyền cho người dân hiểu, để họ được tiếp xúc rộng rãi với các ứng viên trong quá trình vận động bầu cử chứ không phải chỉ trong việc tiếp xúc cử tri.
Cử tri có quyền hỏi bất cứ điều gì về các ứng viên, do đó cử tri phải hiểu về người sẽ đại diện cho mình. Đặc biệt có quyền giám sát, theo dõi đối với người mà mình bầu ra. Trong quá trình vận động cam kết điều gì, hứa điều gì, vì thực tế có việc trong vận động bầu cử, nhiều ứng viên hứa rất hay nhưng trúng cử thì lại làm rất ít. Vì thế, cần để cử tri tiếp cận thông tin về các ứng viên dưới nhiều góc độ khác nhau.
Chính vì thế các cơ quan có trách nhiệm cần tuyên truyền cho người dân hiểu hơn về quyền của mình và có ý thức hơn trong việc lựa chọn, bầu ra người xứng đáng đại diện cho mình. Nếu chỉ đi bầu cho xong, sẽ khó có thể chọn được đại biểu xứng đáng cho mình cũng như nâng cao chất lượng của đại biểu cơ quan dân cử. Lâu nay chủ trương đều đúng song trong tổ chức thực hiện lại chưa được như mong muốn. Ai cũng mong cơ quan quyền lực nhà nước có những đại biểu có chất lượng, có tầm, có tâm, hết lòng vì dân, vì Đảng, vì đất nước.
Trân trọng cảm ơn bà!