Tính đường dài cho hài kịch ứng tác

Cao Ngọc 15/03/2021 06:20

Bên cạnh một sân khấu nghiêm cẩn, luôn đòi hỏi có sự tập luyện công phu vẫn có những loại hình sân khấu đem tới sự đột phá lớn về hình thức như sân khấu kịch tương tác.

Gần đây ở hai trung tâm văn hóa lớn của Việt Nam là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện thêm những nhóm hài kịch ứng tác, gây được sự chú ý, nhất là đối tượng khán giả trẻ.

Một kịch mục của sân khấu Sài Gòn Tếu.

Kịch tương tác có thể hiểu là một nhóm nghệ sĩ có kỹ năng, có khả năng ứng diễn tốt, tập hợp ra sân khấu mà không hề có bất kỳ ý tưởng nào về cốt chuyện hay vai diễn. Họ sẽ cùng khán giả bàn bạc, nhất trí với những đề xuất ngẫu hứng của khán giả để ngay tại chỗ, sáng tác một tiểu phẩm dài ngắn tùy thuộc hoàn toàn vào người diễn và người xem… Sân khấu của kiểu kịch ứng tác như một sân chơi thuần nhất, giàu tính trình diễn (tính sân khấu) khi toàn bộ câu chuyện được tạo ra, được trình diễn ngay lập tức trong thời điểm đó.

Nói cách khác, cốt truyện, nhân vật, lời thoại, hành động… được các diễn viên kết hợp cùng sáng tạo ngay trên sân khấu mà không hề có bất kỳ kịch bản viết sẵn hay đề cương nào được chuẩn bị trước. Trong đó, hài kịch tương tác là một trong các thể loại của sân khấu này. Các nghệ sĩ phải nhanh chóng ra những quyết định ngay lập tức dưới những “quy định” về bối cảnh kịch vừa được khán giả và nhóm quyết định, đồng thời, những sáng tạo ngay lập tức đó phải có yếu tố dí dỏm, gây cười, gây được bất ngờ, kinh ngạc cho khán giả… đó cũng là yếu tố hấp dẫn chính của hài kịch ứng tác.

Trên thế giới, hình thức kịch này đã có từ những năm 60, 70 của thế kỷ XX. Ở Việt Nam, sân khấu ứng tác - không kịch bản, đồng sáng tạo lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2012 với dự án của sân khấu Nháp và các chuyên gia sân khấu Anh là Robert Hale và Paul Brugess . Sân khấu Nháp được thành lập năm 2006, đã có những vở diễn để lại ấn tượng tốt như “Oe Oe”, “Nhìn”... Sau đó, họ diễn với quy mô nhỏ hơn, các diễn viên diễn ứng tác dựa trên câu chuyện của khán giả.

Khán giả kể một câu chuyện và chỉ định diễn viên này đóng vai này, diễn viên kia đóng vai kia, đèn tắt và âm nhạc nổi lên, diễn viên lập tức tái hiện câu chuyện đó. Có đêm diễn, họ đã “kể” 6 câu chuyện khác nhau do 6 khán giả ngẫu nhiên đưa ra ý kiến. Năm 2012, Sân khấu Nháp diễn vở “Người lạ” theo phong cách ứng tác: khán giả góp phần không nhỏ vào sự thành công của vở diễn bằng cách ghi câu trả lời vào những tờ giấy mà ban tổ chức phát cho những vấn đề của vở kịch trước mỗi đêm diễn. Dựa trên những câu trả lời đó, hai nghệ sĩ thể hiện trên sân khấu.

Lần đầu tiên trên sân khấu kịch, khán giả có thể tham gia xây dựng nội dung vở diễn và là chất xúc tác cho sự thăng hoa của người nghệ sỹ. Các nghệ sĩ với kỹ thuật ứng tác đã đem lại sự bất ngờ, tiếng cười vui cho khán giả. Cùng khoảng thời gian đó, một nhóm các nghệ sĩ của Nhà hát kịch Việt Nam cũng đã có vài buổi diễn với hình thức, đưa ra một cốt truyện với kết thúc mở: các nghệ sĩ đưa tình huống kịch lên sân khấu, khán giả suy nghĩ rồi đưa ra những cái kết. Nghệ sĩ dựa vào đó biểu diễn, hoặc mời chính khán giả diễn cùng…

Trong những năm trở lại đây, đã có một số nhóm kịch ứng tác ra đời như CLB Kịch ứng tác Hà Nội, Trung tâm Kịch ứng tác Việt Nam và gần đây là nhóm High Club ở Hà Nội, nhóm Sài Gòn Tếu tại TP.Hồ Chí Minh cùng một số nhóm nhỏ. Các nghệ sĩ tập trung trong các nhóm kịch này đều là những diễn viên chuyên nghiệp, rất giàu tiềm năng sáng tạo, nhanh nhạy. Họ tập hợp lại để mong muốn đổi mới sân khấu, kéo gần hơn sàn diễn đến với khán giả, tăng cường sự đồng sáng tạo giữa người diễn với người xem.

High Club là câu lạc bộ (CLB) hài kịch ứng tác mới thành lập tháng 7/2020, do đạo diễn Đào Ngọc Hà khởi xướng và định hướng diễn xuất. Lấy tên là High (viết tắt tiếng Anh Haha Improv Games Hanoi), những nghệ sĩ mong muốn mang những tiếng cười vui cho khán giả qua những phút thư giãn. Tên gọi cũng thể hiện quan niệm chung của nhóm: Niềm vui trong cuộc sống đều như những trò chơi và đều bắt đầu từ tiếng cười.

Gần đây, nhóm Sài Gòn Tếu (trưởng nhóm là nghệ sĩ Uy Lê) cũng đã đi theo hướng biểu diễn “kịch ứng tác” dành cho giới trẻ tại TP.Hồ Chí Minh. Sự ra mắt của nhóm Sài Gòn Tễu là một trong những hướng đi tích cực để thay thế cho xu hướng diễn tấu hài đã trở nên nhàm, nhảm…

Sự xuất hiện của nhóm Sài Gòn Tếu với thể loại “độc thoại hài” được khán giả thích thú đón nhận và diễn vào tối thứ Tư, thứ Sáu hằng tuần tại quán cà phê 698 Sư Vạn Hạnh, quận 10, TP HCM. Các nghệ sĩ trực tiếp ứng diễn trước khán giả qua những câu chuyện hài hước về một thói quen, một hành động nào đó. Ưu thế của nhóm chính là sự thông minh, dí dỏm của 9 thành viên, họ đã tạo dựng thương hiệu Sài Gòn Tếu bằng việc khai thác thông tin từ báo chí, truyền hình, những vấn đề giới trẻ đang quan tâm....

Cả hai nhóm hài kịch ứng tác của Hà Nội và TP HCM chưa thật sự phát huy được tiềm năng vì dịch Covid-19 lại bùng phát khiến những chương trình được chuẩn bị công phu chưa thể ra mắt khán giả. Nhưng họ đều hứa hẹn sẽ có những thay đổi lớn nhờ vào đội ngũ khán giả trẻ, ưa thích cái mới, cái sáng tạo không lặp lại.

Quan niệm diễn ứng tác là sự “chơi” thỏa sức của nghệ sĩ vì được là chính mình, được ứng tác hoàn toàn khác với cách diễn sân khấu truyền thống vốn có cũng là áp lực khá lớn vì đòi hỏi nhiều vào bản lĩnh của người diễn viên. Tưởng như chơi, nhưng thực sự, hài kịch ứng tác đòi hỏi rất nhiều vào tính tập thể, sự nhất trí của nhóm. Họ phải thường xuyên cùng nhau thực hành, diễn tập để đạt tới sự trôi chảy. Tính ngẫu hứng, bất ngờ, gây được hiệu quả của kịch ứng tác nhờ vào sự tuân thủ rất nhiều quy tắc nghiêm ngặt của tất cả diễn viên khi bước lên sân khấu. Sự ứng biến hoàn toàn không phải ngẫu nghiên mà phải cùng nhau luyện tập thường xuyên, có khả năng tung hứng một cách ăn ý. Không có chỗ cho sự ỷ lại vào tài năng có thể biến ra những lời thoại hài hước mà cần đến rất nhiều sự luyện tập, bản lĩnh, trí thông minh.

Cao Ngọc