Quảng Ninh: Tìm đầu ra cho nhuyễn thể Vân Đồn
Vân Đồn là vùng vịnh có nhiều lợi thế cho nuôi trồng hải sản, đặc biệt là nội nhuyễn thể.
Với ưu thế về điều kiện tự nhiên cũng như cơ chế khá thông thoáng nên Vân Đồn trở thành vựa nuôi trồng nhuyễn thể lớn của tỉnh, mỗi năm cho sản lượng hàng chục nghìn tấn.
Đối tượng nuôi thời gian gần đây của các hộ nuôi trồng trong huyện tập trung chủ yếu vào hàu và ngao hai cùi. Với kỹ thuật nuôi đơn giản, vốn đầu tư thấp, tỷ lệ chết trong quá trình nuôi thấp, ít dịch bệnh, dễ tiêu thụ nên rất phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh. Đến nay toàn huyện có khoảng 1.250 hộ nuôi, trồng thủy sản, trong đó số hộ nuôi ngao, hàu là trên 1.000 hộ, tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho khoảng trên 2000 lao động.
Tuy nhiên, do dịch Covid-19, người dân Vân Đồn đã gặp khó khăn khi nguồn tiêu thụ lớn nhất là xuất khẩu ngao hai cùi sang nước ngoài bị ngưng trệ. Bởi vậy hiện nay, tỉnh Quảng Ninh, huyện Vân Đồn cũng như các hộ dân đang tháo gỡ khó khăn tìm đầu ra cho nhuyễn thể của Vân Đồn.
Theo thống kê của huyện, tổng sản lượng hàu, ngao trung bình mỗi năm trên địa bàn đạt khoảng 35.000 tấn, trong đó hàu là 25.000 tấn. Bình quân mỗi ngày, sản lượng thu hoạch sẽ là 30-40 tấn ngao, 60-70 tấn hàu. Tuy nhiên, hiện nay đang chính vụ, nhưng người dân Vân Đồn chỉ thu hoạch cầm chừng từ 20-25 tấn ngao, 40-50 tấn hàu do giá thấp và không xuất khẩu được ra thị trường nước ngoài.
Thời điểm trước dịch, người dân rất vui mừng khi sản phẩm nuôi trồng của mình bán được giá, trung bình dao động từ 50.000 – 80.000/kg ngao, 15.000 – 20.000/kg hàu giúp người dân nâng cao đời sống và cho thu nhập bình quân mỗi năm hàng trăm, hàng tỉ đồng. Nhưng hiện nay, do tình hình dịch Covid-19 khiến lượng tiêu thụ bị giảm mạnh, các mặt hàng nuôi trồng bị tồn đọng khá nhiều dẫn đến giá sản phẩm bị giảm hơn một nửa so với những năm trước, làm ảnh hưởng lớn đến kinh tế của các hộ dân trong địa bàn huyện.
Chị Trần Thị Út ( Trú tại thôn 4, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) Chia sẻ: “Sản lượng vụ thu hàu, ngao năm nay có thể lên đến hơn 100.000 tấn mỗi loại. Hiện đang vào thời điểm chính vụ thu hoạch, nhưng chúng tôi chỉ thu hoạch từ 40-50 tấn/ngày do giá thấp và dịch Covid-19 là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến đến việc xuất khẩu mặt hàng từ Vân Đồn sang thị trường nước ngoài. Bản thân tôi cũng như toàn thể các hộ nuôi trồng rất mong được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, tìm ra phương án tốt nhất cho người dân trong quá trình tiêu thụ sản phẩm”.
Anh Hà Văn Đạt (trú tại khu 5, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) chia sẻ “Mọi năm vào đúng vụ thu hoạch, ngao, hàu vận chuyển lên cảng không kịp để bán, các thương lái vào cảng lấy hàng còn tắc cả đường, công nhân thì làm việc đến tận đêm mới được nghỉ. Trong lúc dịch bệnh chưa kiểm soát được thì ngao không xuất khẩu được, thị trường nội địa thì toàn bộ nhà hàng đến quán ăn cũng không có khách nên có bán rẻ cũng chẳng ai mua. Nhưng sau khi dịch bệnh được kiểm soát thì mới ổn định trở lại, trung bình mỗi ngày tôi nhập vào hơn 2 tấn ngao, để phục vụ cho việc xuất khẩu sang Trung Quốc và đi tiêu thụ nội địa”.
Chị Phạm Thị Huệ (Trú tại thôn Đông Thành, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) là người trực tiếp mua hàng của người dân đi tiêu thụ chia sẻ, mỗi ngày trung bình chị lấy khoảng 5 tạ đến 1 tấn hàu. Chị bán lẻ với mức giá từ 6.000 – 8.000VNĐ/kg, đối với hàu ruột là 70.000VNĐ/kg.
“Giá hàu mọi năm dao động từ 12.000 -17.000 đồng/kg, năm nay giá hàu giảm chỉ còn một nửa. Do hàu không thể bảo quản được lâu được nên việc tiêu thụ trong nước đang gặp nhiều khó khăn. Mong sao cho việc xuất khẩu ổn định trở lại để việc buôn bán của người dân được tốt hơn”, Chị Huệ chia sẻ.