Sững sờ mỗi chiếc lá của cây đột biến trị giá gần 400 triệu đồng
Một chàng trai người Anh sở hữu bộ sưu tập cây quý hiếm với "giá trị khủng", trong đó có một cây đột biến hiếm gặp với mỗi chiếc lá cây trị giá lên tới 12.000 bảng Anh (gần 400 triệu đồng).
Đó là anh Tony Le-Britton, 30 tuổi, đến từ thị trấn Cheltenham thuộc hạt Gloucestershire. Vốn là một nhiếp ảnh gia và làm đẹp trong ngành thời trang tóc, nhưng anh Tony lại có niềm đam mê cây cối mãnh liệt. Bởi vậy, anh đã biến căn phòng khách rộng rãi của mình thành nhà kính để thỏa mãn niềm đam mê thực vật.
Trong số hơn 100 loại cây quý hiếm của mình, Tony sở hữu cả những cây đột biến hiếm gặp, thậm chí có loài tưởng như đã tuyệt chủng, hoặc có loài không còn tên trong tài liệu khoa học.
Bộ sưu tập cây cối có giá trị này phải kể tới cây Rhaphidophora Tetrasperma Variegata đột biến. Theo lời kể của chủ nhân, mỗi chiếc lá cây hiện đang được bán với giá 12.000 bảng Anh (gần 400 triệu đồng). Hiện Tony đang có danh sách dài tên khách hàng chờ đặt mua từng chiếc lá.
"Loại cây không nhiều đốm này thực ra rất phổ biến. Bạn có thể hái nó ở siêu thị hay bắt gặp trong những vườn sinh vật cảnh. Nhưng phiên bản của tôi là loại đột biến gen hoàn toàn ngẫu nhiên. Chính vì vậy nó mới trở nên quý hiếm đến thế. Lá có hình dáng thế này là độc nhất vô nhị trên thế giới", anh Tony cho hay.
Cũng theo nhà sưu tầm cây này, hiện anh đã nhận 3 đơn đặt hàng trước với giá 12.000 bảng Anh một chiếc lá. "Tôi còn một danh sách khách hàng đang chờ mua nữa. Rất nhiều nhà sưu tầm đã liên hệ với tôi. Nó như thể trồng tiền trên cây vậy", anh nói thêm.
Ngoài ra, Tony còn đang sở hữu một loại cây có tên Monastera sp Bolivia được coi là giống mới chưa được các nhà khoa học xác nhận và chưa có tên trong tài liệu khoa học. Đây là loại cây vốn thuộc về một nhà sưu tầm người Áo. Khi Tony nhận về, nó vẫn chỉ là mẩu cây nhỏ nhưng nhờ được chăm sóc tốt nên hiện tại phát triển cao lớn.
"Khi tôi chụp hình và đưa ảnh lên mạng, một nhà thực vật học ở Bolivia đã liên hệ vì anh ấy chưa hề có hồ sơ gì về loài cây này. Cách duy nhất là tìm nó trong tự nhiên. Bằng cách dùng thân và lá, chúng tôi có thể xác định họ của loài cây đó".
Bộ sưu tập cây hiếm gặp của Tony không dừng ở đó. Anh còn đang sở hữu Begonia Chloristica, một loài thực vật kỳ lạ được cho là đã biến mất trong tự nhiên. Loài cây này đang có vị trí đặc biệt trong căn phòng kính của anh.
"Nó được cho là đã tuyệt chủng vài năm về trước. Tôi đã tìm thấy từ một nhà sưu tập ở châu Âu", anh nói.
Được biết, sở thích sưu tầm cây cối của Tony được nuôi dưỡng nhờ ông bà khi anh còn là một cậu bé. Bà của anh từng nổi tiếng trong vùng với bộ sưu tập thực vật, thường xuyên đưa Tony tới những nhà vườn.
Hiện chàng trai 30 tuổi này không thể ước tính hết tổng giá trị các cây hiếm đang sở hữu, dù biết con số không hề nhỏ. "Có những cây đáng giá hơn cả một ngôi nhà. Nhưng điều tôi thích hơn cả là bản thân mình sở hữu các loài thực vật quý mà nhìn từ bên ngoài không ai có thể đoán được".
Tài khoản mạng xã hội Instagram của anh hiện có hàng chục nghìn người theo dõi. Đây cũng là nơi để anh chia sẻ nhiều khoảnh khắc về "khu vườn mini" đắt giá của mình.