'Đối thoại 2045' - Khát vọng hùng cường

Quang Ngọc 16/03/2021 09:00

Phát biểu kết luận tại cuộc gặp gỡ đại diện doanh nhân và trí thức tại “Đối thoại 2045”, chiều 6/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khát vọng và niềm tin chúng ta cùng hướng tới mục tiêu Việt Nam hùng cường vào năm 2045.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ đại biểu tham dự “Đối thoại 2045”.

1. “Diễn đàn 2045” được đánh giá là nơi hội tụ tinh hoa của trí thức, doanh nhân Việt Nam - những người luôn đau đáu vì sự phát triển của đất nước. Với những chủ doanh nghiệp tư nhân thì điều đó cũng không phải là ngoại lệ.

Nói như ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TPBank thì khát vọng Việt Nam hùng cường phải được các cấp các ngành tạo điều kiện để nuôi dưỡng lớn mạnh, bùng cháy. Phải làm sao để “đàn chim doanh nghiệp Việt” từ các “đại bàng, sếu đầu đàn cùng các cánh chim khác” kết thành một đàn vượt qua mọi giông bão, ấp ủ xây dựng Tổ quốc.

Còn theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn SOVICO và Hãng hàng không Vietjet thì khát vọng tăng trưởng liên tục và dài hạn này rất thách thức nhưng chúng ta có những nguồn lực, có cơ sở, có động lực để biến khát vọng thành hiện thực. “Hãy để Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch quốc tế với các dịch vụ đa dạng về giải trí, chăm sóc sức khỏe, ẩm thực, phục vụ mọi đối tượng du khách. Chính phủ nên ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường không, hàng hải, logistic… Xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất phụ trợ, đào tạo về dịch vụ hàng không của khu vực và thế giới… Chúng tôi mong rằng Chính phủ tin tưởng ở kinh tế tư nhân, ở doanh nghiệp, hãy tập trung phát triển vào khu vực kinh tế tư nhân. Hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp”, bà Thảo đề nghị.

Theo ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Công ty Massan, để hướng tới mục tiêu giàu có vào năm 2045, Việt Nam đi sau nhưng về đích trước, đòi hỏi giải pháp nằm ở đổi mới nền tảng cạnh tranh, tìm năng lực cạnh tranh vượt trội.

Ông Quang cho rằng, trong nền kinh tế Việt Nam, chi phí công đoạn sản xuất đến tiêu dùng chiếm khoảng 30% giá người tiêu dùng phải trả. Nếu giảm thiểu chi phí trong lưu thông hàng hóa, sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, hàng hóa lưu thông tốt hơn, doanh nghiệp có năng lực tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn. Ông Quang cũng nhấn mạnh rằng, để tăng tốc phát triển, phát triển bền vững thì phải chuyển đổi từ nền kinh tế, quản lý truyền thống, sang nền kinh tế số hóa; phát triển xanh và tái tạo năng lượng.

Là người nước ngoài nhưng đã nhiều năm gắn bó với thị trường chứng khoán, ông Dominic Scriven - Chủ tịch Công ty Dragon Capital, cho rằng, để hiện thực hóa mục tiêu giàu mạnh vào thời điểm năm 2045 thì Việt Nam nên tập trung ngay vào 3 vấn đề: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. “Thiên thời” là các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, nhà kính trong mối quan hệ tổng hòa với các lĩnh vực tạo nên sự tăng trưởng GDP, qua đó hướng tới sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. “Địa lợi” là phát triển mạnh hạ tầng cơ sở đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. “Nhân hòa”, tạo ra những phương án tài chính bền vững cho người dân Việt Nam, nhất là khi có khả năng kinh tế tốt khi về già.

Với TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbrigh thì nếu Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng trung bình khoảng 7%/năm trong 25 năm tới, thì Việt Nam sẽ chạm chuẩn thu nhập cao của thế giới. Ông Tuấn nhấn mạnh yếu tố rất cơ bản, để đạt được mục tiêu đó thì “kinh tế Việt Nam phải do người Việt Nam làm chủ”, không chỉ kinh tế Nhà nước mà phải mở rộng ra kinh tế trong nước nói chung, trong đó doanh nghiệp Việt Nam là chủ đạo; còn doanh nghiệp nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế đó.

“Sự giàu có của người dân Việt Nam, sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là một đòi hỏi cấp thiết, như là một mệnh lệnh trên con đường tiến đến một Việt Nam cường thịnh 2045” - ông Tuấn nói và tin rằng Việt Nam sẽ có ngày càng nhiều doanh nhân, nhà lãnh đạo xuất sắc có tinh thần dám nghĩ dám làm, quyết tâm hành động, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, với tinh thần: Trách nhiệm - Danh dự - Lương tâm.

Nhiều ý kiến tại diễn đàn cũng cho rằng, nhìn lại năm 2020 đầy khó khăn, khi nền kinh tế thế giới lún sâu vào khủng hoảng với tăng trưởng âm 4%, trong khi kinh tế Việt Nam vẫn đạt con số dương 2,91%, điều đó cho thấy đường lối phát triển đúng đắn cũng như nội lực của nền kinh tế. Trong khi nhiều quốc gia luẩn quẩn trong khó khăn, nợ nần thì năm 2020, chúng ta vẫn xuất siêu khoảng 19 tỉ USD. Đó chính là nền tảng thổi bùng niềm tin mãnh liệt cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân. Nhưng, niềm tin và nguồn cảm hứng khởi đó phải được nuôi dưỡng từ những chủ trương, chính sách cởi mở, đúng đắn. Phải phát triển mạnh kinh tế tư nhân và tăng cường tính hiệu quả cho kinh tế nhà nước, đó là đôi cánh của đại bàng có thể vượt qua tất cả bão giông.

2. Kết luận “Đối thoại 2045” lần thứ nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, khát khao cháy bỏng về một Việt Nam cường thịnh không chỉ của doanh nghiệp mà cả người dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ nay đến năm 2045 còn một phần tư thế kỷ nữa, đó là khoảng thời gian đủ dài để xuất hiện những tập đoàn, doanh nghiệp khổng lồ mang tên Việt Nam.

Thủ tướng tổng kết 5 nhóm vấn đề được nêu ra tại đối thoại: Đó là con người và công nghệ, trong đó có vấn đề chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa của quốc gia. Thứ hai là cần quan tâm đổi mới thể chế, đây là “bà đỡ” cho doanh nghiệp và của đất nước, trong đó nhấn mạnh quyền con người, quyền công dân. Thứ ba, trao cơ hội phát triển cho mọi loại hình doanh nghiệp, đặc biệt giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp, người dân, các thành phần kinh tế như FDI, hợp tác xã, hộ cá thể… trong đó kinh tế tư nhân là một trong những thành phần quan trọng. Cần phải có kết nối, phát triển hạ tầng cho doanh nghiệp, nhất là tạo điều kiện về đất đai. Thứ tư là nguồn nhân lực Việt Nam phục vụ phát triển, đi liền với khởi nghiệp sáng tạo. Đi liền với đó là bảo vệ môi trường sống, không để ai bị bỏ lại phía sau. Và thứ năm là bảo vệ văn hóa Việt Nam. Nếu mất văn hóa là mất tất cả - Thủ tướng nhấn mạnh.

“Trong thời đại ngày nay, mục tiêu của doanh nghiệp nếu vẫn được định nghĩa là tối đa hóa lợi nhuận thì sẽ lạc hậu. Mục tiêu của doanh nghiệp không thể chỉ đơn thuần là tìm kiếm lợi nhuận cho cổ đông mà phải sáng tạo giá trị cho xã hội, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của đất nước” - Thủ tướng nói và ông có lời khuyên cho doanh nghiệp: đó là yêu Tổ quốc, đoàn kết, không nản chí, năng động, quyết đoán. “Niềm tin, niềm tin và niềm tin; kiên nhẫn một mục tiêu, bền bỉ chí hướng sẽ thành công” - Thủ tướng khích lệ các doanh nghiệp.

Thủ tướng mong muốn, chúng ta hãy chung tay làm cho Việt Nam trở nên thành công hơn nữa. Đất nước ta là nơi mà trí thức, tài năng nào cũng có cơ hội được cống hiến, phụng sự. Việt Nam 2045 là bức tranh đẹp mà tất cả chúng ta và các thế hệ tương lai có cơ hội đặt nét vẽ của mình lên đó.

Dư âm của “Đối thoại 2045” tiếp tục khích lệ cộng đồng doanh nghiệp, trí thức và toàn thể xã hội quyết tâm, vững bước đi lên. Còn nhớ, trong lúc cuộc chiến chống Covid-19 đang rất căng thẳng vào thời điểm giữa năm 2020, Thủ tướng đã lưu ý đến thứ “virus trì trệ”. Đó là sự thui chột ý chí, không có khát vọng, là thái độ an phận, thiếu trách nhiệm với đất nước. Tới thời điểm này, chúng ta hoàn toàn tin rằng chúng ta vừa kiểm soát, khống chế được đại dịch Covid-19, vừa tiêu diệt được thứ virus yếm thế mang tên trì trệ. Điều đó khẳng định niềm tin trong cuộc chạy đua dài hơi với toàn thế giới trong vòng 25 năm tới, để đất nước ta “bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong mỏi thiết tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn (người đứng).

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn (Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright): Kinh tế Việt Nam phải do người Việt Nam làm chủ, không chỉ kinh tế Nhà nước mà phải mở rộng ra kinh tế trong nước nói chung, trong đó doanh nghiệp Việt Nam là chủ đạo; còn doanh nghiệp nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế đó. Sự giàu có của người dân Việt Nam, sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là một đòi hỏi cấp thiết, như là một mệnh lệnh trên con đường hướng tiến đến một Việt Nam cường thịnh 2045.

Quang Ngọc