Chạy trời không khỏi… tiếng ồn

thư hoàng - linh anh 16/03/2021 08:30

Ô nhiễm tiếng ồn, hiểu nôm na là tiếng ồn trong môi trường vượt quá ngưỡng nhất định gây khó chịu cho người hoặc động vật. Gần đây, ô nhiễm tiếng ồn đã và đang ở mức cần báo động, nếu không sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống, và sức khỏe.

Các phương tiện giao thông không chỉ là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường mà còn gây ô nhiễm tiếng ồn.

1. Marko Nikolic, một người nước ngoài sống ở Việt Nam, quen thuộc đến nỗi giờ đây anh có thể viết báo, viết sách bằng tiếng Việt. Năm vừa rồi, anh viết cuốn tiểu thuyết “Phố Nhà Thờ” bằng tiếng Việt, và được trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội (hạng mục Tác phẩm). Một trong những ám ảnh lớn nhất của anh, cũng như của nhiều người nước ngoài đến Việt Nam, đó là ô nhiễm tiếng ồn.

Marko Nikolic từng mô tả: “Tôi dừng xe trước đèn đỏ ở ngã tư, hoảng loạn bởi một loạt cửa hàng điện máy mở loa thùng hết cỡ. Đêm xuống, tôi mất ngủ vì hàng xóm hát hò ầm ĩ tới khuya. Mỗi lần ra phố, hai tai tôi bị choáng ngợp bởi mớ âm thanh hỗn loạn thâm nhập mọi ngóc ngách của cuộc sống. Trên đường đi, tôi đối mặt với bản hợp xướng gồm vô vàn tiếng còi xe inh ỏi: xe máy, taxi, xe tải... Buổi tối, tai tôi bị tra tấn bởi những hàng xóm vui vẻ có thói quen hát hò và bật nhạc tới nửa đêm. Mệt mỏi và ức chế, tôi quyết định chạy trốn náo loạn đô thị, ra biển nghỉ. Tôi bắt xe khách. Chuyến đi không suôn sẻ vì tài xế bật nhạc công suất lớn, gây chói tai. Cuối cùng cũng đến nơi, tôi ngồi trên biển, thở phào nhẹ nhõm vì tìm được chút yên bình. Nhưng... có tiếng gì vậy? Tiếng khoan nhức óc của công trường ngay trên bãi biển. Họ đang xây khách sạn mới…”

Những điều Marko Nikolic mô tả ở trên, phải khẳng định, không có gì mới! Thậm chí nó đã trở thành điều quá quen thuộc đối với người Việt Nam. Quen đến nỗi nó khiến nhiều người… mặc định chấp nhận. Họ chấp nhận sống chung với tiếng ồn, như một điều tất yếu, và không muốn phản kháng, bởi họ nghĩ có phản kháng cũng… không thay đổi được gì.

Tuy nhiên, cũng có một số người bằng cách này hay cách khác, đã phản ứng lại vấn nạn gây ô nhiễm tiếng ồn của hàng xóm. Phổ biến nhất tại các đô thị, khu chung cư là viết các status trên mạng, hoặc nêu ý kiến tại các nhóm cộng đồng. Một MC nổi tiếng của đài VTC trong dịp tết vừa rồi, khi phải hứng chịu cảnh gia đình hàng xóm ở cùng tầng chung cư thường bật hát karaoke, mà chỉ hát một bài cứ lặp đi lặp lại với âm lượng lớn, ảnh hưởng tới hàng xóm xung quanh đã chia sẻ điều này lên mạng. Ý kiến của MC này lập tức nhận được sự bày tỏ của nhiều người, trở thành một diễn đàn nho nhỏ để nhiều bạn “phây” ở những nơi khác cũng “tố” chuyện mình, gia đình mình “chung cảnh ngộ”. Rất may là sau đó, theo MC này, hình như gia đình hàng xóm kia đã đọc được status của chị, hay ai đó đã chụp màn hình gửi tới cho gia đình kia, nên màn hát karaoke vui xuân vô tình “tra tấn hàng xóm” đã kết thúc.

Cách phản ứng có phần “nhẹ nhàng” này cũng thường được nhiều gia đình sống ở chung cư áp dụng. Và cũng thu được những kết quả nhất định khi có sự vào cuộc của ban quản lý các chung cư. Tuy nhiên, ở những vùng quê khác, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn do hát karaoke thực sự trở thành một vấn nạn. Bởi giờ đây, chỉ cần một chiếc “loa kẹo kéo”, là các gia đình có thể hát karaoke và âm thanh của nó có thể vang rất xa. Phản ứng với điều này, đã xảy ra một số vụ việc đáng tiếc. Hồi đầu tháng 1 năm nay, Công an TP Cần Thơ tiến hành điều tra làm rõ vụ án mạng xảy ra tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh. Theo thông tin ban đầu, vào tối 3/1, Nguyễn Văn Tr. (43 tuổi) nhậu ở nhà một mình và hát karaoke bằng loa kẹo kéo. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, ông L.V.M. (66 tuổi, cha vợ Tr.) có la Tr. hát karaoke làm phiền mọi người thì bị con rể dùng dao đâm vào tay rách da. Thấy vậy, chị P.T.T.L. (32 tuổi, em dâu Tr.) đến can ngăn thì bị Tr. đâm vào bụng dẫn đến tử vong.

Đây không phải là án mạng đầu tiên. Trước đó, tối 21/11/2020, ông Nguyễn Huy Ng. (61 tuổi, trú xóm Đình, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã dùng “bom xăng”, châm lửa đốt ném sang nhà hàng xóm. Nguyên nhân được xác định là do bực tức hàng xóm vì nhiều lần hát karaoke gây ồn ào, ông Ng. nhắc nhở, góp ý nhiều lần không được nên dẫn đến việc ném “bom xăng” để dằn mặt.

2. Ở nhiều vùng quê hiện nay, nhất là những làng nghề, bên cạnh câu chuyện ô nhiễm môi trường, thì vấn đề ô nhiễm tiếng ồn cũng hết sức quan ngại. Khảo sát một vệt các làng nghề làm đồ gỗ như Hữu Bằng, Chàng Sơn, Canh Nậu… (huyện Thạch Thất, Hà Nội) thì thấy tiếng ồn đã và đang gây bức xúc cho nhiều người.

Chị Nguyễn Thị Hiền lấy chồng về xã Chàng Sơn cho biết, chị mới sinh con đầu lòng và tiếng ồn của máy cưa, máy cắt cùng với bụi gỗ từ những xưởng làm đồ gỗ trong xóm đã khiến chị không chịu nổi. “Con tôi được 5 tháng mà giấc ngủ cứ chập chờn, thường giật mình và khóc. Vợ chồng chúng tôi không biết phải làm cách nào, vì đây là làng nghề và có khi mới 1 giờ chiều tiếng máy cưa máy cắt đã chói tai”, chị Hiền chia sẻ.

Còn đối với những vùng quê khác, tiếng ồn của các công trình xây dựng cũng trở thành nỗi ám ảnh. Bên cạnh đó, với sự phát triển khá nhanh, tiếng ồn do các phương tiện giao thông cũng gây ảnh hưởng tới sức khỏe.

Ở các đô thị, lượng xe ô tô, xe máy tăng lên đã đành, nhiều vùng quê tiềng ồn do phương tiện giao thông, nhất là vào các buổi tối cũng rất đáng quan tâm. Những con đường lớn ở quê giờ được bê tông hay trải nhựa, lại trở thành những địa điểm để thanh niên “trổ tài” nẹt pô, vít ga, bấm còi inh ỏi gây ra những tiếng ồn “thót tim”, nhất là với người già, người bị bệnh và trẻ nhỏ.

3. Không khó để có thể chỉ ra những hiện tượng gây ô nhiễm tiếng ồn. Từ chuyện hát karaoke trong phòng không đảm bảo cách âm, đến việc các xưởng sản xuất sắt thép, đồ gỗ, hay đơn giản hơn là việc bước lên xe Grap của một tài xế yêu thích một thể loại âm nhạc nào đó mà vô tình hoặc cố ý “bắt” khách thưởng thức cùng… Ô nhiễm tiếng ồn cũng có thể đơn giản hơn, là tiếng nói to của một ai đó, hay tiếng cãi nhau của gia đình hàng xóm…

Thực tế, chúng ta có nhiều quy định để xử lý. Căn cứ theo điểm a khoản 1 điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP: 1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau”. Như vậy, việc gây tiếng động lớn, làm ồn áo, huyên náo tại khu dân cư từ khoảng 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau sẽ bị xử phạt hành chính từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt đúng theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, nếu vi phạm gây tiếng ồn vượt quá quy chuẩn kỹ thuật cũng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định từ khoản 1 đến khoản 10 điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP:

1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 02 dBA.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 02 dBA đến dưới 05 dBA.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 05 dBA đến dưới 10 dBA.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 15 dBA.

5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 15 dBA đến dưới 20 dBA.

6. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 20 dBA đến dưới 25 dBA.

7. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 25 dBA đến dưới 30 dBA.

8. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 30 dBA đến dưới 35 dBA.

9. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 35 dBA đến dưới 40 dBA.

10. Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn trên 40 dBA”.

Như vậy, quy định đã có, và mức phạt có thể lên tới 160 triệu đồng cho những người gây ra tiếng ồn trền 40 dBA. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tại nhiều tỉnh, thành phố, các lực lượng chức năng chưa sâu sát trong việc xử lý ô nhiễm tiếng ồn, đồng thời họ còn thiếu trang thiết bị chuyên dụng để tiến hành kiểm tra, xử lý tiếng ồn cũng như hoạt động quản lý về trật tự công cộng chưa được chú trọng, thậm chí còn bị xem nhẹ. Rất ít nơi, khi người dân phản ánh về một hiện tượng gây ô nhiễm tiếng ồn mà được xử lý ngay…

thư hoàng - linh anh