Ngày 15/3, người dân thủ đô Bắc Kinh thức dậy và chứng kiến thành phố bị bao phủ bởi một "lớp màn" màu cam do gió mạnh thổi cát từ sa mạc Gobi và khu vực tây bắc, kết hợp với bầu không khí ô nhiễm ở mức độ cao. Giới chuyên gia khí tượng mô tả đây là cơn bão cát lớn nhất trong 10 năm qua. Cơ quan khí tượng Trung Quốc tuyên bố báo động vàng vào sáng nay, nhấn mạnh cơn bão cát đã di chuyển từ Nội Mông tới các tỉnh Cam Túc, Sơn Tây, Hà Bắc, vốn nằm bao quanh Bắc Kinh. Nước láng giềng Mông Cổ của Trung Quốc cũng bị hứng bão cát nghiêm trọng khiến 341 người mất tích. Tại Bắc Kinh, chỉ số chất lượng không khí (AQI) đã tăng vọt lên mức "nguy hiểm" với chỉ số 999. Trong khi đó, Tokyo (Nhật Bản) có chỉ số 42, Sydney (Australia) có chỉ số 17 và New York (Mỹ) là 26. Các khu vực nằm gần Bắc Kinh như Hong Kong, Đài Loan lần lượt ghi nhận chỉ số ở mức 66 và 87. Nồng độ bụi PM2.5, các hạt bụi nhỏ xâm nhập vào phổi, đã được ghi nhận trên mức 600 microgam ở nhiều nơi ở Bắc Kinh, mức trung bình 200 microgam trong 24 giờ, tính tới thời điểm trước buổi trưa. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị nồng độ trung bình hàng ngày chỉ nên là 25. Theo truyền thông nhà nước, cơn bão cát thổi vào từ Nội Mông tới Bắc Kinh đã khiến nồng độ của các hạt PM10 tăng lên mức trên 8.000 microgram. Nạn phá rừng quy mô lớn được coi là một yéu tố gây ra các cơn bão bụi mùa xuân, và Trung Quốc đang cố gắng tái trồng rừng và phục hồi hệ sinh thái của khu vực nhằm hạn chế lượng cát thổi vào thủ đô. Bắc Kinh đã trồng một "bức tường cây" để ngăn bụi bay vào, đồng thời cố gắng tạo ra các hành lang không khí dẫn gió và cho phép cát và các chất ô nhiễm khác đi qua nhanh hơn.