Covid-19 đẩy Mỹ Latinh vào nợ nần
Mirta Gonzalez, thợ làm móng 34 tuổi sống ở một thị trấn nhỏ ở miền Nam Paraguay, đã phải đi vay nóng khi chồng cô bị ốm. Cô đã chi 6,5 triệu guarani (985 USD) mua thuốc men cho chồng. “Nếu không có quan hệ hay tiền thì người bệnh chỉ có chết”, Gonzalez nói.
Những mảnh đời khổ ải
Câu chuyện của cô thợ sửa móng tay Mirta cũng chỉ là một trong vô vàn trường hợp tương tự ở khu vực Mỹ Latinh - nơi mà người nghèo đang bị đẩy vào cảnh nợ nần chồng chất do dịch Covid-19 hoành hành.
Paraguay là quốc gia Nam Mỹ với khoảng 7 triệu người, chỉ có khoảng 1/5 dân số được hưởng bảo hiểm an sinh xã hội và y tế qua công việc và chỉ khoảng 7% đủ sức tự chi trả viện phí.
Mới đây, truyền thông Mexico đưa tin về trường hợp Renata Granados, 24 tuổi và gia đình ở Queretaro, Mexico, buộc phải bán chiếc xe bán tải của gia đình sau khi chị gái Paloma của cô bị nhiễm bệnh và qua đời sau 21 ngày nằm viện. “Hóa đơn ghi một con số khổng lồ. Chi phí rất lớn khi chị tôi nằm viện. Tôi cảm thấy như đó là một tai ương không ai kịp chuẩn bị trước” - Renata nói.
Còn tại thành phố Manaus của Brazil, nơi đại dịch Covid-19 hồi tháng 1/2021 đã khiến các các dịch vụ y tế công cộng sụp đổ, Cintia Melo (làm nghề sản xuất video) đành phải chăm sóc mẹ già 87 tuổi ở nhà, thuê người chăm sóc và máy thở đồng thời thuê hoặc mua bình oxy. “Không còn giường bệnh nào cả” - Cintia cho biết và thêm rằng chi phí vào khoảng 20.000 reais (3.553 USD) một tháng. Nay mẹ cô đã qua khỏi nhưng vẫn cần được chăm sóc trong vài tuần, có thể là vài tháng nữa. “Số tiền chi phí vẫn chưa kết thúc và tôi không biết vay ở đâu nữa”, Cintia nói.
Cũng có thể nói thêm một trường hợp nữa, đó là chị Sandra Contreras, 34 tuổi tạm trú bên ngoài bệnh viện Villa el Salvador của Thủ đô Lima, Peru. “Tôi đã không thể vay được ở đâu tiền để chi trả điều trị cho người mẹ mắc Covid-19. Tôi nói với anh chị em của mình: Kể cả phải bán nhà để cứu mẹ, chúng ta cũng sẽ làm điều đó”…
Báo cáo thường niên của Liên hợp quốc mới đây cho biết, do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và mạng lưới an sinh xã hội yếu kém, 22 triệu người dân Mỹ Latinh đã bị đẩy vào cảnh nợ nần và nghèo đói. Con số người nghèo cùng cực này được mô tả là “ở mức chưa từng thấy” trong 20 năm qua.
Còn trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế LHQ về Mỹ Latinh và Caribe cho biết, ngoài việc gia tăng nghèo đói, đại dịch còn gây ra căng thẳng xã hội. Báo cáo cho rằng, mọi thứ sẽ tồi tệ hơn nếu các chính phủ ở Mỹ Latinh không trợ cấp khẩn cấp cho khoảng 84 triệu hộ gia đình. Thư ký điều hành của Ủy ban, Alicia Barcena, cho biết mọi người đang sống trong tình trạng bấp bênh ngày càng cao do đại dịch và rằng “cần phải gây dựng lại bằng sự bình đẳng, không thể để người nghèo đứng trên bờ của vực thẳm lâu hơn nữa”.
Vẫn có người “hốt bạc” nhờ Covid-19
Đó là các công ty dược điều chế vaccine ngừa Covid-19.
Theo tờ Guardian (Anh), hai hãng dược Mỹ Moderna và Pfizer “thắng đậm nhất”. Cả Moderna và Pfizer đều ra mức giá 30 USD/người để được tiêm 2 liều vaccine. Moderna thành lập cách đây 11 năm chỉ có 830 nhân viên. Pfizer trong khi đó ra đời từ năm 1849, đạt lợi nhuận ròng 9,6 tỷ USD trong năm 2020 và có gần 80.000 nhân viên.
Dù những hãng dược khác như AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) và Johnson & Johnson (Mỹ) đã cam kết cung cấp vaccine dựa trên nền tảng “không vì lợi nhuận” cho đến khi dịch Covid-19 kết thúc, nhưng giới quan sát cho rằng thị trường này vẫn tiếp tục “đơm hoa kết trái” khi mà những “ông lớn nhanh chân” đã thu về hàng tỉ USD. Nói ví dụ như vaccine Covid-19 của Pfizer bắt tay với BioNTech (Đức) điều chế và phát triển, đã được nhiều quốc gia đã đặt hàng 780 triệu liều. Pfizer/BioNTech ra giá 39 USD cho 2 liều tại Mỹ và 30 USD cho 2 liều tại EU.
Cũng cần biết rằng, trong năm 2020, hai nhà thành lập BioNTech là cặp vợ chồng bác sĩ Ugur Sahin - Ozlem Türeci đều đã trở thành tỷ phú.
Đã đến lúc bỏ bản quyền vaccine Covid-19?
Giữa tháng 12/2020, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã nhận được một bản kiến nghị với hơn 900.000 chữ ký kêu gọi bỏ bản quyền vaccine và thuốc điều trị Covid-19. Kiến nghị kêu gọi các chính phủ, các quốc gia thành viên của WTO và các công ty dược phẩm khẩn trương đảm bảo tất cả người dân trên thế giới đều được tiếp cận vaccine, thuốc và thiết bị điều trị Covid-19
“Cần hủy bỏ bản quyền đối với các sản phẩm này, kiến thức công nghệ phải được chia sẻ miễn phí và công khai, không thể cho phép có các hành vi trục lợi trong đại dịch.Các chính phủ, các nhà khoa học và công ty dược phẩm cần phải hợp tác và kết hợp mọi nguồn lực để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau” - kiến nghị viết và cho rằng nếu WTO không có hành động, thì chỉ có các nước giàu hưởng lợi từ các công nghệ mới trong khi các nước nghèo tiếp tục bị Covid-19 tàn phá. Quyền sở hữu trí tuệ sẽ khiến các sản phẩm y tế chống dịch Covid-19 khó tiếp cận hơn. Nếu không có bản quyền, việc sản xuất vaccine sẽ diễn ra nhanh hơn do có nhiều bên tham gia, thay vì chỉ một nhóm nhỏ các bên nắm giữ bản quyền.
Tới cuối tuần đầu của tháng 3/2021, chính Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cũng kêu gọi bỏ bảo hộ bản quyền vaccine ngừa Covid-19. Trong một bài viết cho tờ The Guardian, ông Tedros ủng hộ việc tạm bỏ quyền sở hữu trí tuệ với các vaccine Covid-19 để cho phép các nước trên thế giới có thể sản xuất và bán loại vaccine này với giá rẻ.
“Chúng ta đang sống qua một thời điểm bất thường của lịch sử và phải vượt qua thử thách này. Các quy tắc kinh doanh vẫn có sự linh hoạt trong những trường hợp khẩn cấp, và chắc chắn đại dịch Covid-19 xứng đáng với một ngoại lệ”, Tổng Giám đốc WHO viết.
Tuy nhiên, cho đến nay chính phủ các nước đang có sự chia rẽ về vấn đề này. Cụ thể, khoảng 100 nước có thu nhập thấp và trung bình ủng hộ bỏ bản quyền vaccine ngừa Covid-19 trong khi các nước giàu phản đối. Đặc biệt, Liên minh các hiệp hội và nhà sản xuất thuốc quốc tế, trụ sở tại Thụy Sỹ, cho rằng cắt giảm lợi nhuận của các công ty sẽ không khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Nói như bác sĩ Mohga Kamal-Yanni, Cố vấn Liên minh vaccine vì con người, thì việc vận động bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine hay, nhưng là “không tưởng”. Chỉ vì những người đang nắm giữ bản quyền sẽ không từ bỏ những món lợi khổng lồ.
Tuy nhiên, nói như bà Anna Marriott - chuyên gia của Tổ chức Oxfam, người ủng hộ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine Covid-19, thì “chúng ta không thôi hy vọng, cho dù việc người ta hy sinh quyền lợi không bao giờ là chuyện dễ dàng”.