Thúc đẩy phát triển giao thông sạch
Ngày 15/3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn và bà Helene Paust - Bí thư thứ Nhất, Phó phòng Hợp tác phát triển của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội đồng chủ trì Hội thảo khởi động dự án “Hỗ trợ Bộ GTVT thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) Việt Nam”.
Đây là dự án thành phần nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực GTVT, nằm trong khuôn khổ Dự án “Sáng kiến giao thông trong NDC tại các nước châu Á”.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn thông tin: Từ tháng 9/2020 Việt Nam đã hoàn thành cập nhật NDC và là một trong 20 quốc gia đệ trình báo cáo này sớm nhất lên Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
So với NDC đầu tiên được xây dựng năm 2015, theo ông Tuấn, đóng góp của NDC cập nhật năm 2020 đã tăng cả về lượng giảm phát thải và tỷ lệ giảm phát thải khí nhà kính. “Việt Nam cam kết giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát thải thông thường (BAU) và tăng đóng góp lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế thông qua thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương và thực hiện cơ chế mới theo Thỏa thuận Paris”, ông Lê Anh Tuấn cho hay.
Về dự án “Hỗ trợ Bộ GTVT thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) Việt Nam”. Được biết, Dự án NDC-TIA do Bộ Môi trường - Bảo tồn thiên nhiên - An toàn hạt nhân của CHLB Đức tài trợ thông qua Sáng kiến Khí hậu quốc tế (IKI). Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và Vụ Môi trường (Bộ Giao thông vận tải), Hội đồng Quốc tế về giao thông sạch (ICCT), Viện Nghiên cứu tài nguyên toàn cầu (WRI) cùng triển khai dự án đến hết tháng 12/2023.
Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ tăng cường năng lực, khung pháp lý thúc đẩy phát triển giao thông vận tải theo hướng carbon thấp, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện NDC của Việt Nam. Cụ thể, dự án hỗ trợ kỹ thuật Bộ GTVT xây dựng cơ chế, chính sách và lộ trình phát triển phương tiện giao thông điện (E-mobility) cho quốc gia và một thành phố nhằm thúc đẩy sự ra đời và phát triển bền vững của các loại phương tiện giao thông sử dụng năng lượng điện tiên tiến, hiện đại, không phát thải tại Việt Nam.
Xây dựng kịch bản giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến năm 2050 theo hướng phát triển phát thải carbon thấp. Xây dựng quy định về mức tiêu thụ nhiên liệu đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) điện tử về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không của ngành giao thông vận tải nhằm tăng cường sự minh bạch về phát thải khí nhà kính trong giao thông vận tải.
Dự án NDC-TIA hỗ trợ các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Bộ Giao thông vận tải cũng như hoạt động thí điểm tại một thành phố được chọn. Do vậy, Bộ Giao thông vận tải (bao gồm các tổng cục, cục), các sở giao thông vận tải và thành phố thí điểm là đối tượng thụ hưởng trực tiếp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp tham gia vào dự án là đối tượng gián tiếp được thụ hưởng khi có thể chủ động quản lý giám sát chặt chẽ hơn hoạt động vận tải của doanh nghiệp (về hệ thống quản lý tiêu thụ nhiên liệu, khối lượng luân chuyển hàng hóa hoặc hành khách) thông qua công tác báo cáo phát thải.
Dự án “Sáng kiến giao thông trong NDC tại các nước châu Á” được triển khai tại Việt Nam sử dụng nguồn vốn 4 triệu Euro, được Chính phủ Đức tài trợ không hoàn lại, thông qua Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Đức; đối ứng của Việt Nam là 400.000 Euro và đóng góp bằng nguồn nhân lực của Bộ GTVT. Thời gian thực hiện dự án đến hết tháng 12/2023.
Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đã được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21 năm 2015). Đây là thỏa thuận mang tính lịch sử, là cơ sở pháp lý toàn cầu đầu tiên ràng buộc trách nhiệm của tất cả các bên trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc thực hiện trách nhiệm của mỗi bên chủ yếu thông qua đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).