Lạp sườn gác bếp
Lạp xưởng (lạp sườn) gác bếp hay còn gọi là lạp xưởng hun khói vốn là món ăn truyền thống của người Mông, người Nùng và một số dân tộc khác vùng Tây Bắc.
Ở mỗi vùng, mỗi dân tộc cách làm lạp xưởng lại có chút khác biệt nhưng nhìn chung vẫn là loại lạp xưởng làm từ ruột non và thịt lợn. Cách làm lạp sườn gác bếp Tây Bắc không khó, cái khó là ở chỗ có làm nên hương vị cho đúng hay không. Khi mổ lợn, người ta lấy lòng non của lợn rửa sạch với rượu cho hết mùi, rồi chọn phần thịt ngon nhất xay hoặc băm nhỏ, tẩm ướp gia vị rồi nhồi vào phần ,lòng non đã rửa sạch. Về phần gia vị có những gì thì mỗi nơi mỗi khác, tùy vào khẩu vị của người dân nơi đó mà làm, đấy cũng là bí quyết riêng mà chỉ đồng bào dân tộc mới có.
Lạp xưởng được nhồi phải thật căng, có độ bóng mà không được làm rách ruột non. Lạp sườn Tây Bắc được làm bằng chính nguồn nguyên liệu tại chỗ từ thịt đến các hương vị để ướp thịt làm cho mùi vị của thịt rất thơm ngon và đảm bảo vệ sinh. Sau khi nhồi xong lạp sườn, người ta sẽ phơi lạp sườn trong nắng từ 2 đến 3 ngày. Sau khi phơi nắng, lạp sườn sẽ được treo lên gác bếp để làm chín và sấy khô. Đây cũng chính là lý do cho ra đời tên gọi lạp sườn gác bếp Sơn La.
Trong cách làm lạp sườn gác bếp Sơn La, lạp sườn phải được hun khói dưới than hồng, đỏ lửa liên tục trong vài ngày. Củi dùng để hun lạp sườn phải là củi lấy từ núi đá than sẽ đượm và hồng lâu. Hoặc người dùng bã mía khô để hun lạp sườn. Thời gian lạp sườn được hun khói, treo trên gác bếp phụ thuộc vào độ khói, độ dầy của lạp sườn. Thời gian hun khói lạp sườn có thể lên đến một tuần. Sau khi hun khói, lạp sườn sẽ chuyển dần sang màu cánh gián và có thể sử dụng được.
Những dây lạp sườn hun khói cứ như vậy mà được treo trên bếp dùng ăn cả năm cũng không hỏng. Sẽ không có điều gì tuyệt vời hơn khi bạn thưởng thức món lạp sườn gác bếp với chén rượu quê.
Khi ăn lạp sườn gác bếp, để nguyên cả khúc đem chiên chín, sau mang thái lát. Khi ăn chấm với mắm gừng hoặc tương ớt thêm chút rau thơm gia vị tùy theo khẩu vị hoặc cách bày món ăn của mỗi người, mỗi vùng. Khi thưởng thức lạp sườn gác bếp Tây bắc ta thấy có mùi của nắng vùng cao, có hương lửa của rừng thoang thoảng mùi gừng, mắc mật, mắc khén hương vị của núi rừng Sơn La.
Điều đáng nói và dễ nhận thấy nữa là bà con chỉ làm lạp xường từ những chú lợn bản đen được duy trì từ bao thế hệ của người vùng cao, lạp sườn sẽ có được vị dai của lòng, vị ngọt của thịt, vị ngậy của mỡ và vị thơm của gia vị vùng Tây Bắc hòa quyện với ăn rất ngon miệng, nếu nhâm nhi trêm chút rượu thảo dược, thì thật là không gì sánh bằng.