Nâng cao cảnh giác lừa đảo thông tin cá nhân
Thời gian gần đây, các ngân hàng và công ty tài chính đã phải liên tục phát đi cảnh báo cho khách hàng về các thủ đoạn lừa đảo ngày càng có dấu hiệu tinh vi như lừa lấy mã OTP để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng, giả mạo hồ sơ vay tiêu dùng tại các công ty tài chính… nhằm cảnh báo người dân về việc chú trọng bảo mật thông tin cá nhân trong thời đại số.
Thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi
Không ít khách hàng đã vướng vào rắc rối, thiệt hại khi chỉ một phút lơ là, mất cảnh giác, số tiền trong tài khoản ngân hàng đã không cánh mà bay. Chị T, trú tại huyện Hoà Vang, gửi đơn tố cáo đến Công an việc bị lừa đảo gần 40 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng.
Theo trình bày, người này nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là nhân viên ngân hàng, cảnh báo tài khoản có dấu hiệu bị xâm nhập và cho biết ngân hàng sẽ kiểm tra để đảm bảo an toàn cho tài khoản của chị. Người xưng là nhân viên ngân hàng dặn là khi kiểm tra, phần mềm sẽ tự động gửi đến số điện thoại của chị mã OTP và đề nghị chị đọc mã số đó cho mình.
Trong lúc mất cảnh giác và lo sợ tài khoản gặp rủi ro, chị T đã làm theo và ít phút sau khi đọc mã OTP, chị này nhận được tin nhắn tài khoản bị trừ 19,5 triệu đồng thanh toán tiền mua thẻ game. Khi chị gọi điện thoại lại thắc mắc thì được trấn an đó là tin nhắn ảo. Sau đó, chị lại nhận một mã OTP khác và đọc luôn cho người lạ và nhận được tin nhắn đã chuyển 20 triệu đồng cho một tài khoản khác. Chị T kiểm tra lại số dư tại khoản tại cây ATM thì phát hiện tiền đã bị trừ hết, lúc này chỉ T mới biết mình đã bị lừa nên trình báo Công an.
Hay mới đây nhất, anh K tá hoả khi phát hiện mình bị dính nợ xấu trên Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) bởi một khoản vay tiêu dùng tại một công ty tài chính, mặc dù trước đó anh không có bất kỳ giao dịch nào với công ty này. Sau khi liên hệ để khiếu nại, đối chiếu với hồ sơ vay thì số CMND hoàn toàn trùng khớp nhưng hình ảnh không phải của anh, hồ sơ vay được thực hiện thông qua một ứng dụng từ 2019. Kẻ gian đã mạo danh thông tin cá nhân của anh K, tráo ảnh CMND bằng ảnh của mình để qua mặt hệ thống thẩm định. Đặc biệt hơn, đối tượng còn tính toán cả việc sử dụng CMND giả này để qua mặt nhân viên giao dịch tại ngân hàng, nhằm mở tài khoản đứng tên người bị hại và hợp thức hóa tài khoản nhận tiền giải ngân khoản vay từ công ty tài chính. Sau khi xác minh được đây là một trường hợp lừa đảo, công ty tài chính nơi có khoản vay của anh K đã xóa dư nợ, hỗ trợ anh K xử lý nhanh các thủ tục nhằm điều chỉnh thông tin tín dụng của anh trên CIC.
Các thủ đoạn lửa đảo trong ngành tài chính ngân hàng ngày càng tinh vi và được thực hiện bởi các băng nhóm tội phạm chuyên nghiệp, chúng nghiên cứu kỹ lương các quy trình, sản phẩm vay rồi lợi dụng sơ hở, thiếu kiến thức của người dân để lừa đảo, hoặc qua mặt cả hệ thống phòng chống gian lận của ngân hàng và công ty tài chính. Đây cũng là một trong những rủi ro mà bản thân các đơn vị này thường xuyên phải đối mặt trong quá trình hoạt động, đặc biệt là đối với ngân hàng, nơi có nhiều khoản vay giá trị lớn hơn nhiều lần so với công ty tài chính.
Giải pháp nào nhằm ngăn chặn lừa đảo
Theo nhận định của một số chuyên gia, việc một số bộ phận người dân lơ là, không coi trọng việc bảo mật thông tin cá nhân cũng là yêu tố cho loại hình tội phạm này lợi dụng để lừa đảo. Việc quá dễ dãi chia sẻ thông tin cá nhân cho người khác hoặc qua mạng xã hội cũng tìm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cao. Vì vậy, người dân cần quan tâm hơn nữa đến các dữ liệu cá nhân của mình, mặt khác phải nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn chiếm dụng thông tin cá nhân bằng cách thường xuyên cập nhật các thủ đoạn lửa đạo tinh vi qua các kênh truyền thông uy tín.
Hiện nay, việc chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng ở Việt Nam là một xu thế tất yếu, giúp cung cấp nhiều dịch vụ hiện đại, những sản phẩm dịch vụ tài chính mới, tạo thuận lợi cho khách hàng cũng như tiết kiệm thời gian, chi phí giao dịch. Giải pháp định danh điện tử eKYC được áp dụng trong việc định danh khách hàng được rất nhiều ngân hàng, công ty tài chính áp dụng thành công. Việc thực hiện vay qua ứng dụng hay áp dụng công nghệ eKYC giúp người dân tiếp cận các khoản vay tiêu dụng một cách nhanh chóng, thuận tiện thông qua hệ thống tài chính chính thống thay vì phải tìm đến tín dụng đen. Tuy nhiên, do dữ liệu khách hàng, người dân còn rời rạc, chưa được liên kết, đồng bộ với nhau, đặc biệt là dữ liệu về dân cư của Việt Nam chưa hoàn chỉnh. Điều này cũng là kẻ hở để kẻ gian lợi dụng thực hiện các hành vi phạm pháp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Liên quan đến vấn đề này, FE CREDIT – một công ty tài chính tiêu dùng cho biết, hiện công ty này đã và đang không ngừng cải thiện hệ thống quản trị rủi ro cũng như quy trình vận hành của mình. “Cụ thể, FE CREDIT đã gia tăng thêm nhiều bước xác thực dữ liệu trong quá trình định danh khách hàng nhằm ngăn chặn tối đa những hành vi gian lận, vi phạm pháp luật. Song song với đó, FE CREDIT tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp ngăn chặn rủi ro từ các hành vi gian lận tín dụng”.
Như vậy, việc ứng phó với vấn đề phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đòi hỏi phải có một hệ thống giải pháp đồng bộ, với sự chung tay của người dân và nhiều đơn vị khác khác nhau thì mới thật sự mang lại hiệu quả vì đây là cuộc chiến lâu dài và nhiều thách thức.