Chọn người gánh vác việc dân, việc nước
Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã đến gần. Công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đang được chuẩn bị khẩn trương với tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch với mục đích cuối cùng là lựa chọn được những người xứng đáng lo gánh vác việc cho dân, cho nước.
Ngày 15/3, Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội và Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị bàn giao danh sách trích ngang, hồ sơ người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026. Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà, đến chiều ngày 14/3, Ủy ban Bầu cử thành phố đã tiếp nhận 72 hồ sơ ứng cử ĐBQH, gồm: Danh sách trích ngang, lý lịch ứng cử, bản tiểu sử tóm tắt, bản kê tài sản thu nhập cá nhân; 188 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND thành phố, gồm: Danh sách trích ngang, bản sao tiểu sử tóm tắt, bản kê khai tài sản thu nhập cá nhân.
Tiếp nhận hồ sơ, bà Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết Mặt trận sẽ thực hiện các bước giám sát bảo đảm theo quy định pháp luật, đúng tiến độ và yêu cầu theo hướng dẫn của Trung ương, thành phố; đảm bảo sự bình đẳng của tất cả các ứng cử viên, để công tác bầu cử thành công và thắng lợi.
Tại Đà Nẵng, cũng đã chốt danh sách 11 hồ sơ ứng cử ĐBQH khóa XV và 105 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND TP khóa X. Trong số 11 hồ sơ có 1 hồ sơ tự ứng cử cả 2 chức danh ĐBQH và đại biểu HĐND. Đáng chú ý, trong danh sách này, lần đầu tiên có người của huyện đảo Hoàng Sa.
Tại TP Hồ Chí Minh, đến ngày 15/3, Ủy ban Bầu cử thành phố đã tiếp nhận 54 hồ sơ ứng cử ĐBQH và 173 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND. Trong 54 hồ sơ ứng cử ĐBQH, có 16 hồ sơ tự ứng cử. Trong số 173 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND có 13 hồ sơ tự ứng cử. TPHCM cũng có 8 người tự ứng cử ở cả 2 cấp, vừa tự ứng cử ĐBQH, vừa tự ứng cử đại biểu HĐND thành phố.
Tại các địa phương khác trong cả nước, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử cũng đang được tiến hành khẩn trương, chu đáo.
Với vai trò, trọng trách trong cuộc bầu cử, thời gian qua MTTQ Việt Nam các cấp đã khẩn trương, tích cực vào cuộc. Gần đây, ngày 4/3, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Hội nghị đã tập trung thảo luận về Kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác bầu cử. Dự kiến từ ngày 15/3 đến ngày 13/4 sẽ bắt đầu đợt 1 kiểm tra, giám sát công tác bầu cử. Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức 5 đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử. Mỗi đoàn kiểm tra giám sát tổ chức đi kiểm tra, giám sát tại 3 địa phương cấp tỉnh và 1 địa phương cấp huyện ở mỗi tỉnh.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn - Trưởng Ban Chỉ đạo công tác bầu cử UBTƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, việc tổ chức các đoàn giám sát phải thiết thực, tránh trùng lặp. Qua công tác kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai công tác bầu cử ở địa phương, những vi phạm pháp luật về bầu cử (nếu có) để hướng dẫn, chỉ đạo hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm khắc phục kịp thời nhằm bảo đảm cho cuộc bầu cử thực sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của nhân dân.
Chọn người vào cơ quan dân cử cũng là chọn người đứng ra gánh vác việc dân, việc nước. Chính vì thế, công tác chuẩn bị nhân sự là vô cùng quan trọng, sẽ quyết định thành công của cuộc bầu cử. Cùng với các cơ quan được giao trọng trách kiểm tra, hoàn chỉnh hồ sơ người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND thì lá phiếu của mỗi cử tri có tầm quan trọng đặc biệt. Vì thế, không để lọt vào danh sách giới thiệu người ứng cử để cử tri bỏ phiếu; mặt khác cử tri cũng cần hiểu rõ về người mình sẽ bỏ phiếu (hay không).
Vai trò của ĐBQH cũng như đại biểu HĐND thể hiện rõ nhất ở chỗ gần dân, biết lắng nghe và có ý kiến để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân cũng như góp phần gỡ những vướng mắc về chính sách, chí công vô tư, vì sự lớn mạnh của đất nước. Vì thế, người đại biểu của dân phải có tâm, có tầm, có bản lĩnh và phải là người biết đặt quyền lợi của dân, của nước lên trên hết.
Tại những kỳ họp Quốc khội khóa XIV, cử tri và nhân dân cả nước rất vui mừng khi chứng kiến nhiều vị ĐBQH đưa ra những ý kiến sắc sảo, mạnh mẽ, đi đến cùng vấn đề. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội khóa XIV là nhiệm kỳ Quốc hội thành công và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, nhân dân giao cho. Quốc hội đã tạo điều kiện cho các vị đại biểu tranh luận, tạo không khí hội trường cởi mở. Sự “phản biện” của các ĐBQH rất sâu sắc, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân, qua đó phản ánh hơi thở của cuộc sống.
Từ đó, chúng ra kỳ vọng vào Quốc hội khóa XV cũng như các vị đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026. Mà muốn thế thì công tác chuẩn bị, chọn cho được những người xứng đáng gánh vác việc dân, việc nước là vô cùng quan trọng.