Lập biên bản... lấy lệ
Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng vừa có văn bản yêu cầu Thành ủy Bảo Lộc phải có biện pháp giải quyết rốt ráo biệt thự hơn 300m2 xây dựng không phép vi phạm ngay trong khu vực đất quy hoạch, hành lang hồ Nam Phương. Ngoài việc xử lý chủ công trình, những cán bộ quản lý có liên quan cũng phải xử lý nghiêm khắc.
Lâu nay, nhiều công trình xây dựng không phép, sai phép vô tư mọc lên, nhưng khi truy cứu lại chẳng phải trách nhiệm của ai cả. Đơn giản là trong hồ sơ của chính quyền địa phương, hay cơ quan quản lý về trật tự xây dựng không bao giờ thiếu biên bản yêu cầu chủ công trình dừng xây dựng, giữ nguyên hiện trạng ban đầu.
Vấn đề ở chỗ, biên bản chỉ lập ra để cho có, chứ nó không được những người thực thi công vụ và cơ quan quản lý giám sát, thực hiện. Ai cũng biết câu chuyện biên bản yêu cầu chủ công trình xây dựng giữ nguyên hiện trạng chỉ là thứ “phù phép” để “che mắt” cấp trên, để thoát êm mỗi khi sự việc vỡ lở, chứ không có giá trị gì trên thực tế.
Nói việc lập biên bản không có giá trị với chủ công trình xây dựng có vẻ hơi quá, bởi pháp luật phải được thượng tôn và mọi người buộc phải tuân theo. Song, vì có sự nhấm nháy, nhận lót tay để làm ngơ của một số địa phương, cán bộ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn nên cái biên bản kia lại chỉ là “lá bùa hộ mệnh” cho họ mà thôi.
Khi sự việc xây dựng không phép, sai phép bị người dân tố cáo, cơ quan chức năng vào cuộc, cấp trên hỏi đến, việc đầu tiên của chính quyền địa phương và cán bộ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn là trình ra biên bản giữ nguyên hiện trạng. Lúc đó, hầu như chẳng ai hỏi: Yêu cầu giữ nguyên hiện trạng sao công trình vẫn hoàn thành?
Thực ra là cũng chẳng cần hỏi làm gì, bởi ai cũng biết chỉ có sự làm ngơ, buông lỏng quản lý của những người có trách nhiệm, thì công trình xây dựng không phép, sai phép mới có thể ngang nhiên mọc lên được. Song, để xử lý trách nhiệm của cá nhân nào đó trong câu chuyện xây dựng không phép, sai phép thì có vẻ như... hơi khó.
Đó là lý do mà có rất nhiều chính quyền cơ sở, rất nhiều cán bộ quản lý trật tự xây dựng không biết sợ, vô tư cầm lót tay, nhấm nháy tiêu cực rồi “mắt nhắm mắt mở” cho chủ công trình ngang nhiên xây dựng công trình không phép, sai phép. Chỉ đến khi sức ép dư luận lớn quá, cấp trên của họ mới buộc phải hỏi đến và xử lý sự việc.
Lẽ tất nhiên là khi có cái “gật đầu” của những người có trách nhiệm, những người thực thi công vụ trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng, các chủ công trình dại gì không “làm tới”, vô tư xây dựng công trình. Và hệ lụy tất yếu là những công trình xây dựng không phép, sai phép cứ thế mà mọc lên thi gan cùng tuế nguyệt.
Nhiều địa phương sau đó phải rất vất vả, tiêu tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để xử lý những công trình xây dựng không phép, sai phép “khủng”. Hà Nội là ví dụ điển hình về việc “chạy theo” để xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Vô số tiền thuế của dân phải chi ra để khắc phục hậu quả từ việc một số cá nhân thực thi công vụ trục lợi.
Nói có sách, mách có chứng. Trong số rất nhiều công trình xây dựng không phép, sai phép những năm qua, tòa nhà 8B Lê Trực ở TP Hà Nội là một ví dụ sống động. Phải mất tới gần 10 năm, sau nhiều lần họp bàn căng thẳng, các cơ quan chức năng của Hà Nội mới có thể xử lý dứt điểm công trình xây dựng sai phép này.
Trong vụ tòa nhà 8B Lê Trực xây dựng sai phép, một số cán bộ, công chức, viên chức liên quan đã bị xử lý kỷ luật. Song, trong nhiều vụ việc xây dựng không phép, sai phép ở nhiều địa phương, các cán bộ chính quyền cơ sở và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn hầu như chỉ bị “nhắc nhở nhẹ”, mà không bị bất cứ hình thức kỷ luật nào.
Vì thế, hiện đang có xu hướng nhu nhơ, nhờn luật của không ít cán bộ, công chức, viên chức. Khi mà vô tư nhận tiền, nhấm nháy cho chủ đầu tư xây dựng công trình không phép, sai phép mà không bị làm sao cả, thì có lý do gì để họ phải sợ, phải kiêng dè? Nhận một mớ tiền để rồi “rút kinh nghiệm sâu sắc”, có ai là không muốn?
Lý do khiến cán bộ chính quyền cơ sở, cán bộ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn hầu như không bị xử lý chính là vì có “lá bùa biên bản” yêu cầu chủ công trình giữ nguyên hiện trạng. Họ không ngần ngại “gân cổ” lên cãi rằng, chúng tôi đã làm hết trách nhiệm, đã lập biên bản nhưng chủ công trình vẫn cố tình thì biết phải làm sao? Vì thế, đã đến lúc cần có biện pháp chấm dứt nạn lập biên bản... lấy lệ.