Làn sóng đua tăng lãi suất quay trở lại?
Một số ngân hàng đang tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm để hút tiền nhàn rỗi trong dân. Điều này khá bất ngờ bởi thanh khoản thị trường hiện khá dồi dào, cầu tín dụng chưa tăng cao.
Ngân hàng điều chỉnh lãi suất
Hiện nay trên thị trường đã có một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Cụ thể Techcombank đã tăng mạnh lãi suất tiền gửi ở tất cả các kỳ hạn, phổ biến cao hơn 0,4-0,7 điểm phần trăm. Đơn cử như trường hợp khách hàng thường, dưới 50 tuổi với khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, lãi suất kỳ hạn 3 tháng tăng lên 3, 2%/năm, kỳ hạn 6 tháng tăng lên 4,4%/năm.
Tại VPBank, đã tăng lãi huy động ở các kỳ hạn 2-5 tháng, phổ biến là 0,2 điểm phần trăm. Hay Sacombank cũng lãi suất tiết kiệm từ 0,1 đến 0,2 điểm phần trăm với tất cả kỳ hạn. Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng tăng 0,1 điểm phần trăm còn kỳ hạn từ 3 tháng trở lên tăng 0,2 điểm phần trăm.
Động thái tăng lãi suất tiền gửi của Techcombank khá bất ngờ trong bối cảnh cầu tín dụng chưa đột phá. Cụ thể số liệu tính đến ngày 23/2/2021 cho biết, tín dụng với nền kinh tế tăng 0,26%
Đánh giá về động thái tăng lãi suất huy động, nhiều ý kiến cho rằng, việc lãi suất huy động bật lên chỉ xảy ra cục bộ ở một số ngân hàng, không phải xu hướng chung của thị trường. Cũng theo thống kê sơ bộ, lãi suất huy động có tăng nhẹ ở một vài ngân hàng với một số kỳ hạn, áp dụng cho khách hàng có những khoản tiền gửi lớn, thời gian gửi dài. Mức tăng lãi suất huy động khoảng 0,2-0,5 điểm phần trăm cho một số kỳ hạn.
Lãnh đạo Ngân hàng BIDV mới đây đã chia sẻ, năm 2021, quan điểm của cơ quan quản lý là yêu cầu chính sách tiền tệ linh hoạt, ổn định để đảm bảo phục vụ nền kinh tế. Hơn nữa, lãi suất liên ngân hàng đang ở mức đáy, cùng nguồn vốn dồi dào từ Tết, tín dụng chưa được đẩy mạnh nên lãi suất trong ngắn hạn chưa thể tăng nhiều.
Trong khi đó, bên cạnh việc một số ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động tăng, một số khác giảm lãi suất huy động. Cụ thể OCB, Kienlongbank, SeABank, PGBank, GPBank, DongABank, VietABank, lãi suất giảm từ 0,05 đến 0,3 điểm phần trăm.
Khác với việc điều chỉnh tăng lãi suất tăng, nhiều ngân hàng không tăng mức lãi suất tiền gửi mà tung ra nhiều gói giảm lãi suất để thu hút khách hàng. Theo Ông Trần Quốc Anh, Giám đốc khối Khách hàng cá nhân HDbank cho biết, hiện HDBank vẫn đang trong trạng thái giảm lãi suất gửi để thực hiện các chương trình giảm lãi suất vay, giúp khách vay vốn giá tốt.
“Thay vào đó, chúng tôi vừa tiếp tục giảm sâu lãi suất gói Swift SME 5.000 tỷ đồng, dành cho các khách hàng có nhu cầu bổ sung nguồn vốn và đáp ứng các điều kiện tín dụng chuẩn SME của HDBank, lãi suất chỉ từ 6,2%/năm. Chương trình nhằm hỗ trợ, tiếp sức kịp thời cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ổn định hoạt động sản xuất, vượt qua vùng nhiễu động do dịch bệnh và tăng trưởng”- ông Quốc Anh nói.
Áp lực tác động lãi suất
Dù việc tăng lãi suất không phổ biến nhưng cũng phải nói rằng, lãi suất hiện nay đang chịu nhiều áp lực.
Chẳng hạn, trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát và việc tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 được triển khai sẽ là những yếu tố tích cực thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh quay trở lại nhịp điệu bình thường. Khi đó cầu tín dụng tăng thì ngân hàng sẽ phải chuẩn bị nguồn vốn để phục vụ, đẩy lãi suất huy động tăng.
Chưa hết, yếu tố lạm phát đang có biểu hiện quay trở lại khi chỉ số CPI tháng 2/2021 tăng 1,52% - mức tăng cao nhất của tháng 2 trong 8 năm - cũng là con số cần phải dè chừng. Do vậy trong tháng 3/2021 dưới tác động nhiều chiều như lạm phát, cầu tín dụng, tác động của thị trường thế giới… lãi suất sẽ chịu nhiều ảnh hưởng.
TS Võ Trí Thành nói rằng, những tác động của thị trường thế giới cùng với sự phục hồi của nền kinh tế sẽ khiến cầu tín dụng tăng nhanh, gây áp lực lên lãi suất. Nếu tiếp tục “ghìm” mặt bằng lãi suất xuống, rủi ro tài chính sẽ hiện hữu, đặc biệt là nguy cơ dòng tiền tháo chạy khỏi ngân hàng, đổ sang các kênh đầu tư khác.
Giới chuyên gia cho rằng, lãi suất hiện đang chạm đáy. Nếu lãi suất tiếp tục giảm, thì sẽ khó thu hút được tiền gửi dân cư để phục vụ nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp khi nền kinh tế phục hồi.
Trong khi đó chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định, lạm phát và lãi suất nếu tăng cũng sẽ diễn ra từ từ. Năm nay, lạm phát của Mỹ khó vượt 2%. Tương tự, lạm phát của Việt Nam khả năng vẫn giữ được dưới 4% như mục tiêu của Chính phủ. Lãi suất sẽ tăng dần từ cuối tháng 3/2021, song mức tăng sẽ không quá lớn.
Theo giới chuyên gia kinh tế, lãi suất tăng không hoàn toàn xấu. Thực tế, điều hành lãi suất tiền gửi phải hài hòa lợi ích của người gửi, người vay và ngân hàng; lãi suất quá thấp sẽ khiến dòng tiền chảy vào các kênh đầu cơ không có lợi cho nền kinh tế.