Cảng biển du lịch vẫn lu mờ
Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam thông tin, giai đoạn 2015-2019, số lượng hành khách đường biển có mức tăng trưởng bình quân đạt gần 38% (năm 2019 đạt 7,5 triệu hành khách), số lượt tàu biển tăng 5,3% và số lượt phương tiện thủy nội địa tăng gần 23%.
Từ đó, tại Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Cục Hàng hải chủ trì xây dựng, lượng hành khách qua cảng biển Việt Nam dự báo sẽ đạt hơn 10 triệu lượt khách/năm vào năm 2030 và từ 14,4 - 15,1 triệu lượt khách/năm vào năm 2050.
Cụ thể, đối với từng nhóm cảng, năm 2030, nhu cầu hành khách du lịch bằng đường biển qua nhóm cảng biển số 1 (từ Quảng Ninh đến Ninh Bình) dự báo đạt từ 162.000 - 164.000 lượt; Nhóm cảng số 2 (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế) đạt từ 245.000 - 257.000 lượt; Nhóm cảng số 3 (từ Đà Nẵng đến Bình Thuận) đạt khoảng 2 triệu lượt; Nhóm cảng số 4 (các cảng biển Vùng Đông Nam bộ) đạt khoảng 1,8 triệu lượt; Nhóm cảng số 5 (các cảng biển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long) đạt khoảng 6,2 triệu lượt.
Đến năm 2050, nhóm cảng số 1 dự kiến có khoảng 256.000 lượt khách thông qua; Nhóm cảng biển số 2 khoảng 205.000 lượt; Nhóm cảng biển số 3 khoảng 3,2 triệu lượt; Nhóm cảng biển số 4 khoảng 2,4 triệu lượt và Nhóm cảng biển số 5 dự báo có khoảng 9 triệu lượt khách thông qua.
Tuy nhiên, dù lượng hành khách qua cảng biển dự báo sẽ tăng mạnh trong giai đoạn tới, song, theo đại diện Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA), hệ thống cảng khách tại Việt Nam còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng.
Ngoài hai cảng chuyên dụng được đầu tư xây dựng tại Hòn Gai (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang), đa phần các cảng đều kết hợp vừa tiếp nhận tàu hàng, vừa tiếp nhận tàu khách. Do đó có không ít đề nghị các địa phương sở hữu cảng cần quảng bá, khuyến khích và có các hình thức ưu đãi với doanh nghiệp để đầu tư các bến cảng chuyên dụng tiếp nhận tàu khách du lịch quốc tế. Thông qua kêu gọi nhà đầu tư, các thành phần kinh tế cùng tham gia mới có thể tăng số lượng cảng chuyên dụng cho du lịch tàu biển trong thời gian gần.
Ở một góc nhìn khác, TS Trần Đình Thiên đánh giá, cảng của Việt Nam phần lớn mới chỉ là cảng chở hàng, vì hiện tại công nghiệp của chúng ta vẫn còn thô sơ, do vậy lợi ích kinh tế vẫn thấp. “Ngoài chức năng của riêng các vùng kinh tế trọng điểm, Việt Nam cần khai thác tối đa các chức năng cảng công nghiệp, cảng hàng hoá, cảng du lịch gắn với đặc điểm của từng vùng kinh tế trọng điểm một cách đồng bộ”- TS Thiên gợi mở.
Thực tế, các cảng du lịch của Việt Nam còn bị lu mờ. Bởi vậy, trong tầm nhìn chiến lược cấp quốc gia cần đề cao việc phát triển các cảng biển du lịch nhằm phát huy hết công năng của các cảng biển ở những địa phương ven biển.