Ăn cá giảm nguy cơ tử vong cho bệnh tim mạch

B.Phúc (tổng hợp) 17/03/2021 19:44

Các nhà khoa học Canada mới đây khẳng định, việc ăn các loại cá béo (như cá hồi, cá thu, cá trích, cá ngừ) với định lượng 2 phần/tuần có thể giúp giảm nguy cơ tử vong cho người mang bệnh lý về tim mạch.

Các nhà khoa học Canada mới đây khẳng định, việc ăn các loại cá béo (như cá hồi, cá thu, cá trích, cá ngừ) với định lượng 2 phần/tuần có thể giúp giảm nguy cơ tử vong cho người mang bệnh lý về tim mạch.

Kết luận trên được nhóm chuyên gia tại Ðại học McMaster đưa ra sau khi phân tích dữ liệu sức khỏe của gần 192.000 người tại 58 quốc gia, trong đó có 51.000 bệnh nhân tim mạch. Họ nhận thấy việc tiêu thụ tối thiểu 175g cá béo/tuần - tương đương 2 phần cá/tuần - đã giúp nhóm bệnh nhân tim mạch giảm tỷ lệ đột tử và tử vong nói chung tương ứng là 21% và 18%, đồng thời cũng giảm được 16% rủi ro trải qua các biến cố tim mạch như đau tim và đột quỵ trong vòng 10 năm tiếp theo. Tuy nhiên, lợi ích bảo vệ này lại không được phát hiện ở những người có sức khỏe bình thường, dù rằng thành phần axít béo omega-3 trong thịt cá béo vốn nổi tiếng là giúp cải thiện sức khỏe tim mạch nói chung.

Ðáng chú ý, nhóm chuyên gia nhận thấy việc ăn nhiều hơn 2 phần cá/tuần không mang lại lợi ích bảo vệ gì cho tim. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các dạng bệnh tim mạch khác nhau là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu, cướp đi sinh mạng của khoảng 17,9 triệu người mỗi năm.

Hạt mè có thể chữa bệnh Parkinson

Với người già, hội chứng liệt rung (Parkinson) là một rối loạn thần kinh tiến triển làm suy giảm khả năng vận động, với các triệu chứng phổ biến bao gồm run tay, mất thăng bằng và nói lắp. Bệnh này chưa có phương pháp điều trị dứt điểm.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Thành phố Osaka (Nhật Bản) vừa phát hiện sesaminol, một hoạt chất tự nhiên có trong hạt mè, có thể giúp bảo vệ hai mục tiêu tấn công chính của Parkinson là các tế bào thần kinh và nồng độ chất dẫn truyền thần kinh dopamine trong cơ thể.

Ở người mắc Parkinson, bệnh tình khiến các tế bào thần kinh thuộc vùng não phụ trách khả năng vận động bị phá vỡ và chết đi do tình trạng stress ôxy hóa gây tổn thương tế bào. Qua các thử nghiệm, các chuyên gia phát hiện sesaminol giúp đẩy lùi tình trạng stress ôxy hóa bằng cách điều chỉnh việc sản xuất các loại ôxy phản ứng (ROS) và các chất chống ôxy hóa.

Sau khi thử nghiệm trên tế bào, họ nhận thấy sesaminol giúp chống lại nguy cơ tổn thương tế bào thần kinh bằng cách thúc đẩy sự chuyển động của Nrf2, một prôtêin phản ứng với stress ôxy hóa, đồng thời cũng làm giảm sản xuất ROS nội bào. Còn khi cho chuột mắc Parkinson dùng chế độ ăn chứa sesaminol trong 36 ngày, họ nhận thấy nồng độ dopamine của chúng đã tăng lên, khả năng vận động và chức năng vận động đường ruột cũng được cải thiện đáng kể.

Hiện nhóm chuyên gia đang tiếp tục nghiên cứu tiềm năng dùng sesaminol chữa trị Parkinson trên người.

B.Phúc (tổng hợp)