Tấn công vào ‘rừng thủ tục’
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 5 năm hoạt động Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, sáng 16/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao kết quả của Tổ công tác. 5 năm qua Tổ công tác của Thủ tướng đã tiến hành 104 cuộc kiểm tra với 22 bộ, cơ quan ngang bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ, 44 địa phương, 12 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Thủ tướng cho rằng, Tổ công tác đã làm việc với tinh thần quyết liệt, không ngại va chạm.
Cũng chính với tinh thần đó trong 5 năm qua, nhiều công việc tưởng chừng hết sức khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian mới có thể hoàn thành thì đều đã hoàn thành sớm. Nói như Thủ tướng, những đợt kiểm tra ấy với mục đích khắc phục tình trạng “bắn chỉ thiên”, “trên bảo dưới không nghe”, “phép vua thua lệ làng”. Và cũng chính vì thế mà có thể dần siết chặt kỷ cương phép nước.
Mục đích chính của Tổ công tác được Thủ tướng thành lập những năm trước do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng là Tổ trưởng là để cùng với những biện pháp khác giải quyết ách tắc, cởi trói cho sản xuất, không để các cơ quan chậm trễ, không bỏ quên, bỏ sót việc.
Một việc rất quan trọng mà Tổ công tác của Thủ tướng hoàn thành xuất sắc chính là rà soát để cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà, ngáng trở sự phát triển. Điều này đã giúp khắc phục một phần quan trọng tình trạng “tham nhũng chính sách”, “cài cắm”, tạo rào cản, giấy phép con… gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Cải cách thủ tục hành chính là vấn đề cực kỳ quan trọng để tạo điều kiện tốt cho người dân, cho doanh nghiệp. Những năm gần đây, dư luận xã hội đều thống nhất đánh giá rằng nhiều thủ tục đã được gỡ bỏ, thuận lợi hơn nhiều so với trước. Người dân giờ đã ít ngại hơn khi có việc phải đến “cửa quan” vì khi thủ tục đã được lược bớt thì người thực thi công vụ cũng khó có “cửa” để hạch sách, vòi vĩnh.
Từ đó, thái độ của đội ngũ công chức, viên chức phục vụ người dân đã nâng lên rất nhiều. Đó là thành công rất quan trọng trong quá trình xây dựng một chính quyền vì dân, phục vụ nhân dân thay vì lối lợi dụng quyền được giao để trục lợi, làm khó, làm khổ nhân dân.
Với cộng đồng doanh nghiệp, những năm qua đã chứng kiến lần lượt rất nhiều thủ tục được loại bỏ. Đó là những thủ tục lạc hâu, đã thành hủ tục cản trở sự năng động, chủ động của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp, thời gian là vàng. Nếu thời gian cứ trôi qua mà thủ tục không được giải quyết thì sẽ mất cơ hội. Một lần mất cơ hội, vài lần mất cơ hội sẽ dần đến “cái chết lâm sàng”, nặng nề hơn là phá sản.
Chính những thủ tục rườm rà phiền toái đã tạo kẽ hở cho một số người trục lợi. Từ đó mới sinh ra tệ nạn “lót tay”, “bôi trơn” làm nhức nhối xã hội. Và cũng từ đó, đã có thời phổ biến như một thứ “văn hóa phong bì”, từ đó mà thành nạn tham nhũng vặt rất đau lòng.
Loại bỏ thủ tụ rườm rà, lạc hậu đi cùng với minh bạch các thủ tục, điều kiện trong quá trình xây dựng Chính phủ số, Chính phủ kiến tạo đã thổi luồng gió mới đầy hứng khởi vào xã hội. Năm 2020, trong bối cảnh vô cùng khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, nhưng kinh tế đất nước không bị gẫy đổ. GDP của Việt Nam vẫn đạt 2,91%, được thế giới đánh giá cao.
Nền kinh tế vượt bão thành công có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó cần phải ghi nhận có công của việc đơn giản hóa thủ tục hành chính được tiến hành từ những năm trước. Điều đó giúp cho các ngành, các địa phương và cả cộng đồng doanh nghiệp trở nên năng động hơn, “tự quyết” được nhiều việc hơn. Khi mà sự trói buộc của “rừng thủ tục”, “núi” công văn giấy tờ, chỉ thị được gỡ bỏ cũng là lúc doanh nghiệp thoát khỏi “virus trì trệ”, tự mình tìm ra được giải pháp thích hợp cho mình để vượt qua khó khăn.
Nếu như trước đây, trong lĩnh vực xuất nhập khẩu có nhiều ta thán về thủ tục, về thái độ thì trong năm 2020 xã hội ghi nhận có sự đổi khác rất mạnh mẽ. Cũng chính vì thế nên trong lúc hầu hết các thị trường xuất nhập khẩu quen thuộc của Việt Nam đóng cửa thì doanh nghiệp Việt Nam vẫn tìm được lối đi. Nếu vẫn tự bó nhau bằng thủ tục giấy tờ thì làm sao chúng ta có được con số xuất siêu lên tới 19 tỉ USD trong cái năm vô vàn khó khăn ấy.
Nhưng, không phải mọi sự đã hanh thông. Thủ tục hành chính phức tạp đem đến lợi ích cục bộ cho một ngành nào đó, địa phương nào đó và như đã nói cũng sẽ tạo khe hở cho những đối tượng thoái hóa biến chất “kiếm chác”. Vẫn còn nhiều việc phải làm. Thủ tục hành chính ở nhiều lĩnh vực vẫn còn tiếp tục phải gỡ bỏ.
Chỉ xin nêu một ví dụ: Khi mà Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục - Đào tạo bỏ “2 giấy phép con” là chứng chỉ Tin học và chứng chỉ Ngoại ngữ, biết bao người đã thoát khỏi gánh nặng đè trĩu đôi vai. Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ thế là đã bớt đi ít “điều kiện cần” nhưng thực chất không cần gì cả. Nhưng cũng trong công tác tuyển dụng , bổ nhiệm vẫn phức tạp do còn nhiều đòi hỏi lắm, cũng là từ nạn “điều kiện” mà ra.
Vì thế, “cuộc chiến đấu” với rào cản thủ tục, với những điều kiện vô lý vẫn phải tiếp diễn, cần làm mạnh hơn nữa. Tiếp đà và lợi ích rõ ràng của những năm qua khi tiến hành loại bỏ những thủ tục, điều kiện vô lý, hy vọng ngay trong năm 2021 này và những năm tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp tục tấn công vào “rừng thủ tục”, phá vỡ cái thành trì lạc hậu ấy để có những bước tiến nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, vững chắc hơn.