Gỡ nút thắt để đường sắt phát triển

Hạnh Nhân 18/03/2021 07:15

“Đường sắt phải tự động hóa, hiện đại hóa, phải kết nối trục trung tâm với các vùng miền, các đô thị gắn với bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu và văn hóa”.

Sửa chữa hạ tầng tuyến đường sắt Bắc-Nam.

Đó là kiến nghị của TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tại cuộc họp về dự thảo quy hoạch 5 lĩnh vực đường thủy, đường bộ, hàng không, hàng hải, đường sắt giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ GTVT tổ chức ngày 16-17/3, tại Hà Nội.

Gỡ những nút thắt

Chỉ đạo tại cuộc họp rà soát 5 quy hoạch chuyên ngành GTVT giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, Quy hoạch Kết cấu hạ tầng đường thủy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chưa có nhiều đột phá, chưa có sự phân tích, dự báo chi tiết về khả năng thu hút hàng hóa của cảng đường thủy, cảng cạn, vận tải ven bờ trên các tuyến hành lang.

Theo Bộ trưởng, trong quy hoạch sự cần thiết phải đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, và phải phân tích rõ các dự báo về nhu cầu, có so sánh với năng lực của các phương tiện khác trên các hành lang, cự ly vận chuyển. Từ đó, định hướng, lập kế hoạch đầu tư từng giai đoạn. Mặt khác, phải nghiên cứu, hoạch định các ga đường sắt có thể kết nối với cảng biển lớn để tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, có thể bằng đường sắt hoặc bằng đường bộ.

“Về mạng lưới đường sắt, Quy hoạch lần này gần như không thay đổi so với các quy hoạch trước vì các tuyến định hướng phát triển trước đây đã đưa hết vào rồi. Nhưng thực hiện không đạt yêu cầu. Do đó, tại Quy hoạch tới cần tập trung giải quyết những nút thắt, những nội dung để làm sao khai thác tốt, hiệu quả”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, quy hoạch cũng chưa chỉ ra được vấn đề kết nối giữa phương thức đường thủy nội địa với đường bộ, đường sắt, cảng biển thế nào, những điểm nghẽn nào đang tồn tại. Tất cả những vấn đề đó nếu không được đánh giá chi tiết thì rất khó kêu gọi đầu tư.

Đề xuất cơ chế thực hiện, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nêu giải pháp đẩy mạnh về cơ chế đầu tư, khai thác hạ tầng đường sắt ngoài Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, để quản lý hiệu quả. “Chúng ta đang ở khoảng những năm 70 thế kỉ XX của đường sắt các nước khác. Do đó, phải nghiên cứu kĩ cơ chế đầu tư, mô hình trong lĩnh vực đường sắt”- Thứ trưởng Đông lưu ý.

“ODA là sát thủ kinh tế”

TS Đặng Huy Đông - Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển thẳng thắn bày tỏ, cần từ bỏ tư duy ỷ lại vào nguồn vốn ODA mà một số đối tác gạ gẫm. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy “ODA là sát thủ kinh tế”, không chỉ trên lý thuyết, mà đã và đang diễn ra trên thực tế, không chỉ xảy ra trên thế giới mà đang hiện hữu sờ sờ ngay trên đất nước ta nhiều năm qua.

Đó là chính sách “ngoại giao nợ nần”, đẩy giá thành công trình lên cao, phi cạnh tranh còn tệ hơn cả cho vay nặng lãi, xui làm những dự án không hiệu quả như: Xây cảng ở nơi khuất nẻo, khó tiếp cận, không gần chân hàng; nhà máy điện khí xây xong trước hàng chục năm chờ nguồn khí khai thác; đường sắt đô thị điều chỉnh giá gấp đôi so với dự toán…) dẫn đến sự phụ thuộc và thao túng chính sách, thao túng sự phát triển độc lập tự chủ của quốc gia.

Ở một góc nhìn khác, ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chia sẻ: Thời gian qua, giới chuyên gia đã phân tích sau sắc nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó và đưa ra rất nhiều giải pháp thực tiễn khoa học. Theo đó, mục tiêu phát triển phải dựa trên vai trò, vị trí của đường sắt trong thời kỳ mới với một quy hoạch dũng cảm, phân tích tồn tại và giải pháp phù hợp với kinh tế thị trường, chiến lược, khoa học và đổi mới tư duy.

Ông Dũng kiến nghị: “Đường sắt phải tự động hóa, hiện đại hóa, phải kết nối trục trung tâm với các vùng miền, các đô thị gắn với bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu và văn hóa”. Theo ông Dũng, công nghệ phải được quan tâm từ đầu máy, toa xe, khổ đường, nhà ga, lựa chọn công nghệ hợp lý gắn với thành quả của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, phải học tập kinh nghiệm của các nước phát triển để không lặp lại những sai lầm.

“Đặc biệt trong đầu tư, phải xác định rõ ai đi đường sắt? Đi đường sắt loại nào, cao tốc hay thấp tốc? Để từ đó có giải pháp cải tạo, nâng cấp, xây mới một cách rõ ràng và hiệu quả”- TSKH Phan Xuân Dũng gợi mở.

Về mạng lưới đường sắt, Quy hoạch lần này gần như không thay đổi so với các quy hoạch trước vì các tuyến định hướng phát triển trước đây đã đưa hết vào rồi. Nhưng thực hiện không đạt yêu cầu. Do đó, tại Quy hoạch tới cần tập trung giải quyết những nút thắt, những nội dung để làm sao khai thác tốt, hiệu quả - Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Hạnh Nhân