Sân khấu và cú hích đại dịch
Vượt lên mọi khó khăn sau một thời gian phải dừng mọi hoạt động bởi dịch Covid-19, các sân khấu đang bắt tay xây dựng và công diễn hàng loạt chương trình mới phục vụ khán giả.
Sự trở lại mạnh mẽ
Cùng như nhiều ngành nghề khác, khi dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát vào dịp trước Tết Nguyên đán Tân Sửu đã không khỏi làm hàng loạt sân khấu lao đao. Nhiều đơn vị dù đã có kế hoạch thậm chí bán hết vé các chương trình phục vụ khán giả trong dịp Tết đều phải thông báo hoãn, huỷ vô thời hạn. Cá biệt như Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội từ đầu năm đến nay chưa một lần được “sáng đèn” biểu diễn. Chính những khó khăn chung này đã khiến nhiều nghệ sĩ phải chuyển hướng sang làm xe ôm, bán hàng online… để có thêm thu nhập.
Theo NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết, hiện các nhà hát không được dùng khoản chi thường xuyên (từ ngân sách nhà nước) để trả lương cho các nghệ sĩ có hợp đồng ngắn hạn, phải dùng nguồn thu từ bên ngoài. Tuy nhiên, do không thể biểu diễn thường xuyên, họ không có nguồn thu. Hiện biên chế dành cho các nghệ sĩ trẻ không có, buộc nhà hát phải ký hợp đồng ngắn hạn. Hai tháng đầu năm đơn vị chỉ trả được lương trong biên chế, còn lương hợp đồng thì không có.
Tuy nhiên, vượt lên mọi khó khăn khi dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát hàng loạt các sân khấu đã đồng loạt “sáng đèn” như một sự quyết tâm không lùi bước. Tiên phong, cho sân khấu Thủ đô là Nhà hát Múa Rối Việt Nam với 3 buổi diễn thành công với hai chương trình nghệ thuật mới “Trăng đất Việt” và “Con yêu mẹ”, thu hút được đông đảo khán giả thiếu nhi đến tham gia. Dự kiến vào ngày 25/3 và 26/3, Nhà hát Múa rối Việt Nam sẽ tiếp tục biểu diễn phục vụ khán giả.
Cũng trở lại nhanh chóng sau thời gian phòng chống dịch, tối 13/3, Nhà hát Tuổi trẻ cũng đã “sáng đèn” trở lại với chương trình ca nhạc - hài kịch “Thank xuân 21”. Tại chương trình, khán giả được gặp lại những giai điệu sôi động mang tinh thần phóng khoáng của tuổi trẻ qua các ca khúc “hot” như Thanh xuân của chúng ta (Châu Đăng Khoa), Đúng người đúng thời điểm (Thanh Hưng), Thích rồi đấy (Khắc Hưng), Sống trẻ từng giây (Huỳnh Hiển Năng)…
Các bài hát kết hợp với những màn vũ đạo đặc sắc tạo không khí sôi động, tươi trẻ cho các tiết mục biểu diễn. Đan xen giữa các tiết mục âm nhạc là tiểu phẩm hài “Chiếc hòm bí mật” do NSƯT Chí Trung làm đạo diễn. Ngoài tiểu phẩm hài, Nhà hát Tuổi Trẻ còn giới thiệu với công chúng vở kịch ngắn “Thank xuân và Kiều” với đầy những thể nghiệm mới mẻ.
Đây là vở kịch ngắn do đạo diễn người Đức Amélie Niermeyer dàn dựng cho Nhà hát Tuổi Trẻ từ kịch bản lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều” của biên kịch trẻ Hoàng Trang. Sau chương trình “chào sân” trên vào tối ngày 20/3, Nhà hát Tuổi trẻ sẽ công diễn chùm tiểu phẩm hài “Tốc độ” từ kịch bản của “Giáo sư Xoay” và đạo diễn - NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến.
Trong khi đó, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam khai xuân tại Cung Văn hoá hữu nghị Hà Nội với chương trình biểu diễn nhân kỷ niệm 70 năm Báo Nhân Dân ra số đầu, tiếp nối là chương trình nghệ thuật tưởng nhớ 20 năm ngày nhạc sỹ Trịnh Công Sơn ra đi dự kiến diễn ra vào ngày 29/3 và 30/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ngoài ra, Rạp Đông Kinh (79 Hàng Trống, Hà Nội) của Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam cũng sẽ mở lại phục vụ khách đi bộ từ 20/3.
Trước đó, Nhà hát Tuồng Việt Nam vừa kịp “chào Xuân” với suất diễn đầu tiên vào 13/3 tại phố cổ Hà Nội. Rạp Xiếc Trung ương cũng mở cửa đón khán giả trở lại sân khấu tròn 67-69 Trần Nhân Tông, Hà Nội từ ngày 14/3 với chương trình “Trâu vàng du xuân”. Nhà hát Kịch Việt Nam dự kiến sẽ biểu diễn vở “Ngũ hổ tướng” vào ngày 30/3.
Nhiệm vụ sống còn
Với sự trở lại đồng loạt của các sân khấu, có thể nói đây là tín hiệu vui, cho thấy sân khấu sau những đợt nghỉ dài ngày vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, tín hiệu vui ấy có kéo dài hay không tùy thuộc vào chất lượng của các vở diễn trong lần trở lại này.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ “sống còn” trước mắt của mỗi sân khấu đó là tạo được thị hiếu cho khán giả. Bởi, khán giả là một mắt xích quan trọng tạo nên thế “kiềng 3 chân” của nghệ thuật (tác giả, nghệ sĩ, khán giả). Mới đây, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam triển khai đề án “Xây dựng và đào tạo khán giả cho sân khấu”.
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam NSND Trịnh Thuý Mùi cho biết, đề án sẽ hướng đến xây dựng và đào tạo khán giả tại các trường học. Khác với dự án “Sân khấu học đường” do Cục Nghệ thuật biểu diễn từng triển khai trước đây nhằm phát hiện, đào tạo nhân tố mới cho nghệ thuật thông qua việc dạy các em biểu diễn, đề án “Xây dựng và đào tạo khán giả cho sân khấu” đưa nghệ thuật tiếp cận các em nhỏ, giúp cho các em thấy cái hay, cái đẹp của từng bộ môn nghệ thuật sân khấu để từ đó các em yêu thích và hình thành thói quen thưởng thức nghệ thuật.
Các đơn vị, nghệ sĩ chuyên nghiệp sẽ trực tiếp đưa nghệ thuật đến với trường học để giới thiệu và biểu diễn. Giai đoạn đầu, đề án sẽ triển khai thí điểm tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, ở cả ba cấp học phổ thông. Trong đó, tại Hà Nội sẽ đưa nghệ thuật chèo và kịch nói tiếp cận học sinh, tại TPHCM sẽ là môn nghệ thuật cải lương, còn Đà Nẵng là nghệ thuật Tuồng. Sau một thời gian thực hiện, đề án sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm và hình thành mô hình để triển khai trên cả nước.
Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, sân khấu đang mang đến những tín hiệu đáng mừng và đầy sự khởi sắc. Đây cũng như một lời khẳng định nghệ thuật sân khấu đã bước đầu trở lại với một sức bật mới sau khoảng thời gian bị các chương trình giải trí mới lấn lướt và khán giả thờ ơ. Chuyển biến trên có được là nhờ các nhà hát, sân khấu và giới làm nghề đã chuyển mình tích cực, lấy khán giả làm trung tâm để dàn dựng các chương trình, vở diễn.