Tăng đại biểu chuyên trách cho Hà Nội thế nào là hợp lý?

H.Vũ 18/03/2021 06:30

Tại kỳ họp thứ 11 sắp tới, Quốc hội sẽ quyết định về việc quy định số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) hoạt động chuyên trách của thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo tờ trình của Chính phủ, nhiệm kỳ 2021-2026, Chính phủ đề nghị bố trí tổng số 19 đại biểu hoạt động chuyên trách, trong đó 3 đại biểu là lãnh đạo HĐND thành phố (gồm Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch), mỗi ban của HĐND thành phố bố trí 4 đại biểu (gồm trưởng ban, 2 phó trưởng ban và 1 ủy viên hoạt động chuyên trách). Lý do của đề nghị này là thành phố Hà Nội thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo hướng không tổ chức HĐND ở các phường thuộc quận và thị xã nên nhiều nhiệm vụ của HĐND phường được chuyển lên cho chính quyền địa phương ở quận, thị xã và cấp thành phố.

Thẩm tra sơ bộ vấn đề trên, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, đối với HĐND thành phố Hà Nội, Chính phủ đề nghị bố trí tổng số 19 đại biểu hoạt động chuyên trách. Trong bối cảnh thành phố Hà Nội thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 và thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù theo Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội thì việc Chính phủ, chính quyền thành phố Hà Nội đề nghị bố trí tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội là có cơ sở thực tiễn, phù hợp với vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô và yêu cầu đảm đương khối lượng công việc ngày càng tăng của chính quyền ở cấp thành phố.

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc tăng là phù hợp với điều kiện tình hình hiện nay khi thành phố Hà Nội chuẩn bị thực hiện mô hình chính quyền đô thị từ ngày 1/7/2021. Phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao nặng nề hơn đối với chính quyền cấp thành phố trong điều kiện vừa thực hiện chính quyền đô thị cũng như thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù về tài chính ngân sách theo nghị quyết của Quốc hội, cũng như phù hợp với vị thế của Thủ đô trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hóa khoa học kỹ thuật của cả nước.

Ông Tùng cũng cho rằng, việc tăng đại biểu chuyên trách cho Hà Nội cũng đảm bảo tương quan với các tỉnh thành phố khác cũng thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị là TP HCM và Đà Nẵng. Đối với TP HCM, Quốc hội cũng cho phép có 19 đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở cấp thành phố. Như vậy cho phép Hà Nội cũng được như vậy để tương đồng như TP HCM.

“Với phương án này không làm tăng tổng biên chế được giao cho Hà Nội, vì Hà Nội cam kết cân đối trong tổng số biên chế được giao để sắp xếp số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố”- ông Tùng nêu ý kiến

Theo ông Tùng, hiện nay tại các quận và thị xã Sơn Tây thì Hà Nội vẫn bố trí chưa đủ đại biểu chuyên trách HĐND theo mức mà Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho phép. Luật quy định tối đa là HĐND các quận có 7 đại biểu chuyên trách ở mỗi quận, thị xã. Còn thực tế Hà Nội đang bố trí bình quân 4-5 đại biểu ở cấp quận, thị xã, thậm chí có nơi chỉ 2-3 đại biểu chuyên trách.

“Khi đi dự các hội nghị do Hà Nội tổ chức, tôi thấy nguyện vọng HĐND các quận, thị xã đều mong thành phố Hà Nội cân đối bố trí đủ đại biểu chuyên trách theo luật quy định. Trong điều kiện các phường không tổ chức HĐND do thực hiện theo mô hình chính quyền đô thị nên cần quan tâm đến các đại biểu chuyên trách tại HĐND quận, thị xã để còn đảm bảo thực hiện chức năng giám sát” - ông Tùng nói.

Ông Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách cần căn cứ theo tỷ lệ dân số. Hà Nội không tổ chức HĐND tại cấp phường, còn TP HCM thực hiện không tổ chức HĐND ở cả cấp quận và phường. Do đó Hà Nội nên chăng tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách tại cấp quận sẽ hợp lý hơn tăng ở HĐND thành phố. Bởi khi không còn HĐND cấp phường thì nhiệm vụ giám sát sẽ nặng nề hơn ở cấp quận, vì vậy nên tăng đại biểu chuyên trách HĐND cấp quận trong bối cảnh Hà Nội thực hiện mô hình chính quyền đô thị.

Thống nhất quan điểm như Chính phủ trình, song theo ông Trương Minh Hoàng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nên tăng ở những vị trí gắn với cơ sở để nghe ý kiến phản ánh của nhân dân. Việc tiếp xúc với dân nhiều hơn cũng là cái để giúp cán bộ rèn luyện và trưởng thành nhiều hơn, là bước tạo nguồn cho công tác cán bộ sau này. Cho nên chỉ nên tăng đối với những đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.

H.Vũ