Sa chân vào app trực tuyến: Dễ vay, khó thoát
Do túng quẫn và cũng là cả tin nên nhiều người đã tải các ứng dụng (app) cho vay trực tuyến để vay tiền. Nhưng, khi đã sa chân vào 1 app, hàng trăm app khác bủa vây gần như không có đường thoát.
Một đặc điểm chung của mô hình vay qua app là toàn bộ quá trình đăng ký, thẩm định, cho vay đều thực hiện rất nhanh. Thời gian hoàn tất (từ lúc vay đến giải ngân) rất ngắn, hôm trước đăng ký thì hôm sau nhận được câu trả lời.
Trả mãi vẫn không xong nợ
Chỉ cần tải các app trên ứng dụng di động, chẳng hạn như Robocash, Tamo, Scach, MoneyCat, One Click Money, Dr.Dong…và điền thông tin theo hướng dẫn thì thực hiện một số thao tác đăng ký đơn giản bao gồm điền thông tin cá nhân, số tài khoản nhận tiền, gửi ảnh chụp cá nhân và chứng minh nhân dân, đồng ý cho App truy cập danh bạ cá nhân. Sau đó, người vay nhận được trả lời, yêu cầu vay tiền đang trong tình trạng “đang xét”, “chờ giải ngân”, hay “đang giải ngân”.
Chị Hoàng Thị Nh (Hà Tĩnh) cho biết, tháng 4/2020, không có việc làm, chị đăng ký vay qua app Vay tia chớp và được thông báo giải ngân 2,9 triệu đồng trong 7 ngày. Tuy nhiên, số tiền mà app gửi vào tài khoản của chị chỉ là 1,7 triệu đồng.
Sau đó, khi chị Nh trễ hạn thanh toán 3 ngày, bộ phận đòi nợ gọi điện thông báo số tiền mà chị nợ là 5 triệu đồng (số tiền gốc, tiền lãi và lãi phạt), quấy nhiễu người thân của chị và đe dọa nếu chị không đóng đủ, họ sẽ về tận nhà.
Vì sợ bị quấy rầy nên chị tiếp tục vay ở các app khác như “Ơi Vay”, “One Click” để có tiền trả app “Vay tia chớp” mà trả mãi vẫn không xong nợ. Từ khoản vay 1,7 triệu, đến nay tôi đã nợ 5 app số tiền 50 triệu đồng.
Trường hợp của chị Hoàng Thị Nh chỉ là 1 ví dụ cho thấy các app cho vay trên mạng có mối liên kết “mạng nhện” bủa vây người vay, nếu lỡ sa chân vào một app và chưa kịp thanh toán đúng hạn, người vay buộc phải tải app các về để vay, xoay vần trả nợ.
Anh Tùng (quận Hà Đông, Hà Nội) kể, ngay trước Tết Nguyên đán Tân Sửu anh có tải “DoctorDong” để vay 1 triệu đồng trong 7 ngày. Anh cũng đã thanh toán đúng hạn. Thế nhưng, sau đó điện thoại của anh liên tục nhận được các tin nhắn mời vay từ app DoctorDong với nội dung: “Cảm ơn quý khách - đặc biệt! Nhận ngay khoản vay duyệt sẵn 1.500.000 VNĐ dành cho bạn. Truy cập DoctorDong.vn/s?hklfwfpo để gọi yêu cầu vay lại”.
Anh Tùng nói, đáng chú ý, liên tiếp ngày 11/1 anh nhận được tin nhắn, sau đó ngày 14/1, ngày 23/1, ngày 4/2 anh cũng nhận được tin nhắn với nội dung y chang.
“ Tôi đã vay một lần và họ cứ mời vay mãi”, anh Tùng nói.
Hiện nay các app cho vay tiền online này được quảng cáo trên Internet, các trang mạng xã hội rất nhiều để người có nhu cầu vay tiền tự liên lạc.
Các ứng dụng trên yêu cầu người vay tiền tạo 1 tài khoản bằng cách cung cấp các thông tin cá nhân (hình ảnh, số CMND, hình CMND, số tài khoản ngân hàng) và đồng ý các điều khoản trên hợp đồng điện tử do ứng dụng soạn sẵn (trong đó có điều khoản buộc người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên điện thoại di động).
Nếu người vay thỏa mãn đầy đủ điều kiện vay tiền thì hệ thống tài khoản của công ty sẽ tự động chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của người vay. Các ứng dụng cho vay tiền được quy định cụ thể như sau:
Chẳng hạn khách hàng vay tại ứng ứng kamo, người vay được duyệt 2.000.000 đồng với thời hạn vay 7 ngày, thì thực tế khách hàng chỉ nhận được 1.400.000 triệu đồng còn 600.000 đồng là phí dịch vụ. Sau 7 ngày , người vay phải trả đúng số tiền gốc 2.040.000 đồng. Tính ra lãi vay một ngày là 90.000 đồng cho khoảng vay 2 triệu. Như vậy lãi suất vay là 625%/năm
Hay tại ứng dụng ứng dụng “Easy vay” người vay nếu duyệt vay số tiền là 1.000.000 đồng thì thực tế khách hàng chỉ nhận được 975.000 đồng ( có khách hàng 700.000 đồng).Sau 7 ngày, người vay phải trả tiền gốc vay là 1.500.000 đồng. Nếu khách vay tiền trả chậm 1 ngày sẽ bị phạt từ 2-5%.
Đã vào bẫy thì không thể thoát
Trên một group với chủ đề bàn tán về vay qua app, nhiều người người vay đã đặt câu hỏi, vay qua app dễ như thế thì liệu “bùng” có dễ không? Thì câu trả lời được đưa ra là không thể, trong khi tai họa lại cận kề.
Khi đến gần thời hạn trả nợ, nhân viên bộ phận thu hồi nợ sẽ điện thoại nhắc nhở người vay phải trả đúng hạn. Đến hạn trả nợ mà người vay chưa trả nợ hoặc không trả nợ thì nhân viên thu hồi nợ sẽ điện thoại cho tất cả những người trong danh bạ điện thoại của người vay để chửi bới, đe dọa và yêu cầu những người này phải nói người vay trả tiền cho công ty.
Nhiều người đã không biết than thở và không thể chia sẻ cùng ai vì lỡ vay tiền qua app, khi có tiền trả nợ đã phải lên mạng xin “tiền lẻ “mỗi người 3.000 đồng để có cơ hội trả nợ.
Nhiều người còn bị côn đồ đến tận nhà, ngồi rình, nên không dám trở về phải lang thang phiêu bạt nay đây mai đó. Không ít nạn nhân dính vào đường dây vay tiền qua app đã bị truy bức, dồn vào đường cùng. Có nạn nhân còn tìm đến cái chết để giải thoát. Đó là trường hợp một giảng viên trường cao đẳng sinh năm 1993, quê ở Cần Thơ, uống thuốc tự tử vào ngày 10/5/2020.
Đáng tiếc đó không phải là trường hợp duy nhất. Chỉ vì vay qua app 1 triệu đồng, rồi bị tính lãi lên đến 3 triệu đồng, đến 5 triệu đồng, bí bách quá đã sinh ra tiêu cực để thoát khỏi cảnh bị đòi nợ. Thật đau lòng mặc dù ban đầu chỉ vay vài triệu để tiêu dùng, nhưng rồi lãi mẹ đẻ lãi con, bị hăm dọa, khủng bố nên đã nghĩ quẩn, hành động tiêu cực.
Vay qua app biến con nợ nhỏ thành con nợ lớn, chất chồng những khoản nợ không thể trả. Cho vay dễ dàng nhưng với lãi suất cắt cổ, thủ đoạn đòi nợ khủng bố khiến người ta khiếp sợ. Các app vay qua mạng đánh vào tâm lý cần tiền nhanh và gấp, đánh vào sự “sơ hở” của người vay. Nhiều người vội vàng vay tiền mà không biết điều khoản quy định như thế nào. Do vậy, lời khuyên từ giới chuyên gia là cần đọc và tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đồng ý vay. Khi buộc phải vay thì cần tính đến phương án tài chính để trả nợ, càng nhanh càng tốt.