Cải cách hành chính - tiền đề đột phá để phát triển đất nước
“Cải cách đã là khó, cải cách hành chính đụng chạm đến bộ máy, đến con người thì càng khó hơn”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020 diễn ra chiều 18/3.
Tại Hội nghị, các ý kiến đã đi sâu phân tích, đánh giá và chỉ rõ những kết quả tích cực, nổi trội, những hạn chế cần khắc phục trong 10 năm triển khai chương trình tổng thể. Các đại biểu cũng đã khuyến nghị, hiến kế nhiều ý tưởng cải cách thiết thực, có tính chất gợi mở, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, áp dụng nhằm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, rào cản, hướng tới xây dựng một nền hành chính dân chủ, kỷ cương, chuyên nghiệp, hiện đại và có trách nhiệm giải trình cao trong thời gian tới.
Bày tỏ ấn tượng về các ý kiến phát biểu, kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chúng ta có 4 cuộc cải cách lớn, đó là cải cách giáo dục, cải cách tiền lương, cải cách hành chính (CCHC) và cải cách tư pháp.
Bốn việc khó này chúng ta đã cố gắng triển khai trong suốt 10 năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ này. Trong đó, CCHC liên quan nhiều đến bộ máy, thể chế, đội ngũ, sự nghiệp công, tài chính công với nhiều nội dung liên quan đến con người và bộ máy, do đó, càng phức tạp. Khái quát kết quả CCHC, Thủ tướng nêu rõ, công tác này đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển đất nước.
Chúng ta hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và “chính các FTA này đã thúc đẩy chúng ta phải cải cách, nhất là CCHC”. Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có mức độ cải thiện điểm số, tăng hạng tốt nhất toàn cầu. Một loạt chỉ số của Việt Nam được các cơ quan, tổ chức quốc tế đánh giá có sự cải thiện cả về điểm số và vị trí xếp hạng so với năm 2011.
Ví dụ, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam duy trì xếp hạng cao, năm 2020 xếp thứ 42/131. Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019, Việt Nam xếp thứ 67/141 quốc gia và nền kinh tế, tăng 10 bậc so với năm 2018, mức tăng cao nhất trên thế giới. Chỉ số Chính phủ điện tử năm 2020, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 86/193 quốc gia, tăng 2 bậc so với 2018, duy trì tăng hạng liên tục từ năm 2014 đến nay.
Thủ tướng dẫn lại bài viết trên trang Sputnik về câu chuyện thành công của Việt Nam, cho biết Việt Nam đã chứng minh cho thế giới thấy bản lĩnh và sức mạnh quốc gia, dân tộc khi thoát khỏi danh sách nước nghèo nhanh hơn bất kỳ nước nào trong lịch sử hiện đại và tạo nên kỳ tích tăng trưởng kinh tế, GDP khiến chính các nước láng giềng phải “ghen tị”. Bài viết đã phân tích yếu tố tạo nên câu chuyện thành công của Việt Nam và khẳng định thành công của Việt Nam không xuất phát từ yếu tố may mắn, không phải từ trên trời rơi xuống mà nhờ Chính phủ nhanh chóng thực hiện các biện pháp cải cách, phòng, chống dịch một cách quyết liệt ngay từ đầu.
Tóm tắt một số kết quả nổi bật về CCHC, Thủ tướng nêu rõ, trong 10 năm qua, công tác cải cách thể chế được quan tâm chỉ đạo sát sao, hướng vào phục vụ người dân, doanh nghiệp, phục vụ sự phát triển, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. Trong giai đoạn 2011-2020, Chính phủ trình Quốc hội thông qua khoảng 200 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, trong đó có nhiều văn bản mang tính nền tảng như Hiến pháp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Điều ước quốc tế, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… Chính phủ, Thủ tướng ban hành khoảng 2050 văn bản quy phạm pháp luật; chính quyền địa phương ban hành gần 9.000 văn bản…
Cải cách thủ tục hành chính được xác định là một khâu đột phá, đã được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp hành chính. Thủ tướng nhắc lại câu chuyện trước đây sản xuất 1 thanh sô cô la “tốn” 13 loại giấy phép, thì hiện nay đã cải cách, loại bỏ hết các giấy phép này, nhưng sô cô la vẫn được sản xuất nhiều hơn. Chúng ta đã cắt giảm, đơn giản hóa 63% điều kiện kinh doanh, 68% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã đạt được những kết quả rất tích cực, việc giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện, giảm thiểu tình trạng chậm muộn, nhũng nhiễu, tỉ lệ giải quyết đúng hạn đạt 97,37%.
Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được đẩy mạnh; khắc phục về cơ bản những tồn tại, hạn chế trong giai đoạn trước. Ở Trung ương đã giảm 12 tổ chức cấp vụ và tương đương, giảm 4 tổng cục, 10 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ.
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, thủ tục hành chính còn rườm rà, tình trạng gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp vẫn còn. Còn sự chậm trễ, “đá bóng qua lại” giữa các cơ quan. Vẫn còn những hiện tượng vòi vĩnh, đòi hối lộ khi làm các thủ tục. Tổ chức bộ máy nhiều nơi vẫn cồng kềnh.
Về định hướng CCHC thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, thực hiện chiến lược số hóa với cơ sở dữ liệu dân cư tốt hơn. Tăng cường kiểm tra giám sát xử lý nghiêm tổ chức cá nhân vi phạm, tăng cường tính công khai minh bạch để CCHC sát cơ sở, sát người dân, phục vụ người dân tốt hơn, “làm sao tiếng kêu của người dân, của doanh nghiệp ít đi”.
Chính sách của chúng ta là dù công nghệ hiện đại thế nào nhưng vẫn hướng về người dân và doanh nghiệp, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước. Công tác CCHC phải tiếp tục làm cho đất nước hùng mạnh.
Yêu cầu quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Thủ tướng nhấn mạnh nội dung: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…”.
Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.