Việc của văn hóa hay môi trường?
Mới đây, tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP HCM với chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn năm 2021 diễn ra sáng 26/2 câu chuyện ô nhiễm tiếng ồn do karaoke trở thành vấn đề nóng được thảo luận.
Tại đây, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định ô nhiễm tiếng ồn do karaoke là vấn nạn kéo dài mà ông liên tục nhận được phản ánh. Ông kể câu chuyện trong dịp tết vừa qua, một hôm khoảng 10h đêm, qua điện thoại, ông nhận rất nhiều phản ánh về vấn nạn tiếng ồn từ "hung thần" karaoke tự phát.
Ông Phong yêu cầu không để vấn nạn tiếng ồn từ karaoke ảnh hưởng đến người dân. Chủ tịch các quận phải có trách nhiệm gìn giữ, góp phần nâng cao chất lượng sống trong thành phố. “Bà con hàng ngày lao động nhưng đêm về cũng không được yên ắng để nghỉ ngơi, tái tạo sức khỏe. Trách nhiệm quản lý địa phương phải thấy nhức nhối về việc này chứ đừng có thấy chuyện này là chuyện bình thường”- ông Phong nhắc nhở.
Từ phía địa phương, ông Phan Đình Anh, Chủ tịch UBND phường 6, quận Gò Vấp (TP.HCM) kiến nghị, cần có phần mềm đo cường độ âm thanh (dB) để xử lý nạn karaoke tự phát. Theo ông An, hiện nay, có đầy đủ các biện pháp, chế tài để xử lý ô nhiễm tiếng ồn nhưng khả năng thực thi gần như không có. Lý giải điều này, ông An cho biết, cán bộ phường không có công cụ để đo. “Tôi kiến nghị thành phố sử dụng ứng dụng đo dB. Sở Khoa học và Công nghệ có thể làm được ứng dụng ghi nhận mức tiếng ồn tại hiện trường để có căn cứ xử lý. Cán bộ có trách nhiệm chỉ cần cài phần mềm là xử lý được”, ông An kiến nghị.
Có thể thấy, ngay tại một đô thị lớn như TP HCM còn thiếu công cụ để do tiếng ồn thì khó có thể đòi hỏi ở các địa phương khác. Bên cạnh đó, theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP HCM Võ Trung Trực, quy định giao ngành môi trường quản lý vấn đề này. Trong đó, quận, huyện có phòng tài nguyên môi trường, phường, xã, thị trấn chỉ có một cán bộ địa chính và môi trường. “Để cán bộ địa chính và môi trường kiểm tra có thể lập biên bản xử lý hết các điểm hát karaoke gây ồn hoặc sử dụng loa kẹo kéo trên vỉa hè, quán nhậu là bất khả thi” - ông Trực chia sẻ.
Ông Trực cho rằng, để giải quyết vấn đề này, Sở TNMT và các quận, huyện, sở, ngành cần thành lập tổ liên ngành tại các phường, xã, thị trấn gồm công an, địa chính, lao động - thương binh - xã hội, văn hóa thông tin, kinh tế thì mới xử phạt, xử lý được. Khi lập biên bản thì phó chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn sẽ xử lý.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho rằng có 2 vấn đề cơ bản. Thứ nhất là cơ quan nào chịu trách nhiệm, hai là quy định pháp luật nào để xử lý. “Công thương, văn hóa, an ninh trật tự hay môi trường? Các cơ quan đều có ý kiến khác nhau và coi đó không phải việc của mình. Pháp luật thì cụ thể nhưng quy định về việc xử lý thì còn rất mơ hồ. Tôi khẳng định cơ quan chủ đạo của việc này là tài nguyên môi trường vì đây là ô nhiễm tiếng ồn. Sở TNMT là thủ lĩnh", ông Hoan quán triệt.