‘Hộ chiếu vaccine’: Chuyên gia nói gì?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa giao các bộ, ngành liên quan chuẩn bị phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine” và mở lại đường bay quốc tế, giao thương có kiểm soát.
Chứng tỏ với thế giới về một đất nước cởi mở, hội nhập và kiểm soát dịch hiệu quả
Theo TS Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký Hiệp hội DN hàng không Việt Nam (VABA), đây là vấn đề cần làm ngay, nếu làm muộn sẽ mất cơ hội. Bản thân VABA đã có văn bản kiến nghị Chính phủ từng bước mở cửa, nối lại đường bay quốc tế, chấp nhận cho khách nước ngoài nhập cảnh khi có chứng nhận tiêm vaccine; đặc biệt từ các quốc gia có lượng khách lớn hoặc tiềm năng, đã kiểm soát được dịch bệnh cho hành trình Việt Nam và ngược lại như châu Âu, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...
“Chúng tôi rất mong Bộ Y tế sớm ban hành chứng chỉ tương tự như thế này và quy trình kiểm tra, nhập cảnh với khách quốc tế đến Việt Nam trên các chuyến bay thương mại. Đây là cơ hội để Việt Nam chứng tỏ với thế giới về một đất nước cởi mở, hội nhập và kiểm soát dịch hiệu quả” - TS Bùi Doãn Nề nói.
Còn theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), sau hơn một năm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đã khiến hoạt động giao thương trên thế giới bị ngừng trệ. Hiện nhiều nước đã đẩy mạnh việc triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccines” vì vậy chúng ta cũng phải bắt tay vào làm ngay nếu không sẽ bỏ qua cơ hội này.
“Tôi cho rằng “hộ chiếu vaccine” chính là chìa khóa mở đường bay quốc tế và vấn đề với Việt Nam bây giờ là tốc độ triển khai” - PGS Long chia sẻ và cho rằng, nếu có quy trình cụ thể, sự phối hợp trong việc mở lại đường bay quốc tế, tổ chức du lịch cho khách bay quốc tế đã có “hộ chiếu vaccine” và quản lý phòng chống dịch, hiệu quả mang lại sẽ rất lớn. Đây là cơ hội để chúng ta hồi phục phát triển kinh tế.
Một chuyên gia trong lĩnh vực du lịch phân tích, ngành du lịch đóng góp lớn cho sự phát triển đất nước với tổng doanh thu đạt 36 tỷ USD năm 2019, song phải đóng băng hơn một năm qua. Do vậy việc dần mở lại đường bay quốc tế là cần thiết. Tuy nhiên, nếu quy trình nhập cảnh không chặt chẽ, chỉ cần sơ suất nhỏ, một trường hợp mang mầm bệnh vào trong nước, lây ra cộng đồng thì không chỉ ảnh hưởng đến ngành du lịch mà nhiều ngành khác, gây thiệt hại kinh tế rất lớn.
“Vì vậy, Việt Nam chỉ nên công nhận “hộ chiếu vaccine” của các quốc gia, vùng lãnh thổ đã có quy trình kiểm định, cấp hộ chiếu hoặc chứng chỉ tiêm vaccine Covid-19 một cách chặt chẽ. Nghĩa là phải đảm bảo chính xác, an toàn, dù có hộ chiếu vaccine thì sau khi nhập cảnh vẫn phải xét nghiệm bắt buộc” - vị chuyên gia này cho hay.
Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian đầu, Việt Nam nên mở cửa đón khách quốc tế đến các địa điểm du lịch cụ thể; hạn chế việc di chuyển qua nhiều địa phương của du khách... Mặc khác, người dân ở những nơi mở cửa đón khách du lịch quốc tế cần được tiêm vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng. Nếu chưa có điều kiện tiêm cho tất cả thì ưu tiên những người phục vụ trong ngành du lịch.
Nhiều quốc gia đã áp dụng “hộ chiếu vaccine”
Nhìn sang các nước thế giới trong việc triển khai “hộ chiếu vaccine”, ngày 17/3 vừa qua, Ủy ban Châu Âu đã thông qua “Chứng chỉ xanh” kỹ thuật số, dưới dạng ứng dụng cài trên điện thoại hoặc in ra giấy (tương tự sổ tiêm chủng quốc tế). Chứng chỉ này chỉ lưu giữ những thông tin cá nhân tối thiểu, bao gồm họ tên, ngày sinh và số thẻ căn cước.
Phần thông tin y tế sẽ bao gồm ngày tiêm chủng vaccine Covid-19, loại vaccine, kết quả xét nghiệm, hoặc xác nhận đã hồi phục sau khi bị nhiễm virus. Những người có chứng chỉ này sẽ được đi lại, du lịch ở 27 nước châu Âu.
Một số nước đã phát hành “hộ chiếu vaccine” Covid-19, như Trung Quốc. Thái Lan cũng đã công bố kế hoạch cấp hộ chiếu vaccine và giảm thời gian cách ly bắt buộc những người đã tiêm chủng.
Cũng cần nhắc lại, Hãng hàng không British Airways (BA) sẽ ra mắt “hộ chiếu vaccine điện tử” vào tháng 5/2021, thời điểm người dân Anh được phép đi lại trong kỳ nghỉ. Hãng hàng không này sẽ yêu cầu những người đã tiêm hai liều vaccine ngừa Covid-19 kê khai thông tin chi tiết về thời gian tiêm phòng của mình thông qua ứng dụng của BA.
Trong khi đó, Hãng hàng không Qantas của Australia cho biết, đang thử nghiệm “hộ chiếu vaccine điện tử”. Cụ thể, ngày 12/3, hãng này đã triển khai thử nghiệm hệ thống “hộ chiếu vaccine điện tử” đầu tiên trên một chuyến bay quốc tế từ Đức đến Australia. Theo đó, “hộ chiếu vaccine điện tử” được sử dụng trên chuyến bay từ Frankfurt (Đức) đến Darwin (bang Queensland) vào sáng 12/3 để đưa công dân Australia hồi hương, thông qua ứng dụng theo dõi sức khỏe kỹ thuật số CommonPass.
CommonPass là một sáng kiến thuộc Dự án Commons dành cho doanh nghiệp xã hội có trụ sở tại Thụy Sĩ. Đây là một trong số ít các ứng dụng theo dõi sức khỏe điện tử đang được các hãng hàng không và các chính phủ chấp thuận như “tấm giấy thông hành,” chứng nhận rằng khách nhập cảnh đã trải qua các xét nghiệm Covid-19 cần thiết và thậm chí là đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 trước khi lên máy bay.
Trong thời gian thử nghiệm, Qantas sẽ mời các hành khách trên những chuyến bay đón công dân hồi hương, do Chính phủ Australia tổ chức, sử dụng dịch vụ CommonPass, để chứng minh rằng họ có kết quả xét nghiệp âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong 72 giờ trước khi khởi hành - một điều kiện bắt buộc nếu muốn được nhập cảnh vào Australia.
Dựa vào “hộ chiếu vaccine điện tử” CommonPass, các nhà cung cấp dịch vụ y tế có thể gửi kết quả xét nghiệm đã được xác minh và hồ sơ tiêm chủng của khách hàng trực tiếp lên ứng dụng, phù hợp với các yêu cầu đầu vào của bất kỳ quốc gia nhất định nào. Trước khi thử nghiệm với hành khách, Qantas đã sử dụng ứng dụng CommonPass cho phi hành đoàn của hãng và dự kiến cũng sẽ kết hợp dùng thử ứng dụng Thẻ thông hành của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) trong thời gian tới.
Hiện “Hộ chiếu vaccine” được hiểu là tài liệu kỹ thuật số chứng minh một cá nhân đã được tiêm phòng virus, trường hợp này là Covid-19 (còn được gọi là thẻ sức khỏe kỹ thuật số). Tài liệu này được lưu trữ trên điện thoại hoặc ví kỹ thuật số, dữ liệu hiển thị dưới dạng mã QR.