Tín dụng đen vẫn hoành hành
Không chỉ ở thành thị, nhiều nhóm tín dụng đen đang “bắt sóng” khu vực nông thôn, phổ biến nhất là cách tổ chức ghi lô, đề. Khi người dân chơi và thua lỗ, các đối tượng cầm đầu sẽ “mời” vay tiền với lãi suất cắt cổ.
Đánh bạc lẻ rồi “mời” vay nặng lãi
Các hoạt động của tín dụng đen rất đa dạng, nhưng tập trung chủ yếu ở hình thức cho vay nặng lãi, bốc bát họ… thông qua việc cho vay tiền mặt.
Hiện nay tín dụng đen vươn vòi về các vùng thôn quê, tìm người cho vay. Phổ biến có hai nhóm đối tượng dính vào tín dụng đen. Nhóm thứ nhất là người vay sử dụng với mục đích bất hợp pháp như cờ bạc, lô đề, cá độ bóng đá. Nhóm thứ hai là những người có nhu cầu cấp bách nhưng chưa tiếp cận được nguồn vốn chính thống từ các ngân hàng.
Đầu tháng 3 vừa rồi, Công an huyện Đô Lương (Nghệ An) bắt một đối tượng sinh năm 1975 cho vay nặng lãi núp bóng dưới việc kinh doanh Công ty Dịch vụ tài chính. Cụ thể đối tượng đã thực hiện hành vi cho vay lãi nặng đối với hàng trăm người trên địa bàn huyện Đô Lương, thực hiện hành vi đánh bạc thông qua hình thức đứng ra nhận ghi số lô, số đề.
Cũng ở huyện này, đối tượng Hoàng Thị Tuyết (sinh năm 1987) từng gây xáo trộn khi tổ chức cho vay lãi nặng, với lãi suất 183%/năm. Đầu tiên Tuyết cho người dân nơi đây vay với lãi suất 3000 – 7000 đồng/1 triệu/ngày. Khi không có khả năng thanh toán, người vay tiền bị đối tượng tìm đến nhà để bôi nhọ, buộc viết giấy vay nợ mới trong đó cộng thêm khoản tiền lãi hàng tháng mà người vay chưa trả.
Điều khiến người dân vô cùng bức xúc và hoảng sợ là hầu hết các đường dây liên quan đến tín dụng đen đều có sự tham gia hoặc có dính dáng đến các băng nhóm giang hồ.
Chị Hoàng Thu Hương (thị trấn Đồng Mỏ, Lạng Sơn), từng dính vào vay nặng lãi. Đó là khi chị muốn có khoản tiền 30 triệu để sửa nhà cho mẹ đẻ, vì bán hàng nước ở ngay cạnh ga nên chị được người giới thiệu bốc bát họ. Chị bốc 50 triệu, và mỗi ngày phải đóng 500.000 đồng. Thế nhưng, không phải ngày nào cũng xoay sở được 500.000 đồng để đóng họ. Đến tháng thứ 3, có ngày bí quá chị liều mình đánh lô. Sau đó, thì không có tiền trả nợ nữa.
“Họ cho 2 thanh niên xăm trổ đến tận nhà tôi đe doạ rằng đang sẵn bệnh HIV trong người. Tôi sợ quá lại nhờ bạn bè giới thiệu chỗ vay nặng lãi mới để đập vào. Trong suốt 3 tháng, cả ngày tôi không làm được gì đầu óc tôi chỉ duy nhất một suy nghĩ kiếm đâu ra tiền để trả tiền lãi” - chị Thu Hương kể
Cuối cùng kéo dài được khoảng 5 tháng, vay chỗ nọ đập chỗ kia, rồi chơi cả lô đề từ bốc bát họ 50 triệu, chị Hương nợ lên tới 120 triệu. Mẹ đẻ chị cùng với đứa em trai phải chạy vạy khắp nơi, bán xe, vay họ hàng mỗi người một ít để gom vào trả nợ. Cả mấy gia đình đều tan hoang.
Alô là có tiền
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, thời điểm cuối năm 2020, toàn quốc có 27.999 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, 77 cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ với hơn 1.000 người làm nghề. Trong đó có hơn 7.770 cơ sở cầm đồ có biểu hiện hoạt động tín dụng đen (1.410 cơ sở không có giấy phép), do 5.008 cá nhân làm chủ. Thêm nữa, có hơn 1.700 cơ sở kinh doanh tài chính liên quan đến tín dụng đen (521 cơ sở không có giấy phép), 3.909 cá nhân cũng có biểu hiện cho vay nặng lãi. Hiện nay, tín dụng đen có lãi suất từ 100% đến 300%/năm, thậm chí lên đến hơn 1.000%/năm.
Tín dụng đen dưới với nhiều hình thức tinh vi, lãi suất cao bất hợp pháp và cách thức siết nợ kiểu giang hồ đã gây ảnh hưởng rất lớn tới đời sống người đi vay nói riêng và an ninh trật tự của xã hội nói chung. Tổ chức tín dụng đen ngụy trang hành vi cho vay lãi nặng bằng các hợp đồng biến tướng để lách luật như: Ghi lãi suất trong hợp đồng thấp hơn rất nhiều so với thực tế hoặc ghi lãi suất theo thỏa thuận trong một loại giấy tờ khác (như giấy vay tiền, giấy viết tay để có thể tiêu hủy, thay đổi dễ dàng…). Nếu các người vay không trả nợ đúng hẹn, các đối tượng cho vay thường sử dụng nhân viên hoặc thuê các đối tượng giang hồ bên ngoài tổ chức các hình thức đòi nợ như đe dọa, khủng bố tinh thần, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, làm nhục người khác, gây rối tại nơi ở, nơi kinh doanh của người vay... chưa đến mức xử lý hình sự song lại gây sợ hãi, hoang mang, thiệt hại kinh tế, mất uy tín cho nạn nhân.
Theo các chuyên gia, khi công việc ngày càng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid, nhu cầu vay tiền mặt của người dân càng cao hơn, người sẽ tìm đến phương thức cho vay đơn giản tới nguy cơ mắc “bẫy” tín dụng đen.
Đáng chú ý,trong khi ngân hàng không thể giải ngân vốn cho những trường hợp vay tiền để ăn chơi, cá độ, bóng đá thì các đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi rất thích các trường hợp này. Và chỉ cần cầm điện thoại, alo là có ngay người mang tiền đến cho vay
Bà Uông Thanh Vân (Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội) kể với người viết bà đã phải khóc lóc van xin đứa con trai 33 tuổi của mình, mong đứa con kể hết những nơi vay tiền khi người con làm ăn thua lỗ, phải vay nợ bạn bè. Bà nói, kể cả bán ngôi nhà 3 tầng đang ở để trả nợ cho con cũng được, sợ nhất là con dính vào vay xã hội đen.
“Nhà mất thì chỉ mất của, nhưng dính vào xã hội đen là mất người” - bà Vân nói.
Thực tế cũng chỉ ra nhiều gia đình bất an, lo lắng trước nguy cơ tiềm ẩn vì con cái, thành viên trong gia đình dính phải tình trạng nợ nần từ vay tín dụng đen.
Giải pháp nào?
Để dẹp tín dụng đen, bao nhiêu cuộc họp đã được tổ chức. Ngân hàng Nhà nước cũng đã từng ra nhiều văn bản chỉ đạo phát triển tín dụng tiêu dùng để dẹp nạn tín dụng đen. Nhưng đáng tiếc là nạn tín dụng đen vẫn tăng.
Đã có đề án có nội dung nói rằng phát triển tín dụng tiêu dùng để đẩy lùi tín dụng đen song theo nhìn nhận của giới chuyên gia, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng chỉ phần nào giảm tình trạng tín dụng đen chứ không thể xóa được do sự trùng lặp về mục đích vay không nhiều. Bởi, phân khúc cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, ngân hàng là các khoản vay tiêu dùng hàng ngày, thiết yếu, còn vay “tín dụng đen” chủ yếu là cờ bạc, lô đề…
Nhiều ý kiến cho rằng, quan trọng nhất để “hạn chế” tín dụng đen thì cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ phía ngành công an. Tuy nhiên, phía Công an cũng có lý khi cho rằng ngân hàng cần tiếp tục đa dạng hóa các hình thức cho vay, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn ngân hàng, vốn lành mạnh. Lúc đó đương nhiên số người tìm đến vay tín dụng đen se giảm.