Vi phạm ATTP: Nhiều lô hàng thuỷ sản bị trả về
Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, đã có 15/40 lô hàng vi phạm quy định an toàn thực phẩm bị phía Trung Quốc trả về. Trong khi thống kê cả năm 2020, thị trường Trung Quốc chỉ có 6/14 lô hàng bị trả về.
Hội nghị phòng chống dịch bệnh thủy sản khu vực phía Bắc do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 19/3, tại Hà Nội. Theo ông Ngô Hồng Phong - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT), chất lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên ở thị trường xuất khẩu đặc biệt quan trọng là Trung Quốc, vẫn còn nhiều lô hàng bị trả về. Trong 3 tháng đầu năm, số lô hàng thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc bị trả về tăng đột biến. Cụ thể, đã có 15/40 lô hàng vi phạm quy định an toàn thực phẩm bị trả về. Trong khi thống kê cả năm 2020, thị trường Trung Quốc chỉ có 6/14 lô hàng bị trả về.
Nguyên nhân được phía Trung Quốc giải thích: Một số lô hàng tôm đông lạnh, tôm của Việt Nam dù đã xử lý nhiệt nhưng lại bị phát hiện dương tính với bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV), virus đốm trắng (WSSV).
Tại Hội nghị, báo cáo về tình hình dịch bệnh trong ngành thuỷ sản, ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT), cho biết: Tính đến ngày 15/3/2021, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là hơn 1.897ha, giảm 61% so với cùng kỳ năm 2020 (tổng diện tích bị thiệt hại năm 2020 là 4.863ha). Ngoài ra có khoảng 105 lồng, bè, vèo, bể nuôi thủy sản cũng bị thiệt hại.
Trong đó, thiệt hại trên tôm nước lợ với diện tích bị thiệt hại là gần 1.713,5ha, chiếm 90,3% trong tổng diện tích thủy sản nuôi bị thiệt hại, giảm 54% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm gần 0,4% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước. Diện tích cá tra bị thiệt hại là 125,6ha (giảm 47,4% so với cùng kỳ năm 2020), chiếm 20,1% tổng diện tích nuôi cá tra của cả nước.
Đáng chú ý, trong 3 tháng đầu năm 2021, các dịch bệnh trên tôm cũng xảy ra với nhiều chủng bệnh. Theo ông Long, dự báo diện tích tôm nuôi tiếp tục bị thiệt hại có thể tăng mạnh và nguy cơ dịch bệnh trong thời gian tới là rất cao do người nuôi tôm bắt đầu tăng thả nuôi, trong khi đó các điều kiện bất lợi của thời tiết (giao mùa, hạn hán, bão và lũ lụt tại một số tỉnh, xâm nhập mặn,..) tiếp tục diễn biến phức tạp.
Các loại mầm bệnh nguy hiểm còn lưu hành ở nhiều vùng nuôi, có thể xâm nhập và gây bệnh cho tôm. Các yếu tố bất lợi như nhiệt độ, độ mặn tăng cao, biến đổi môi trường nhanh, mạnh, theo hướng cực đoan. Điều kiện môi trường biến đổi lại tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, gây bệnh cho tôm.
Để giảm thiểu thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản, Cục Thú y đề nghị các địa phương và người nuôi trồng thủy sản cần chủ động phòng tránh dịch bệnh, xử lý môi trường trước khi thả nuôi, sử dụng nguồn nước đảm bảo, sử dụng con giống, chế phẩm sinh học có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng. Ngoài ra, việc thả nuôi với mật độ hợp lý, tránh thả nuôi dày sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh phát sinh đối với thủy sản.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, yếu tố quan trọng nhất quyết định cho phòng chống dịch bệnh thủy sản là nuôi trồng an toàn sinh học. Bộ NNPTNT đang xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng chống một số bệnh nguy hiểm dịch bệnh thủy sản nuôi giai đoạn 2021-2025. Đây sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để các tỉnh, thành phố bố trí ngân sách, nguồn lực để triển khai.
Các chuyên gia nước ngoài cho rằng, việc kiểm tra xử lý hiện nay được áp dụng tại Việt Nam chưa thực sự hiệu quả vì mức xử phạt chưa cao và không mang tính răn đe. Những doanh nghiệp có sản phẩm bị trả về cần phải bị phạt nặng hơn và cần phải được công khai trên dư luận, và cả với khách hàng quốc tế để tránh cảnh “con sâu làm rầu nồi canh”. Kinh nghiệm của Mỹ với các doanh nghiệp Việt Nam vi phạm tại Mỹ thì nước sở tại phạt đích danh doanh nghiệp vi phạm. Tại Việt Nam nếu các doanh nghiệp bị trả hàng về gây ảnh hưởng đến thương hiệu ngành thuỷ sản cũng cần được xử phạt công khai, thậm chí ngừng xuất khẩu cho đến khi đảm bảo các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm.