Hàng giả vẫn bao vây người tiêu dùng

Minh Phương 20/03/2021 13:52

Ngày 17/3 vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường cùng các cơ quan liên quan đã đột nhập một kho hàng lớn tại địa chỉ thôn Đại Lại, xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Cơ quan quản lý thị trường xử lý kho hàng giả tại Nam Định, hôm 17/3/2021.

Tại đây, cơ quan chức năng đã thu giữ khoảng gần 30.000 sản phẩm nhái nhãn hiệu Hermès cùng nhiều thương hiệu nổi tiếng khác như LV, Chanel... Ông Nguyễn Kỳ Minh - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục, Tổ trưởng Tổ công tác 368, cho biết hàng chục nghìn sản phẩm thu được chủ yếu là túi nhái nhãn hiệu Hermès (một hãng thời trang xa xỉ có trụ sở ở Paris, Pháp). Hoàn toàn không có bất cứ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của hàng hóa được xuất trình tại thời điểm lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra.

Ông Minh cho biết thêm, đối tượng vi phạm chủ yếu sử dụng mạng xã hội để chào bán và dịch vụ chuyển phát để vận chuyển hàng hóa. Hàng chục tài khoản với các tên gọi khác khau như The Queen Shop; Trang Anna (The Queen); Dung Vũ (Boss The Queen); The Queen - Chuyên túi VIP; Dương Vũ Xuân; The Queen - Đại Dương - Sỉ lẻ túi xách; Kho Túi xách - Hàng Quảng Châu… được thay nhau sử dụng nhằm né tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng.

Trước đó, cơ quan quản lý thị trường cũng đã phanh phui nhiều vụ việc vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, từ các sản phẩm tiêu dùng, thời trang... thậm chí cả thực phẩm, thuốc tân dược cũng bị làm giả... cho thấy, thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn đang là nỗi nhức nhối của xã hội; quyền lợi người tiêu dùng vẫn đang bị xâm phạm từng ngày, từng giờ.

Bộ Công thương cho biết, nhiều năm trở lại đây gia tăng số vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng.. Riêng tại Bộ, số lượng vụ việc khiếu nại tăng từ 26 vụ năm 2011 lên 263 vụ vào năm 2012, 450 vụ vào năm 2013 và duy trì trung bình gần 1.500 vụ trong giai đoạn từ 2014 tới nay.

Số vụ việc khiếu nại có xu hướng gia tăng, trong khi hoạt động vi phạm quyền của người tiêu dùng ngày càng phức tạp. Phương thức, thủ đoạn của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng phổ biến ở nhiều cấp độ, nhận thức của người tiêu dùng về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn hạn chế.

Vì vậy, Bộ Công thương cho rằng, cần thiết phải xây dựng một hệ thống Cơ sở Dữ liệu quốc gia về bảo vệ người tiêu dùng, nhằm góp phần giải quyết các vấn đề trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay; tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, củng cố niềm tin của người tiêu dùng về môi trường kinh doanh và môi trường tiêu dùng.

Ngày 18/3/2021, Bộ Công thương đã ra Quyết định 940/QĐ-BCT xây dựng Đề án với mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu về các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức hoạt động về bảo vệ người tiêu dùng; hệ thống kết nối giữa các cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng cơ chế tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ, giải quyết yêu cầu, khiếu nại người tiêu dùng trực tuyến; xây dựng hệ thống cảnh báo về những hành vi vi phạm đối với người tiêu dùng, rủi ro mất an toàn, các sản phẩm bị thu hồi; xây dựng cơ sở dữ liệu hỏi - đáp pháp luật bảo vệ người tiêu dùng…,

“Về nội dung, Đề án sẽ tiến hành thực hiện nghiên cứu và xây dựng báo cáo dữ liệu về bảo vệ người tiêu dùng; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ người tiêu dùng, như: Tư vấn, hỗ trợ giải quyết yêu cầu, khiếu nại theo phương thức trực tuyến, số hóa, điện tử hóa các thông tin, tài liệu liên quan đến các khiếu nại; xây dựng cơ sở dữ liệu về cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước tham gia công tác bảo vệ người tiêu dùng; cơ sở dữ liệu về các câu hỏi, trả lời liên quan pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” - theo Bộ Công thương.

Minh Phương