Cùng lên tiếng vì thiên nhiên
Chiến dịch Giờ Trái đất 2021 sẽ được tiến hành đồng loạt trên quy mô toàn cầu vào lúc 20h30 ngày 27/3 với chủ đề “Lên tiếng vì thiên nhiên”, nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về mối liên hệ giữa các tác động của con người với thiên nhiên và nguyên nhân của dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường.
Tại Việt Nam, Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2021 tập trung kêu gọi cộng đồng, doanh nghiệp, thành phố và các cơ quan, tổ chức tham gia vào Cuộc đua Phát thải cân bằng, trong đó, kêu gọi xã hội cùng chung tay đưa phát thải khí nhà kính về ngưỡng cân bằng và giảm thiểu để không còn rác thải nhựa trong tự nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, chung sức đưa Việt Nam đạt được các mục tiêu tại Chương trình Mục tiêu Quốc gia đến năm 2030, thực hiện cam kết Thỏa thuận Paris và các cam kết về Biến đổi khí hậu khác đối với quốc tế.
Theo Bộ TNMT, rác thải nhựa ở Việt Nam chiếm tỉ trọng lớn trong lượng chất thải rắn sinh hoạt và ước tính lên tới 2,5 triệu tấn/năm. Đáng lo ngại hơn là khoảng 12% - 38% rác thải nhựa không được thu gom và đã xả trực tiếp ra môi trường xung quanh. Bình quân hàng tháng mỗi hộ gia đình dùng và thải ra 1kg túi nilon. Trong khi đó, chỉ có 10% rác thải nhựa tại Việt Nam được đem đi tái chế, còn lại hơn 90% được đem đi chôn, lấp hoặc thải ra môi trường. Đây thực sự là áp lực nặng nề cho môi trường sống của chúng ta bởi rác thải nhựa có thời gian phân huỷ dài, và trong quá trình phân huỷ lên đến cả 100 năm thậm chí 1.000 năm đó, chúng sẽ bị phân rã thành các mảnh nhựa siêu nhỏ. Những hạt vi nhựa này đi vào nguồn nước, đất, không khí, thức ăn… Khi con người tiếp xúc, ăn phải những mảnh vi nhựa này thì hệ lụy cho sức khỏe là khó có thể tính toán được. Đây chính là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như mất cân bằng hoóc-môn, bệnh về hô hấp, bệnh về thần kinh…
Vì vậy, thời gian qua, rất nhiều giải pháp, sáng kiến và cả các nỗ lực để giải quyết bài toán rác thải nhựa. Ví dụ như Tỉnh đoàn Thái Nguyên và nhà tài trợ đã thực hiện được 7 công trình nhà vệ sinh trường học bằng 22 nghìn chai nhựa tái sử dụng. Trung ương Đoàn cũng vừa khởi công xây dựng 1 nhà vệ sinh bằng vật liệu chai nhựa để tặng Trường Tiểu học Kéo Yên (xã Lũng Nặm, tỉnh Cao Bằng). Còn tại Bắc Ninh, hàng ngàn viên gạch sinh thái làm từ các chai nhựa đã qua sử dụng được đóng đầy cát do học sinh, sinh viên, đội viên, thiếu nhi trong tỉnh đóng góp để xây dựng nhà vệ sinh tại Trường Tiểu học Đình Tổ số 1 (huyện Thuận Thành)…
Những ý tưởng sáng tạo như thế này đang góp phần làm thay đổi thói quen, nếp nghĩ của các bạn trẻ về môi trường cũng như truyền cảm hứng sáng tạo cho các em để cùng chung tay xây dựng môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn.