Nghệ thuật thời Covid-19: Ẩn mình, chớp thời cơ
Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, sân khấu Việt đầu năm nay tiếp tục rơi vào khoảng lặng và đẩy nhiều đơn vị nghệ thuật cũng như các nghệ sĩ vào một thế khó.
Không sáng đèn, không vở diễn, không đóng phim… đồng nghĩa nguồn thu nhập giảm, thậm chí không có. Thế nhưng, giữa những khoảng lặng của các “cơn sóng” dịch bệnh, đời sống văn nghệ lại bừng thức, cho thấy những tín hiệu tích cực…
1. Trở lại khá nhanh sau chuỗi ngày dài “án binh bất động” vì đảm bảo phòng chống dịch bệnh là các rạp chiếu phim và sân khấu ca nhạc. Trong đó, nhiều liveshow âm nhạc được tổ chức gần đây đã mang tới cho khán giả những bữa tiệc âm nhạc thú vị. Đáng chú ý, là tối 21/3, diva Thanh Lam làm live concert “Hẹn yêu” tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là đêm diễn được mong đợi, ban đầu dự kiến diễn ra vào ngày 28/2 nhưng do tình hình Covid-19 bùng phát trở lại nên phải dời sang 21/3.
Chia sẻ về đêm nhạc, Thanh Lam cho hay: “Khách mời trong “Hẹn yêu” là nhạc sĩ Trí Minh, divo Tùng Dương, nhóm DaLab. Trí Minh là em ruột của Thanh Lam, được biết đến là một DJ và nghệ sĩ nhạc điện tử tiên phong ở Việt Nam. Tùng Dương - như một “Thanh Lam” ở cực dương với tầm vóc sáng tạo và cá tính dị biệt, người em và người bạn nghề nhiều đồng cảm và có sự kích ứng, truyền cảm hứng cho nhau để mỗi lần đứng cùng một sân khấu, Thanh Lam và Tùng Dương có thể tạo nên những bùng nổ đặc biệt.
Kết hợp được kỳ vọng tạo nhiều bất ngờ thú vị chính là sự có mặt của DaLab, nhóm nhạc underground được giới trẻ yêu thích vì tinh thần tươi vui, trong sáng và triết lý tích cực trong những bản Rap của họ. DaLab là nguồn cảm hứng mới khiến Thanh Lam muốn “đời thường” và tươi tắn hơn trong âm nhạc của mình. Lam rất mong được hát, thèm hát lắm rồi”.
Cùng chung mong muốn cống hiến cho khán giả những bữa tiệc nghệ thuật thú vị, mới đây sân khấu Lệ Ngọc khởi công 2 vở kịch nói là “Dế Mèn” phóng tác từ tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài và “Làm vua” về đề tài lịch sử, ca ngợi vua Đinh Tiên Hoàng.
Cùng lúc khởi công hai vở diễn, theo Giám đốc điều hành Sân khấu Lệ Ngọc Nguyễn Thế Vinh, đơn vị sân khấu xã hội hóa này mong muốn đem đến những “món ăn tinh thần” mới, giàu cảm xúc cho công chúng, đặc biệt là các khán giả thiếu nhi, đồng thời khởi động sân khấu Thủ đô sau một thời gian trầm lắng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Vở kịch “Dế Mèn” do tác giả Lê Chí Trung viết kịch bản, NSND Nguyễn Tiến Dũng- Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam đạo diễn, họa sĩ Ngô Thắng thiết kế mỹ thuật, NSND Hồng Phong biên đạo múa. Dự kiến “Dế Mèn” sẽ ra mắt vào tháng 4 và hướng đến phục vụ khán giả thiếu nhi trong mùa hè này.
Còn vở kịch “Làm vua” do tác giả Nguyễn Đăng Chương viết kịch bản, nghệ sĩ Lê Quý Dương đạo diễn. Tác phẩm khai thác đề tài lịch sử, là khúc tráng ca về vua Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh) - người sáng lập triều đại nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt trong lịch sử dân tộc. Vở diễn dự kiến ra mắt trong quý II-2021.
Trong khi đó, rạp phim những ngày này khá sôi động với nhiều bộ phim ra rạp. “Ẩn mình” một thời gian dài, để khi dịch bệnh tạm yên, các nhà sản xuất đã chớp thời cơ tung phim ra rạp. Thành công nhất hiện tại đang là phim “Bố già” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và Trấn Thành. Những công bố gần đây cho thấy phim đã đoạt doanh thu trên 200 tỷ đồng sau hơn chục ngày kể từ những suất chiếu sớm. Mặc dù không xuất sắc về nội dung, thậm chí bị chỉ ra còn nhiều sạn, song khán giả vẫn nườm nượp mua vé vào rạp xem “Bố già”. Điều đó cho thấy phần nào “cơn khát” muốn giải nhiệt của khán giả sau một quãng thời gian ở nhà tránh dịch.
Đáp ứng nhu cầu khán giả, hiện có tới 12 bộ phim Việt lên lịch ra rạp trong tháng 4 như: “Song song”, “Người lắng nghe” khởi chiếu ngày 2/4; “Vô diện sát nhân”, “Thiên thần hộ mệnh” ra rạp ngày 9/4; “Lật mặt: 48h”, “Kiều”, “Bẫy ngọt ngào” cùng chọn ngày 16/4 ra mắt; “Rừng thế mạng” chiếu vào 21/4; “Chìa khóa trăm tỷ” là 23/4. Dịp 30/4 thì có “Trạng Tí phiêu lưu ký”, “1990”, “Bóng đè” ra rạp…
2. Có thể nói, Covid-19 đã đặt để các đơn vị nghệ thuật và giới nghệ sĩ vào một thế khó chưa từng có. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, nhiều nghệ sĩ vẫn chứng tỏ được nội lực bứt phá của mình. Họ coi những ngày tháng ở nhà tránh dịch là thời gian lắng lại, suy ngẫm, và tìm kiếm những ý tưởng mới. Nhiều nghệ sĩ tranh thủ viết kịch bản, lên ý tưởng, liên kết các cộng sự và tập online vễ “vỡ” những kịch mục mới.
Đáng kế là Sân khấu Lệ Ngọc đầu năm nay đã ra mắt vở kịch “Cuộc chiến chống Covid” thu hút sự chú ý của khán giả và dư luận. Nhanh nhạy khai thác một đề tài thời sự, vở kịch do NSND Lê Hùng đạo diễn dài 90 phút kéo khán giả về những ngày cam go nhất của người dân Việt Nam năm 2020, tôn vinh những chiến binh áo blouse trắng. Ở đó, y đức của các bác sĩ, tinh thần trách nhiệm, chủ động và khẩn trương của chính quyền, sự đồng lòng từ mỗi người dân, các đơn vị, bộ ngành liên quan là điểm sáng giá nhất, gây xúc động mạnh mẽ cho khán giả. Những câu chuyện đầy tình người như việc các đơn vị quân đội nhường doanh trại làm nơi cách ly tập trung, những chiến sỹ công an, dân quân tự vệ canh giữ nghiêm ngặt con phố Trúc Bạch (Hà Nội)... cũng được tái hiện trên sân khấu.
Nghệ sĩ Nguyễn Văn Hải (vai ông Đức) chia sẻ: “Đây là vở diễn khó khăn nhất từ xưa đến nay của đoàn. Vì là một vở kịch mang tính thời sự dựa trên nhiều câu chuyện có thật, chúng tôi phải đưa từ thực tế vào sân khấu cho phù hợp với công tác, chủ trương của chính quyền, lồng ghép trong đó những câu chuyện trong xã hội. Từ đó làm bật lên tinh thần yêu thương, đùm bọc lẫn nhau và tinh thần lạc quan trong lúc khó khăn nhất”.
Bên cạnh những bộ phim, vở kịch, liveshow âm nhạc đã ra mắt, nhiều đơn vị nghệ thuật và các nghệ sĩ cũng chuẩn bị “bùng nổ” sau những ngày “trầm lặng”. Trong đó, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh đang trong giai đoạn chuẩn bị những khâu cuối cùng cho bộ phim “Huyết rồng”, dự kiến bấm máy trong mùa hè này. Phim đề cập tới thời khắc lịch sử chuyển giao quyền lực từ nhà Tiền Lê (Vua Lê Ngoạ Triều - Lê Long Đĩnh) sang nhà Lý (Vua Lý Thái Tổ - Lý Công Uẩn) năm 1009…