Tìm bản sắc riêng cho múa rối
Trong thời kỳ hội nhập, múa rối là một trong những loại hình nghệ thuật dân tộc cần được đầu tư gìn giữ và quảng bá sâu rộng. Do đó, việc tìm ra bản sắc riêng cũng như phát triển đúng hướng để làm mới loại hình nghệ thuật lâu đời này là bài toán luôn khiến những người hoạt động trong nghệ thuật múa rối phải trăn trở.
Khơi thông dòng chảy
Ra đời trong lòng xã hội nông nghiệp truyền thống, trải qua lịch sử hàng ngàn năm hình thành và phát triển, nghệ thuật múa rối tồn tại như một trò chơi dân gian, một hình thức giải trí đem lại niềm vui cho người lao động sau những giờ làm việc mệt mỏi. Nghệ thuật múa rối dân gian Việt Nam bao gồm nhiều loại hình như múa rối cạn, múa rối nước, rối bóng, rối que, rối dây, rối tay, rối mặt nạ… nhưng có lẽ quen thuộc hơn cả là nghệ thuật múa rối nước.
Các con rối nước được chế tác công phu, kết hợp kỹ thuật điều khiển điêu luyện của người nghệ sĩ, mỗi tiết mục đều mang đến những thông điệp đầy nhân văn về tình người, tình đời. Giữa không gian trong lành, khoáng đạt, mái đình uốn cong, sân khấu rối nước hiện lên như một bức tranh thủy mặc khiến người xem có những phút giây thả hồn thư thái.
Xã hội ngày càng phát triển, dưới sự quan tâm của Nhà nước trong việc đưa văn hóa Việt Nam vươn tầm thế giới, các bộ môn văn hóa nghệ thuật, trong đó có múa rối nước được quan tâm nhiều hơn. Múa rối nước cũng vì thế trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều tầng lớp dân chúng trong nước và nhận được sự yêu thích từ bạn bè quốc tế.
Giờ đây, bộ môn nghệ thuật này không chỉ được biểu diễn ở các tỉnh miền Bắc, mà cũng tạo được sức hút nhất định tại các vùng miền vốn không có múa rối nước như Trung Bộ, Nam Bộ. Đây là tín hiệu đáng mừng, dòng chảy của múa rối đã ngày càng được “khơi thông”, mở rộng, nhưng cũng là thách thức với những người làm nghề. “Dòng chảy” ấy sẽ đi đâu, về đâu, làm sao để hòa nhập mà không “hòa tan” vẫn là điều khiến chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá.
Đã 65 năm đã trôi qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị “Cần có đoàn múa rối chuyên nghiệp để các cháu thiếu nhi thêm niềm vui, thêm tiếng cười...”, tới nay thực tế cho thấy, khán giả đương thời của nghệ thuật rối nước không chỉ là những người nông dân chân lấm tay bùn, những đứa trẻ chăn trâu cắt cỏ nữa, mà rối nước đã chinh phục được khán giả ở chốn thị thành và du khách quốc tế.
Chính vì vậy, bên cạnh công tác bảo tồn thì vấn đề đặt ra là làm sao để làm mới bộ môn nghệ thuật truyền thống, tạo cho nó sức hút đối với nhiều đối tượng khán giả trong và ngoài nước vẫn là bài toán nan giải cần sớm tìm ra lời giải đáp
Bài toán làm mới
Có thể nói, hội nhập về văn hóa nghệ thuật đã mang lại không ít lợi ích cho các bộ môn nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật múa rối nước. Loại hình này được biết đến nhiều hơn, được quảng bá sâu rộng hơn, nhưng khách quan mà nói thì chưa thực sự bài bản, vẫn còn đâu đó những bất cập và chạy theo thị hiếu đám đông.
Múa rối là bộ môn nghệ thuật sáng tạo nên nó đòi hỏi sự đổi mới, sáng tạo không ngừng. Nhưng sáng tạo làm sao để không bị thương mại hóa, vẫn giữ được hồn cốt dân tộc mới là điều cần thiết. Sáng tạo nhưng vẫn phải lồng ghép được những yếu tố văn hóa truyền thống mang tính bản sắc vào tác phẩm để người xem cảm nhận được rõ nét văn hóa Việt Nam trong những tạo hình con rối, trong những điệu hò, vè, ca dao thấm đẫm tâm hồn Việt.
Bên cạnh đó, cần tìm tòi những đề tài mới, mang tính thời sự, hấp dẫn, ngoài những tích trò cổ, cũ, cần phải cách tân với những tích trò mới để khán giả không bị nhàm chán. Cũng từ đó, múa rối không chỉ dừng lại ở yếu tố giải trí mà được nâng tầm lên thành những giá trị tư tưởng, giá trị nhân văn nhẹ nhàng, hóm hỉnh mà sâu sắc, đọng lại nhiều dư vị trong lòng khán giả.
Những năm gần đây, các cơ quan quản lý cũng đã nỗ lực thực hiện rất nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá cho nghệ thuật múa rối Việt Nam thông qua các liên hoan múa rối trong nước và quốc tế. Đây là dịp để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm làm nghề với bạn bè quốc tế, giới thiệu những tinh hoa của nghệ thuật múa rối nước nhà và tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên hành trình hội nhập.
Cũng chính từ những đợt liên hoan đó mà chúng ta có những hoạt động đổi mới nghệ thuật múa rối như đưa vào sân khấu thử nghiệm với sự kết hợp độc đáo giữa con rối và các diễn viên. Các diễn viên rối nước, lâu nay vốn chỉ giấu mình phía sau sân khấu, nay đã được đưa toàn bộ lên sân khấu, diễn cả dưới bể nước và trên cạn. Các diễn viên điều khiển cũng nhập tâm cùng con rối, sử dụng biểu cảm và hình thể của mình để mang lại cho khán giả những tiết mục hấp dẫn nhất.
Phát triển nghệ thuật rối nước, sẽ đóng góp không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc của Việt Nam, góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Vì vậy, bài toán làm mới nghệ thuật rối nước truyền thống tuy khó khăn và đòi hỏi sự đầu tư lâu dài, nghiêm túc, nhưng không có nghĩa là không làm được.
Chúng ta cần tiếp thu những tinh túy của nghệ thuật rối nước truyền thống và phát triển với tư duy mới, hiện đại từ kỹ thuật điều khiển con rối cho tới hiệu ứng về âm thanh, ánh sáng, các kỹ thuật, kỹ xảo của thời đại 4.0. Bên cạnh đổi mới tiết mục, chương trình của mình cho phù hợp với đối tượng khán giả mới, thì cần đẩy mạnh marketing truyền thông quảng bá một cách có bài bản, tránh bị thương mại hóa và mất đi nét dân tộc, tính hồn nhiên trong sáng và tính tạo hình đặc trưng của bộ môn nghệ thuật độc lạ này.