‘Giấy phép con’ mang tên chứng chỉ

Hà Trọng Nghĩa 22/03/2021 05:30

Đã lâu, viên chức, công chức, giáo viên… khốn khổ với quy định về các loại chứng chỉ. Trong đó, phần lớn là chứng chỉ không cần thiết với công việc họ đảm nhiệm, càng rất hình thức khi xem xét bổ nhiệm. Với danh nghĩa quy chuẩn, nhiều loại chứng chỉ chính là “giấy phép con” cần phải sớm loại bỏ.

Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học - giáo viên đỡ khổ, xã hội hoan nghênh.

Ngày 19/3, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ Nội vụ, Bộ GDĐT truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc báo cáo nội dung liên quan đến các loại chứng chỉ bồi dưỡng đối với viên chức. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 101 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các quy định khác có liên quan.

Tổng rà soát

Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, báo cáo cụ thể về các loại chứng chỉ đối với đội ngũ viên chức. Trong đó, nêu rõ những loại chứng chỉ nào là điều kiện để được bổ nhiệm thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; chứng chỉ nào là bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.

Đồng thời, phân loại chứng chỉ bắt buộc và không bắt buộc trong quản lý viên chức. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GDĐT báo cáo cụ thể về nội dung tương tự nêu trên đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên (GV) cơ sở công lập các cấp, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan cho phù hợp để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập trong thời gian vừa qua về vấn đề này. Thủ tướng yêu cầu các bộ đề xuất phương án cụ thể, báo cáo trong tháng 3 này.

Như vậy, sẽ có một cuộc “tổng điều tra” các loại chứng chỉ ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Đó cũng là một công việc thuộc về cải cách hành chính mà Đảng, Nhà nước hết sức chú trọng, đôn đốc thực hiện trong nhiều năm qua nhằm loại bỏ những thủ tục lạc hậu, cản trở phát triển; khi mà yêu cầu về chứng chỉ không cần thiết đã tạo kẽ hở cho một số đối tượng trục lợi bằng cách gây khó dễ.

Những ngày qua, câu chuyện chứng chỉ chức danh nghề nghiệp (CDNN) đối với GV rất được xã hội quan tâm. Trước khi đi vào việc này, xin được nhắc lại nội dung chính của buổi họp báo chiều ngày 19/3 vừa qua, do Bộ Nội vụ tổ chức.

Tại đây, ông Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức của Bộ này cho biết, việc “giảm tải” chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đã nhận được sự đồng thuận lớn của các bộ, ngành, địa phương. Cùng với Bộ GDĐT thì đã có thêm Bộ NNPTNT không quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn viên chức thuộc ngành mình.

Ông Long cho biết, Bộ Nội vụ có dự thảo thông tư sửa đổi về tiêu chuẩn đối với công chức hành chính và công chức chuyên ngành văn thư; đã tổng hợp ý kiến xong, đang trong quá trình thẩm định để báo cáo Bộ trưởng sớm ban hành. Bộ TTTT cũng đã có dự thảo thông tư theo hướng bãi bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Vậy là Bộ GDĐT mới chỉ bỏ 2 chứng chỉ thôi mà đã “nhận được sự đồng thuận lớn của các bộ, ngành, địa phương”. Dư luận cho rằng các bộ, ngành, địa phương nên sớm “noi theo” mà khẩn trương rà soát, loại bỏ càng nhanh, càng nhiều các loại chứng chỉ hình thức càng tốt.

Vẫn theo ông Long, ngoài việc bãi bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ được “đồng thuận cao”, thì vấn đề còn lại là các chứng chỉ theo tiêu chuẩn CDNN (như chứng chỉ CDNN đối với GV; chứng chỉ bồi dưỡng phóng viên, biên tập viên… với báo chí) hiện nhiều ý kiến cũng đồng thuận bãi bỏ, đặc biệt đối với viên chức.

Tất nhiên, từng bộ, ngành cũng có quy định riêng. Vì thế để thống nhất, đồng bộ, dư luận hy vọng Bộ Nội vụ là đầu mối sớm tổ chức họp với các bộ, ngành trên tinh thần sớm triển khai để đảm bảo sự công bằng giữa các ngạch công chức, viên chức nói chung, trong đó rất quan trọng là vấn đề chứng chỉ: cái nào bắt buộc, cái nào không bắt buộc, như chỉ đạo của Thủ tướng.

Xếp hạng giáo viên và câu chuyện quyền lợi cục bộ

Trở lại với Bộ GDĐT, về vấn đề CDNN của GV, đã và đang tiếp tục nhận được nhiều ý kiến. PGS.TS Phạm Mạnh Hà (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội), khi trả lời phỏng vấn trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 19/3/2021, cho rằng bằng cử nhân sư phạm là học vị dành cho những người đã tốt nghiệp chương trình đào tạo bậc ĐH các chuyên ngành đào tạo GV. Còn chứng chỉ chuẩn CDNN đối với GV là chứng chỉ được cấp cho GV tham gia khóa bồi dưỡng theo đúng tiêu chuẩn CDNN. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng của 2 loại văn bằng chứng chỉ này hoàn toàn khác nhau.

Điều đó thì ai cũng rõ. Tuy nhiên, vấn đề không phải là ở chỗ bằng cử nhân, mà là các chứng chỉ quy định đối với GV. Nếu như theo phân cấp GV thành 3 hạng: Hạng I, hạng II, hạng III thì vẫn sẽ dẫn đến các yêu cầu về chứng chỉ. Trong khi “nạn” chứng chỉ đang làm khổ xã hội.

Theo PGS Hà, việc quy định các hạng trong vị trí việc làm sẽ là động lực để GV nỗ lực, cố gắng hơn trong chuyên môn, nghiệp vụ, chịu khó hơn trong việc rèn luyện đạo đức, phẩm chất nhà giáo. PGS Hà cho rằng, không thể nói bỏ các quy định về chuẩn CDNN đối với GV trong khi nghề khác thì không. Và rằng, nếu GV không tham gia các khóa học thì không đủ cơ sở để các cơ sở giáo dục cấp chứng chỉ đạt điều kiện.

Như vậy, phải chăng lý do các cơ sở giáo dục tồn tại là để đào tạo và bồi dưỡng, cấp CCNN cho GV? Còn nói rằng, những kiến thức như phẩm chất nhà giáo, nếu không học thì không cập nhật được ở đâu, thì e không đúng. Lịch sử nền giáo dục Việt Nam, nền giáo dục cách mạng Việt Nam với nhiều thành tựu mà công đầu thuộc về đội ngũ nhà giáo, trong đó nhiều người không đào tạo ở trường sư phạm và tất nhiên họ cũng không có CCNN.

Nhưng phẩm hạnh nhà giáo trong họ thì sáng ngời, là tấm gương vằng vặc cho các thế hệ kế tiếp soi vào, học tập. Học mãi cũng không hết. Phẩm chất nhà giáo hay phẩm chất một con người được hình thành từ nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là phải tự học, tự rèn để sống không thẹn với lòng chứ không phải chỉ đến trường học một vài giáo trình lý thuyết là xong.

Tuy nhiên, PGS Hà đúng khi cho rằng việc GV đang yêu cầu bỏ CCNN là yêu cầu thay đổi luật pháp cho phù hợp với riêng mình, như vậy là không công bằng so với những ngành nghề khác.

Vậy thì, nhân việc Bộ GDĐT đã bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và dư luận đang đòi hỏi bỏ CCNN đối với GV, thì các bộ, ngành khác cũng nên mạnh dạn “bước qua” quyền lợi cục bộ, gấp rút tiến hành loại bỏ tất cả những chứng chỉ không cần thiết. Có như vậy, nói như PGS Hà, mới công bằng. Và cũng tạo ra được sự đồng bộ trong toàn bộ hệ thống quản lý nhà nước.

Thầy tốt thì nên làm ngay

Tới đây, xin được dẫn ý kiến của nhà giáo Lê Văn Vỵ - nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) về CCNN đối với GV. Ông Vỵ đề xuất Bộ GDĐT cần xem xét kiến nghị bãi bỏ yêu cầu chứng chỉ CCNN đối với GV, không phân GV thành 3 hạng, thay vào đó là các tiêu chí, yêu cầu về trình độ chuyên môn, kĩ năng sư phạm và thành tích, hiệu quả công tác để đánh giá GV.

Ông Vỵ cho rằng cần thay đổi phương pháp phân hạng GV bằng cơ chế khuyến khích GV nâng cao hiệu quả, kết quả, thành tích công tác thường xuyên, trả lương theo thâm niên kết hợp thành tích, kết quả công tác hàng năm.

“Giáo dục cần thay đổi bắt đầu từ quan niệm đi vào thực chất. Việc phân hạng GV và đề ra các tiêu chí về bằng cấp, chứng chỉ, thành tích hội thi, khen thưởng... là vẫn theo tư duy cũ”- theo nhà giáo Lê Văn Vỵ.

Đó là ý kiến của một nhà giáo về ngành của mình. Nhưng thiết nghĩ, nó có nhiều điểm chung với các ngành nghề, lĩnh vực khác. Vì thế rất cần được xem xét, cân nhắc, nếu thấy tốt thì nên làm ngay.

Hà Trọng Nghĩa