Dọn gỗ hay khai thác rừng không phép?
Người dân thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Xuyên, tỉnh Quảng Nam phản ánh việc nhiều cây lớn hàng chục năm tuổi tại rừng phòng hộ cảnh quan Mỹ Sơn bị Ban Quản lý Di sản văn hóa (BQLDSVH) Mỹ Sơn tự ý chặt hạ, đem bán.
Chặt cây không phép
Ông Nguyễn Thanh Ba (62 tuổi, trú thôn Mỹ Sơn) cho biết, vào năm 1994 gia đình ông có 2 ha đất trồng keo và xà cừ. Tuy nhiên sau đó khu đất này được chuyển thành rừng phòng hộ cảnh quan của Khu DSVH Mỹ Sơn nên bị cấm khai thác.
“Từ lúc chuyển thành rừng phòng hộ, tôi cùng các hộ dân khác không được quyền chăm sóc, khai thác cây keo, xà cừ ở khu vực này nữa. Họ hứa sẽ có chính sách hỗ trợ cho tôi và người dân, nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì. Thế mà họ tự ý khai thác gỗ đem bán”- ông Ba nói.
Còn bà Nguyễn Thị Hương (trú thôn Mỹ Sơn) cho hay: “Tôi và các hộ dân khác trồng keo ở rừng phòng hộ này mong muốn các ngành chức năng, BQL DSVH Mỹ Sơn hỗ trợ tiền cho tôi đúng theo quy định pháp luật. Chứ hỗ trợ có 30 triệu đồng/ha thì tôi không đồng ý”.
Thế nhưng việc hỗ trợ chưa ngã ngũ, mới đây người dân phát hiện BQLDSVH Mỹ Sơn cho chặt hạ cây ở rừng phòng hộ đem bán. Do qua bức xúc, người dân kéo vào khu vực này yêu cầu dừng ngay việc khai thác rừng và bán gỗ, đồng thời báo cáo lên UBND huyện Duy Xuyên nhưng chưa được giải quyết.
Qua ghi nhận của chúng tôi, hai bên đường ở rừng phòng hộ Khu DSVH Mỹ Sơn nhiều cây bị chặt hạ còn trơ gốc, có những gốc cây đường kính từ 20-30cm, cành cây nằm ngổn ngang. Những khu khai thác rừng xong, BQLDSVH Mỹ Sơn đã trồng lại cây sao đen, cây lim xanh;… Cách đó không xa, là một điểm tập kết gỗ keo khối lượng rất lớn.
Nhiều người dân cho rằng, việc khai thác rừng của BQLDSVH Mỹ Sơn không được người dân đồng tình vì chưa thống nhất việc hỗ trợ cho họ, không có phép vẫn ngang nhiên khai thác. Vậy ai cho họ cái quyền này?
Thừa nhận sai sót
Trước tình hình trên, ông Phan Hộ, Giám đốc BQLDSVH Mỹ Sơn cho hay: Cơn bão số 9/2020 đã gây ngã đổ một số cây keo này ảnh hưởng đến lối đi, công trình kiến trúc, tài sản cơ quan và đặc biệt là nguy hại đến di tích. Ban nhanh chóng khắc phục cây ngã đổ, vì vậy so với các quy định về rừng thì chúng tôi chưa có báo cáo xin phép đầy đủ, dẫn đến những sai sót so với quy định.
Theo ông Hộ, kinh phí tận thu gỗ ngã đổ là để trả cho nhân công và tổ chức phát động trồng các loại cây lâu năm thay thế. Ông Hộ cũng cho biết, trong quá trình thực hiện có sai sót là đơn vị được hợp đồng thu gom gỗ nhầm lẫn một số cây ngã đổ của các hộ dân bên cạnh, dẫn đến các hộ dân này bức xúc phản ánh.
“Ban Quản lý DSVH Mỹ Sơn hoàn toàn không có chủ trương khai thác rừng hoặc chặt phá rừng đi bán mà đó là quá trình khắc phục hậu quả bão lũ gây ra, hạn chế thiệt hại trong phục vụ du lịch vốn đã rất khó khăn của đơn vị”, ông Phan Hộ chia sẻ.
Nói về việc này, ông Nguyễn Ngọc Nguyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Trung Quang Nam cho rằng: “Chúng tôi đã tiếp nhận thông tin về sự việc khai thác gỗ ở Khu DSVH Mỹ Sơn và đã cử cán bộ đi kiểm tra xác định số lượng cây bị chặt phá, diện tích cây bị chặt ở đâu, sau đó chúng tôi mới có hướng xử lý. Hiện nay tại khu vực này đơn vị tạm giữ 10 m3 khối gỗ keo lá tràm”.